Thầy Nguyễn Trọng Bình (An Giang) chia sẻ, văn bản “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi”, sách giáo khoa Ngữ văn 6 – bộ Cánh Diều (Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) có nhiều điểm không hợp lý.
Thứ nhất, xét toàn bộ chỉnh thể, cấu trúc của bài “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi”, có thể nói đây là một văn bản rời rạc, thiếu mạch lạc trong lập luận và liên kết.
Văn bản được cấu trúc thành 6 đoạn văn. Tuy vậy, trong 6 đoạn này tác giả không một lần nào đề cập đến hiện tượng “mùa nước nổi”. Về mặt lập luận đây là một sai sót căn bản của văn bản này.
Lẽ ra, khi tác giả nêu vấn đề “mùa nước nổi” ở đầu bài thì ít nhất phải có một hoặc vài luận điểm nào đó giới thiệu, giới thuyết, luận bàn về vấn đề ấy.
Dù rằng, tác giả có đề cập đến “lũ” – một cách gọi khác của hiện tượng “mùa nước nổi”. Nhưng như thế là một sự đánh đố với các em học sinh lớp 6 vì xét về nguyên nhân và tính chất thì hiện tượng “lũ” ở miền Tây rất khác với “lũ” ở miền Trung hay các vùng miền khác.
Bên cạnh đó, mỗi đoạn trong bài viết tác giả lại bàn về một vấn đề khác nhau và mối liên kết giữa 6 đoạn văn này cũng rất lỏng lẻo, rời rạc.
Theo đó, đoạn 1 nói về chuyện “lũ” không về (khi thì “Đồng Tháp”, khi thì “Đồng Tháp Mười”); đoạn 2 kể lại chuyện được bạn chở vào “lõi Đồng Tháp Mười”, đoạn 3 kể về chuyện thưởng thức hai món ăn cá linh và bông điên điển, đoạn 4 nói về sen ở Tháp Mười, đoạn 5 nói về việc bạn chở đến khu di tích Gò Tháp, cuối cùng là đoạn 6 kể về việc trở lại thành phố Cao Lãnh cùng với đó là những nhận xét của người viết về cuộc sống của người dân nơi đây.
Một phần nội dung văn bản “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi”. (Ảnh: Nguyễn Trọng Bình) |
Không những vậy, nội dung và ý nghĩa của đoạn 1 (mở đầu) và đoạn 6 (kết thúc) trong văn bản này lại rất mâu thuẫn nhau.
Đó là, đoạn 1 tác giả lại nói vì “lũ không về” làm cho “toàn bộ đời sống bị ngưng trệ” còn đoạn 6 lại kết luận “người dân ở đây vui vẻ sống, hiền lành sống, năng động sống với nhịp nhàng nước kiệt, nước ròng”. Hay “cuộc sống cứ thế trôi, bình dị và an lành, tự tin và khảng khái…”.
Ở đoạn 4 tác giả viết: “Về đây mới thấy, sen xứng đáng để… ngợp. Bạt ngàn sen chen giữa rừng tràm, sen tinh khiết bung nở giữa bùn, sen ngạo nghễ khoe giữa năn, lác. Không chen chúc chật chội, chúng chiếm những không gian rộng lớn, bát ngát chỉ mình sen”.
Có thể thấy, trong 3 câu văn trên thì ý nghĩa của câu thứ 2 và thứ 3 mâu thuẫn nhau. Trong câu 2, tác giả bảo “bạt ngàn sen chen giữa rừng tràm”, “ngạo nghễ giữa năn, lác” nhưng ngay sau đó câu thứ 3 thì nói ngược lại: “Không chen chúc chật chội, chúng chiếm những không gian rộng lớn, bát ngát chỉ mình sen”.
Một ví dụ khác, ở đoạn 1, câu văn thứ tư “Năm ngoái, chúng tôi lại xuống Long An” là câu văn rời rạc, thiếu mạch lạc không liên quan gì đến các câu còn lại trong đoạn. Vì 3 câu đầu đang nói về lũ ở Đồng Tháp Mười, các câu sau vừa tiếp tục bàn và miêu tả lũ và việc đào kinh…
Thứ hai, văn bản này có nhiều sai sót trong cách dùng từ như: dùng từ không chính xác, từ sáo rỗng và không đúng chỗ.
Ví dụ, từ “nước kiệt” trong câu: “Bởi nếu không có lũ nước kiệt đi thì toàn bộ vùng này thiếu nước” được chú thích cùng nghĩa với từ “nước ròng” chỉ hiện tượng nước cạn khi thủy triều xuống ở các con sông trong một ngày.
Vậy nên, từ “nước kiệt” được sử dụng trong câu văn trên là không chính xác, gây hiểu lầm vì “lũ không về” nên làm cho “nước kiệt đi”.
Từ “mùa màng” trong câu “Nó mang phù sa mùa màng về…” - ý tác giả muốn nói khi “lũ về” sẽ mang theo phù sa nhờ vậy mà việc gieo trồng của người dân thuận lợi, mùa màng cây trái tốt tươi.
Tuy vậy, cách dùng từ “mùa màng” trong câu văn trên là không đúng. Nước lũ chỉ có thể “mang phù sa” chứ không mang “mùa màng”.
Thứ ba, văn bản “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” mắc nhiều lỗi về hành văn và diễn đạt.
Ví dụ, pha tạp giữa văn viết với văn nói: “Nước ta từ Bắc chí Nam đâu cũng có sen, chả thế mà người ta định lấy sen làm quốc hoa, chả thế mà Vietnam Airlines lại lấy hoa sen làm biểu tượng sơn trên máy bay…”.
Có thể nói, mấy từ “chả thế mà” được lặp lại đến hai lần đã vô tình làm hại câu văn và giọng điệu chung của cả bài viết.
Dùng từ mơ hồ dẫn đến rối rắm: “Anh chở tôi len lỏi vào những con đường mà người thường không được đi, khách du lịch lại càng không…”.
Viết như thế, bạn đọc không thể không đặt câu hỏi tác giả và người bạn của mình phải chăng không phải là “người thường”? Nếu như vậy thì là người gì mà lại được phép tự do đi lại trên những con đường mà “người thường” hay kể cả “khách du lịch” cũng không được đi?
"Với những sai sót như thế, bài “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” lẽ ra cần phải được biên tập kỹ hơn trước khi đăng báo (bài viết đã được đăng trên Báo Văn nghệ, số 49, năm 2011) huống hồ là đưa vào sách giáo khoa để làm văn liệu giảng dạy cho các em học sinh.
Chỉ riêng chuyện này thôi, chúng tôi cảm thấy rất bất ngờ khi nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa lại lựa chọn đưa vào. Và Hội đồng thẩm định không hiểu sao lại bỏ phiếu thông qua?", thầy Nguyễn Trọng Bình băn khoăn.
Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của thầy giáo Nguyễn Trọng Bình (tác giả Cao Nguyên ghi). Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.