Tập huấn giáo viên tích hợp chỉ là… chữa cháy
Tại Hội nghị Đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023 vừa qua, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ nhiều vấn đề khó khăn đã gặp phải.
Trong đó, có vấn đề liên quan đến giáo viên môn tích hợp, tình trạng thực tế tại các trường, giáo viên không đáp ứng do hiện hầu hết đều không được đào tạo chuyên sâu.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Qua tiếp xúc cử tri, cho thấy một tình trạng hiện nay, ở bậc trung học cơ sở, giáo viên cảm thấy rất khó khăn. Giáo viên rất trăn trở, họ phàn nàn trước những khó khăn, áp lực vì họ không đủ năng lực để dạy cùng lúc 3 môn.
Đại biểu quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị). Ảnh: NVCC. |
Để giải quyết khó khăn với môn tích hợp, một số nhà trường vẫn để giáo viên dạy riêng rẽ, tức là giáo viên Lý vẫn dạy Lý, giáo viên Hóa vẫn dạy Hóa, giáo viên Sinh vẫn dạy Sinh, nhưng lại dễ gây xáo trộn thời khóa biểu.
Nói là đổi mới, nhưng thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa hoàn toàn chuẩn bị phương án cho cả chương trình. Có môn tích hợp nhưng lại chưa đào tạo được đội ngũ giáo viên đáp ứng giảng dạy theo phương án tích hợp đó.
Thực tế mà nói, một giáo viên dạy Hóa liệu có đủ kiến thức để dạy môn Lý và môn Sinh hay không? Nhiều trường vẫn phải “ghép cơ học” giáo viên để dạy chương trình cũng được “ghép cơ học”.
Về công tác tập huấn trong vài tháng cho giáo viên mà một số trường đang thực hiện, tôi cho rằng đó chỉ là phương án “chữa cháy”, vì chỉ trong từng đó thời gian, liệu có đủ để đào tạo thêm 2 môn học không phải chuyên môn của mình mà đáp ứng tất cả kiến thức cho học trò hay không, trong khi với chuyên môn hiện tại đang giảng dạy, họ đã phải đi học đến 4 năm.
Có lần đi tiếp xúc cử tri, đã có giáo viên nói thẳng, buộc họ phải đi tập huấn thì họ đi, chứ chỉ qua vài tháng, những kiến thức họ được tiếp cận hoàn toàn không đủ để đáp ứng cho họ dạy trọn vẹn môn tích hợp theo chương trình mới.
Thêm nữa, hai năm nay, mới chỉ triển khai đến lớp 6, lớp 7, nội dung kiến thức chủ yếu dừng lại ở lý thuyết, nhưng qua năm sau, bắt đầu bước vào kiến thức chuyên sâu hơn, thì giáo viên liệu có đáp ứng không. Trong khi đó, chế độ cho giáo viên lớn tuổi nghỉ hưu hiện nay cũng đang quá khắt khe, cơ hội tuyển dụng các giáo viên trẻ cũng khó khăn, giáo viên tại các trường vẫn thiếu rất nhiều. Đặc biệt, nếu không thay đổi thì sau này cũng khó có cơ hội tuyển dụng lứa giáo viên mới được đào tạo theo hướng tích hợp…”.
“Để đảm bảo chất lượng, tôi hy vọng, ngành giáo dục có thể chấp nhận cho giáo viên phân môn nào vẫn dạy phân môn đó, đến khi có thể tuyển dụng được những giáo viên được đào tạo chính quy theo hướng tích hợp, để không làm khó các trường.
Thứ hai, tôi rất tâm đắc với trăn trở của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong Kỳ họp Quốc hội vừa qua, ngành giáo dục nắm tất cả, trừ biên chế giáo viên và tài chính. Tôi cho rằng, ngành giáo dục là đặc thù, học sinh mỗi năm một tăng lên, Bộ Nội vụ không thể cứng nhắc giảm biên chế như với các ngành khác được. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều, khiến nhiều học sinh không có giáo viên, không có lớp học.
Như ở Quảng Trị hiện nay, vì không đủ biên chế, nên yêu cầu học sinh về các điểm trường trung tâm học tập, nhưng nó chỉ phù hợp bậc trung học cơ sở, chứ bậc mầm non, tiểu học thì việc huy động từ khu vực lẻ về trung tâm là rất khó.
Biên chế trong ngành giáo dục cần được quan tâm hơn nữa, theo tôi, có học sinh là phải có giáo viên giảng dạy” - nữ đại biểu đề xuất.
Cần sớm rõ phương án tốt nghiệp cho học sinh học chương trình mới
Theo vị Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị, bên cạnh vấn đề môn tích hợp gây khó cho ngành giáo dục, phụ huynh và học sinh cũng đang “thấp thỏm” về phương án tốt nghiệp trong một vài năm tới.
“Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới đang triển khai ở lớp 10 của bậc trung học phổ thông. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và học sinh đã rất quan tâm đến phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhưng ngay như ở Quảng Trị hiện nay cũng chưa có động thái gì.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi các địa phương còn lúng túng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên chủ động có hướng dẫn cụ thể, kịp thời để phụ huynh và học sinh yên tâm hơn. Nếu để mông lung quá, học sinh và phụ huynh chưa có hình dung cụ thể, sẽ rất dễ hoang mang” - nữ đại biểu phân tích.
Đại biểu quốc hội Hồ Thị Minh cũng đề cập đến chất lượng đào tạo nhân lực hiện nay: “Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta lại quay lại “bài toán” phân luồng học sinh, cần phải làm thật tốt, làm thực chất. Bắt đầu từ gia đình, nhà trường và xã hội, với góc nhìn đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công.
Theo Đại biểu quốc hội Hồ Thị Minh, nhiều phụ huynh và học sinh đang quan tâm đến phương thức thi tốt nghiệp của học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa: Mộc Trà. |
Thêm nữa, với công tác tuyển sinh ở bậc đại học cũng cần phải thay đổi. Hiện, vẫn còn những trường đầu vào lấy điểm rất thấp, chỉ 16,17 điểm đã đỗ, sau khi ra trường, những kiến thức được đào tạo không phục vụ được cho công việc của mình. Nên mới có những cử nhân tốt nghiệp, vì không xin được việc với thu nhập ổn định, lại đi xuất khẩu lao động, lại bán hàng online…
Chúng ta phải làm sao, để các em bước vào đại học, khi ra trường phải có việc làm. Cần phải có phương án “thắt chặt” lại, đào tạo bậc đại học thì cung và cầu phải tương ứng với nhau, không phải như một số trường tuyển sinh ồ ạt, đào tạo tràn lan, thậm chí “vơ bèo vạt tép” để có sinh viên nộp học phí, rồi tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp lại cũng không nhỏ.
Một số trường đại học cùng nhóm ngành có thể phối hợp để đưa ra một phương thức tuyển sinh riêng, để lựa chọn được những thí sinh phù hợp với các tiêu chí của ngành. Chẳng hạn, khối ngành sư phạm, khối ngành y dược, khối ngành kỹ thuật, khối ngành truyền thông - báo chí,… có những tiêu chí riêng, có thể áp dụng những phương thức tuyển sinh phù hợp”.