GV sư phạm học sau đại học cần có chính sách ưu tiên và cam kết cống hiến

05/10/2024 06:48
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Đào tạo sau đại học để phục vụ cho nguồn lực giảng dạy cho các trường có đào tạo giáo viên cần phải có chính sách ưu tiên cho người học.

Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm 2024 nhằm mục đích tạo diễn đàn khoa học về một số chủ đề nghiên cứu về khoa học giáo dục để cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng phục vụ phát triển ngành giáo dục.

Đồng thời, đề xuất được một số định hướng nghiên cứu trọng tâm nhằm phát triển khoa học giáo dục làm nền tảng cho các cấp học giáo dục.

Ứng dụng ChatGPT trong học tập và nghiên cứu

Tại phiên song song của tiểu ban 2 - Khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học. Nghiên cứu sinh Lê Thái Phượng, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng chia sẻ về vấn đề ứng dụng ChatGPT trong học tập và nghiên cứu.

Nghiên cứu sinh Lê Thái Phượng, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.
Nghiên cứu sinh Lê Thái Phượng, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.

Theo cô Phượng, qua nghiên cứu, mục đích sử dụng ChatGPT dùng để tra cứu thông tin, tài liệu về các chủ đề học tập, nghiên cứu; Làm bài tập liên quan đến nội dung học tập, nghiên cứu; Dịch và giải thích các thuật ngữ chuyên ngành; Hỗ trợ viết báo cáo môn học, khoá luận; Học thêm ngoại ngữ và Hỗ trợ viết các tác vụ liên quan đến soạn E-mail.

Đồng thời, qua kết quả nghiên cứu, đối với sinh viên và giảng viên ủng hộ việc sử dụng ChatGPT trong học tập, nghiên cứu, có thể thấy sự đồng thuận cao về quan điểm tích cực đối với ChatGPT.

Thứ nhất, ChatGPT là công cụ hỗ trợ việc tìm kiếm, tra cứu thông tin nhanh chóng. Cả giảng viên và sinh viên đều nhận thấy ChatGPT giúp truy cập nguồn tài liệu phong phú, tổng hợp và lọc thông tin phù hợp với nhu cầu tìm hiểu, qua đó tiết kiệm thời gian, công sức.

Thứ hai, ChatGPT hỗ trợ giải đáp thắc mắc, cung cấp kiến thức mới. Với cơ sở dữ liệu lớn, ChatGPT có khả năng trả lời hầu hết các câu hỏi của sinh viên, kể cả những vấn đề khó. Điều này giúp sinh viên tháo gỡ vướng mắc và mở rộng hiểu biết.

Thứ ba, ChatGPT đưa ra gợi ý, định hướng cho ý tưởng nghiên cứu. Nhờ khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, ChatGPT có thể cung cấp gợi ý phù hợp cho đề tài nghiên cứu, giúp sinh viên mở rộng ý tưởng và xây dựng dàn bài tốt hơn. Điều này giúp sinh viên chủ động, sáng tạo hơn trong học tập.

Thứ tư, Chat GPT khuyến khích sự chủ động học hỏi và khả năng phân tích, tổng hợp thông tin của sinh viên.

Sinh viên nên sử dụng ChatGPT để hỗ trợ tìm kiếm, tra cứu thông tin nhanh chóng; Hỗ trợ giải đáp thắc mắc, kiến thức mới; Đưa ra những gợi ý, định hướng cho ý tưởng nghiên cứu; Thúc đẩy chủ động tìm tòi, mở rộng kiến thức; Phân tích, tổng hợp thông tin.

Đối với các ý kiến không ủng hộ việc sử dụng ChatGPT trong học tập, nghiên cứu, những lý do được đưa ra tập trung ở hai nhóm.

Thứ nhất, ChatGPT làm sinh viên lười suy nghĩ, lười tư duy nếu lạm dụng nó. ChatGPT sẽ làm triệt tiêu khả năng tư duy độc lập, óc phản biện của sinh viên. Thứ hai, ChatGPT hạn chế khả năng sáng tạo của sinh viên.

Việc sử dụng ChatGPT thường xuyên khiến sinh viên bó buộc trong khuôn khổ, mất đi sự sáng tạo. Sinh viên sẽ thiếu đi những ý tưởng độc đáo, mới mẻ vì đã quen với cách thức ChatGPT đưa ra kết quả.

Bên cạnh đó, sinh viên còn cho rằng thông tin ChatGPT cung cấp chưa hoàn toàn chính xác, một số câu trả lời của ChatGPT còn sai lệch, thiếu độ tin cậy. Nếu quá tin tưởng vào ChatGPT mà không kiểm chứng, sinh viên dễ tiếp thu thông tin không chính xác.

Về phía giảng viên, một số lo ngại rằng nếu sinh viên sử dụng ChatGPT không đúng cách, không có sự hiểu biết đầy đủ về tác hại tiềm ẩn, họ có thể tạo ra những sản phẩm học thuật kém chất lượng, thiếu tính khoa học và sáng tạo.

Cũng theo cô Phượng, cần trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng sử dụng ChatGPT một cách có trách nhiệm, tránh việc lạm dụng công nghệ.

Đồng thời khuyến khích giảng viên tiếp cận cởi mở và tích hợp ChatGPT vào quá trình giảng dạy, tạo ra môi trường học tập đổi mới, sáng tạo cũng như tăng cường liên kết và trao đổi kinh nghiệm giữa các trường đại học về việc ứng dụng ChatGPT trong giáo dục đại học, chia sẻ những bài học kinh nghiệm và những giải pháp hiệu quả.

Tại phiên thảo luận tại tiểu ban 2, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Tại Huân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, theo quan sát từ phía sinh viên của nhà trường hay các trường khác thì các em rất thông minh, sáng tạo, nên khi có được môi trường với những trang thiết bị hiện đại thì sinh viên sẽ học và tiếp nhận rất là nhanh.

Bên cạnh đó, ứng dụng ChatGPT là một vấn đề mà hầu hết các nước trên thế giới đều đang quan tâm. Tuy nhiên vấn đề đặt ra rằng khi sử dụng ChatGPT sẽ có một số rủi ro vì sẽ không có đúng và sai, ChatGPT chỉ là công cụ để thu thập kiến thức trên toàn thế giới.

Vì vậy, nếu sau này khi có thêm những công cụ mới, vận dụng thêm thì người Việt Nam với nền tảng cần cù, thông minh sẵn có sẽ có thể tiếp nhận thêm các công cụ tự học, và thế hệ sinh viên Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.

Cần có chính sách ưu tiên cho người học sau đại học với trường có đào tạo giáo viên

Cũng tại phiên thảo luận tại tiểu ban 2, trao đổi về vấn đề đào tạo giáo viên và sinh viên sư phạm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng chia sẻ, khoa học giáo dục của chúng ta tiếp cận từ những vấn đề nguyên lý, xu hướng nhưng phải gắn liền với thực tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng

Khoa học giáo dục gắn với hệ thống giáo dục quốc dân. Vì vậy, theo thầy Minh, rất cần có những chính sách bởi thực tế hiện nay đào tạo giáo viên phải nhận thức là lĩnh vực đặc thù, đào tạo ra sản phẩm có đạo đức, có trí thức, năng lực, nghệ thuật, sử dụng kỹ thuật trong giảng dạy, điều này đòi hỏi những yêu cầu rất cao.

Thực tế có trường hợp sinh viên chọn học sư phạm rất đam mê, tâm huyết với nghề tuy nhiên sau khi ra trường 1 thời gian thì “mất lửa" bởi ở giáo dục phổ thông hiện nay nhiều chỗ hành chính hoá quá nhiều, thêm môi trường chưa dân chủ, lương bổng thấp.

Vì vậy, chúng ta cần phải đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thường xuyên để cập nhật, giữ lửa với nghề.

Thầy Minh cũng nhấn mạnh thêm, để có giảng viên giỏi về nhiều khía cạnh như giỏi về chuyên môn, biết sử dụng công nghệ, tâm huyết đam mê không phải là điều dễ dàng. Bên cạnh đó, thầy Minh cũng trăn trở về nguồn lực để đầu tư cho đội ngũ giảng viên giỏi, cơ sở vật chất tốt.

Chính vì vậy, cần có những chính sách vĩ mô và tất cả các trường đào tạo giáo viên cần đồng thanh để tác động đến vấn đề chính sách.

Thứ nhất, về vấn đề lương nhà giáo đã có Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng là một trong những khuyến khích, tạo điều kiện, động lực cho giáo viên.

Thứ hai, đào tạo sau đại học để phục vụ nguồn lực giảng dạy cho các trường đào tạo giáo viên cần phải có chính sách ưu tiên cho người học, tất nhiên đi kèm là cam kết cống hiến.

Bên cạnh đó, với các trường đào tạo giáo viên thì cần phải có đầu tư về tài chính để phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại.

Thứ ba là bồi dưỡng giáo viên phải liên quan đến vấn đề là một hoạt động mang tính chất có điều kiện. Các trường có đào tạo giáo viên cần có dự án phát triển năng lực quản trị và đào tạo giáo viên trong bối cảnh cách mạng 4.0. Chúng ta cần có dự án để cùng làm, qua đó cùng tác động chính sách, xây dựng hệ thống về chương trình đào tạo, về ứng dụng công nghệ thì mới đáp ứng được yêu cầu của đổi mới.

Thu Trang