Hà Nội cần chính sách đột phá để trường tư có mức phí hợp lý với nhiều HS

25/10/2024 06:32
Thúy Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, Hà Nội cần có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục tư thục để thu hút PH, HS.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục. Trong đó, Hà Nội đặt mục tiêu là số trường tư chiếm 21% tổng số trường học và 14-16% số học sinh vào năm 2025.

Đối với bậc mầm non, số cơ sở giáo dục tư thục phấn đấu đạt tỷ lệ 30%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 30%. Với giáo dục phổ thông, số trường học tư phấn đấu đạt 13%, với số học sinh tiểu học đạt 8%, học sinh trung học cơ sở đạt 7%, và học sinh trung học phổ thông đạt 40%.

Như vậy, theo mục tiêu đã đặt ra, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 40% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào trường trung học phổ thông tư thục, tăng khoảng 15% so với hiện tại. [1]

Các trường tư thục có thể góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung của thành phố

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho biết: “Thành phố Hà Nội với mức GDP cao và năng lực đầu tư mạnh, hoàn toàn có thể đầu tư vào hệ thống giáo dục công lập mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào xã hội hóa giáo dục.

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tài chính, nhu cầu xã hội cũng đóng vai trò quan trọng. Hà Nội là nơi có đông đảo người dân với mức thu nhập và nhu cầu giáo dục khác nhau. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế tốt mong muốn con cái được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến hơn, với những phương pháp hiện đại và chương trình học linh hoạt mà các trường tư thục có thể cung cấp. Vì vậy, việc phát triển hệ thống tư thục đáp ứng nhu cầu này là hoàn toàn hợp lý”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền cũng cho rằng, việc tăng tỷ lệ học sinh vào các trường tư thục giúp giảm tải áp lực lên hệ thống giáo dục công lập, đặc biệt là các trường trung học phổ thông. Với khả năng linh hoạt trong việc đầu tư cơ sở vật chất và chương trình giáo dục hiện đại, các trường tư thục có thể góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung của thành phố.

Đồng thời, sự phát triển của hệ thống giáo dục tư thục sẽ tạo ra sự cạnh tranh với hệ thống giáo dục công lập, đặt ra yêu cầu các cơ sở giáo dục phải cải tiến chất lượng từ cơ sở vật chất cho đến đội ngũ giáo viên.

IMG_1734.jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Theo Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chủ trương tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo.

Thành phố đã ban hành nghị quyết chuyên đề về đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường học với nguồn kinh phí gần 30.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng dân số cơ học khoảng 200.000 người/năm, thì đây là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền thành phố Hà Nội.

“Việc ban hành kế hoạch 267/KH-UBND của thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025, đã giúp cho việc phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục theo hướng đa dạng hoá các mô hình giáo dục.

Đồng thời, tạo ra tính cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở giáo dục công lập và tư thục trên địa bàn thành phố, đem đến cho người học thêm sự lựa chọn.

Hiện nay, số trường tư thục trên địa bàn thành phố chiếm 20,5%, số học sinh học tư thục chiếm 14,8%. Do vậy, việc đặt mục tiêu số trường tư chiếm 21% tổng số trường học và 14-16% số học sinh vào năm 2025 là có thể đạt được”, nữ đại biểu phân tích.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng cho biết, tại các đô thị lớn, mật độ dân cư đông đúc như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,... hiện nay đang xảy ra tình trạng thiếu trường công lập, đặc biệt ở cấp trung học phổ thông, dẫn đến tỉ lệ “chọi” rất cao, số lượng học sinh được vào học ở các trường công lập rất thấp so với nhu cầu.

“Hiện nay, mạng lưới trường lớp công lập được quy hoạch và số lượng giáo viên nằm trong biên chế có hạn, trong khi số lượng học sinh rất đông. Và bên cạnh hệ thống trường công lập, còn có hệ thống ngoài công lập. Càng ở đô thị lớn, hệ thống các trường ngoài công lập càng nhiều, đáp ứng được nhu cầu lớn của người học.

Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục ngoài công lập còn một số khó khăn, trong đó, khó khăn đầu tiên có thể kể đến là tâm lý của phụ huynh. Các phụ huynh luôn muốn con vào được trường công lập với 2 lý do chính.

Thứ nhất, mức học phí ở trong các trường công lập do Nhà nước quy định và thấp hơn nhiều so với ngoài công lập. Thứ hai, nhiều phụ huynh rất tin tưởng hệ thống công lập và cho rằng chất lượng giáo dục của các trường công lập hơn ngoài công lập. Thực tế, có những trường ngoài công lập có chất lượng giáo dục vượt trội, song, lại có mức học phí rất cao, không phải phụ huynh nào cũng có thể đáp ứng được”, nữ đại biểu chia sẻ thêm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, hiện nay, hệ thống giáo dục ngoài công lập đang làm rất tốt vai trò san sẻ áp lực cho hệ thống giáo dục công lập. Dù vậy, việc phát triển đa dạng hóa các loại hình giáo dục hiện nay chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Bởi, đa phần phụ huynh vẫn ưu tiên lựa chọn trường công lập, hiếm phụ huynh có sự lựa chọn từ đầu vào trường ngoài công lập. Có một thực tế, chỉ khi nào không vào được trường công lập, phụ huynh mới chấp nhận cho con vào trường ngoài công lập.

“Tôi đánh giá rất cao mục tiêu mà Hà Nội đã đặt ra, điều đó thể hiện rất rõ quyết tâm của thành phố để phát triển đa dạng các loại hình trường lớp. Đặc biệt, khi đặt ra mục tiêu này, chắc chắn, Hà Nội cũng sẽ quan tâm đến việc đầu tư cho các trường ngoài công lập.

Muốn phụ huynh học sinh không quá băn khoăn về việc lựa chọn trường ngoài công lập, đầu tiên phải quan tâm, nâng cao chất lượng giáo dục của các trường ngoài công lập nhằm tạo niềm tin cho phụ huynh. Để cùng một chương trình học, dù học trường công lập hay ngoài công lập, chất lượng cũng phải đảm bảo, đó là vấn đề mấu chốt.

Bên cạnh đó, nên xây dựng những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các trường ngoài công lập để mức học phí ở các trường này không trở thành áp lực và gánh nặng lớn đối với người học. Như vậy, phụ huynh mới yên tâm lựa chọn.

Để phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, chúng ta phải chú trọng đến các vấn đề đó. Nếu làm được, tôi tin chắc, mục tiêu 40% học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào trường trung học phổ thông tư thục, sẽ không quá khó khăn để đạt được”, nữ đại biểu nhận định.

IMG_1733.jpeg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền chia sẻ, để phát triển hệ thống các trường tư thục và tăng tỷ lệ học sinh ở các trường này sẽ cần một khoảng thời gian để thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh.

Bởi trước đây, nhiều phụ huynh và học sinh có xu hướng coi các trường công lập là lựa chọn tốt hơn vì họ tin rằng đó là những nơi có chất lượng giáo dục cao nhất, với chi phí hợp lý.

Nữ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu 40% học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào trường trung học phổ thông tư thục, ngành giáo dục Thủ đô phải có những giải pháp để thay đổi tư duy của xã hội về giáo dục tư thục, giúp họ thấy được lợi ích và chất lượng của hệ thống này.

“Đặc biệt, các khu vực nông thôn hoặc ngoại thành, người dân thường có xu hướng giữ tư duy cũ, ưu tiên các trường công lập vì tính ổn định, chi phí thấp hơn và thói quen đã có từ trước.

Cũng vì vậy mà việc thay đổi nhận thức này không thể thực hiện ngay lập tức, đòi hỏi thời gian và nỗ lực truyền thông, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về hệ thống tư thục”, nữ đại biểu cho hay.

Nói thêm về những khó khăn mà ngành giáo dục Thủ đô phải đối mặt khi thực hiện mục tiêu đã đề ra, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh cho biết: “Mặc dù được sự quan tâm rất lớn của Đảng bộ và chính quyền thành phố, nhưng trên thực tế, ngành giáo dục Thủ đô đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong việc triển khai các dự án đầu tư lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Cụ thể, hiện nay, các trường công lập trên địa bàn thành phố còn thiếu do chưa được đầu tư xây dựng; thiếu quỹ đất chủ yếu ở các quận nội thành, không còn quỹ đất mới, đất trống để bổ sung... Việc tiếp cận quỹ đất sạch để xây dựng, các chính sách ưu đãi về thuế khi doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh lĩnh vực giáo dục của các trường tư thục còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều quy định, tiêu chuẩn quốc gia để làm cơ sở xây dựng trường học đối với các đô thị lớn như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh còn bất cập. Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo còn thiếu so với nhu cầu.

IMG_1732.jpeg
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Phân tầng chi phí là giải pháp hợp lý để phụ huynh bớt băn khoăn

Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Bích Hiền lưu ý rằng, mục tiêu phát triển giáo dục tư thục có thể dẫn đến nguy cơ phân hóa trong giáo dục, bởi, học sinh có điều kiện kinh tế tốt sẽ tiếp cận được các trường tư với chất lượng cao; trong khi học sinh thuộc các gia đình có thu nhập thấp hơn có thể gặp khó khăn trong việc theo học tại các trường này, gây ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Nếu không có các chính sách hỗ trợ, việc đưa nhiều học sinh vào các trường tư thục có thể tạo áp lực lớn về chi phí cho các gia đình, nhất là những gia đình có thu nhập trung bình và thấp.

Có thể thấy, môi trường có chất lượng giáo dục cao, cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên giỏi thường đi kèm chi phí đầu tư lớn. Để thu hút học sinh, các trường tư thục cần đầu tư vào những yếu tố này, mang lại môi trường học tập tốt hơn cho học sinh và có thể thúc đẩy hệ thống giáo dục phát triển.

“Việc phân tầng chi phí là một giải pháp hợp lý để đảm bảo mọi đối tượng học sinh đều có cơ hội tiếp cận nền giáo dục chất lượng. Mô hình này có thể khuyến khích nhiều học sinh hơn chọn các trường tư thục mà không phải lo lắng quá nhiều về chi phí.

Tuy nhiên, nếu phân tầng mức học phí không được quản lý chặt chẽ, có thể xảy ra tình trạng chênh lệch chất lượng giữa các trường tư thục, gây ra sự bất bình đẳng trong giáo dục.

Học sinh ở những trường có học phí thấp hơn có thể không nhận được chất lượng giáo dục tương đương với những trường có học phí cao.

Hơn nữa, dù có phân tầng, các gia đình có thu nhập trung bình và thấp vẫn có thể gặp khó khăn khi phải đối mặt với nhiều khoản chi phí khác nhau, từ học phí đến các hoạt động ngoại khóa, phí cơ sở vật chất,...”, nữ phó giáo sư phân tích.

Về vấn đề này, Đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng, về mức học phí của các trường tư thục, nên để thị trường tự điều tiết. Chất lượng giáo dục sẽ quyết định phân tầng mức học phí của các trường và Nhà nước chỉ đóng vai quản lý về chất lượng chuyên môn của các trường tư thục, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.

Theo Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Vũ Bích Hiền, phát triển giáo dục tư thục là cần thiết, nhưng cũng không thể giảm bớt việc đầu tư vào các trường công lập. Hà Nội cần có những chính sách đặc biệt để nâng cao chất lượng giáo dục công lập, từ cải thiện cơ sở hạ tầng; đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng giáo viên đến áp dụng công nghệ trong giảng dạy.

“Đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục công sẽ đảm bảo mọi đối tượng học sinh, dù có điều kiện kinh tế khác nhau, đều được tiếp cận giáo dục chất lượng.

Song song với đó, việc khuyến khích sự phát triển của trường tư cũng giúp giảm áp lực lên ngân sách công và tạo sự đa dạng trong hệ thống giáo dục.

Việc đặt mục tiêu tăng cường tỷ lệ học sinh vào trường trung học phổ thông tư thục là một bước đi chiến lược, nhưng để thực hiện hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, ngành giáo dục và xã hội, nhằm đảm bảo sự công bằng và chất lượng giáo dục toàn diện cho Thủ đô” - Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Bích Hiền nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Dương Minh Ánh cho hay: “Quan điểm của tôi là tăng quy mô các trường tư thục, không có nghĩa là giảm đầu tư xây dựng mới các trường công lập. Bởi Nhà nước vẫn phải đảm bảo đủ chỗ cho người học và học sinh có quyền được hưởng về mức đóng học phí công bằng như nhau. Tất cả chỉ nhằm tạo cho người học có thêm sự lựa chọn”.

Có thể tính đến đẩy mạnh mô hình hợp tác giữa các trường công lập và tư thục

Để tháo gỡ những khó khăn và thực hiện mục tiêu tăng số trường tư thục và số học sinh vào học tư thục, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền đề xuất: “Hà Nội có thể xem xét các chính sách hỗ trợ học phí, học bổng, và vay vốn cho các gia đình có thu nhập thấp, đảm bảo mọi đối tượng học sinh đều có cơ hội học tập tại các trường tư thục.

Ngoài ra, cần có cơ chế kiểm soát chất lượng các trường tư thục, đảm bảo tất cả các trường đều đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định về chất lượng giảng dạy, môi trường học tập và cơ sở vật chất, không phân biệt mức học phí.

Thêm vào đó, các cơ quan quản lý giáo dục cần đẩy mạnh mô hình hợp tác giữa các trường công lập và tư thục, để cùng chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục chung cho toàn bộ hệ thống. Cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng và lợi ích của giáo dục tư thục đến phụ huynh và học sinh, giúp phụ huynh học sinh đưa ra quyết định dựa trên nhu cầu thực tế thay vì theo quan niệm truyền thống”.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, so với các địa phương trên cả nước, Hà Nội nhiều thuận lợi hơn khi có Luật Thủ đô, với những quy định về rất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, kể cả chính sách về tiền lương và các quyết định đầu tư, quyết định nhiều vấn đề... Chính vì vậy, Hà Nội có ưu thế hơn địa phương khác trong phát triển các lĩnh vực nói chung và phát triển giáo dục nói riêng.

“Thực tế, những năm qua, chất lượng giáo dục của Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích, tuy nhiên cũng còn nhiều bất cập bởi vẫn còn nhiều vùng nông thôn, khó khăn với điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo chưa thực sự cao.

Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, thành phố nên có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các trường ngoài công lập để mức học phí của học sinh ngoài công lập không trở thành áp lực và gánh nặng lớn đối với người học.

Bên cạnh phát triển các trường ngoài công lập, cần chú trọng đến các trường đào tạo nghề để thực hiện phân luồng học sinh. Bởi hiện nay, khối trường nghề chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức và chưa nhận về được nhiều sự quan tâm của phụ huynh, học sinh.

Hầu như con đường các phụ huynh và học sinh lựa chọn là học xong trung học phổ thông rồi vào đại học, chưa tính đến việc làm sau khi tốt nghiệp, không ít học sinh vào đại học rồi lại chuyển hướng đi học nghề. Trong khi đó, hệ thống trường nghề hiện nay luôn “khát” học viên”.

Chia sẻ thêm, Đại biểu Dương Minh Ánh cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội ban hành, đây là hành lang pháp lý quan trọng để thành phố Hà Nội có thể chủ động triển khai các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

“Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cần sớm ban hành các nội dung đã được phân cấp theo thẩm quyền. Đồng thời, cần có sự đồng hành vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ban, ngành để điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy định trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Thêm vào đó, đưa ra chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực giáo dục; đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Định mức kinh tế kỹ thuật cho các trường phổ thông khối công lập.

Cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp khi muốn đầu tư cho giáo dục; có cơ chế giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng và số lượng nhà giáo đáp ứng được yêu cầu về đổi mới giáo dục, đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên, trường học, lớp học đối với các trường công lập; đẩy mạnh, giao quyền tự chủ cho các trường công lập, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục” - nữ đại biểu cho hay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://daidoanket.vn/khoang-40-hoc-sinh-ha-noi-se-hoc-thpt-tu-thuc-ap-luc-truong-cong-co-giam-10291046.html

Thúy Quỳnh