Theo kế hoạch, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra khảo sát đối với học sinh lớp 12 trung học phổ thông và học viên học chương trình giáo dục thường xuyên trên toàn thành phố vào các ngày 22 và 23/4.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không bắt buộc các trường sử dụng điểm kiểm tra khảo sát. Tùy theo điều kiện cụ thể, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có thể sử dụng kết quả này làm điểm kiểm tra thường xuyên, nhưng không được lấy làm điểm kiểm tra định kỳ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm có phần tốn kém, các trường học phải chi tiền phụ cấp, tiền coi thi, tiền chấm bài kiểm tra cho giáo viên tham gia làm nhiệm vụ theo quy chế hiện hành.... và quan trọng hơn cả là kết quả của kỳ thi khảo sát không có ý nghĩa vì không lấy điểm định kỳ.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, tổ chức kiểm tra, khảo sát đối với học sinh khối lớp 12 ở thời điểm này là vô ích, không cần thiết và không giải quyết được vấn đề gì.
"Sau những ngày tháng phải học trực tuyến vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh vừa mới đi học trở lại, chúng ta nên dành thời gian để các em ổn định lại việc học ở trường", nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ (Ảnh: Tùng Dương) |
Cũng theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có thể kết hợp kiểm tra khảo sát, đánh giá với kỳ kiểm tra giữa kỳ hoặc cuối kỳ II của học sinh lớp 12. Thông qua bài kiểm tra đó, Sở vừa có căn cứ để đánh giá chất lượng học sinh lại tiết kiệm ngân sách cho thành phố và các nhà trường.
Cùng quan tâm về vấn đề trên, theo Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo nên trao quyền tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh cho các trường thay vì chỉ đạo và huy động cả hệ thống vào thực hiện, như vậy sẽ rất tốn kém.
"Bên trên chỉ đạo, bên dưới áp lực, học sinh, phụ huynh cũng áp lực theo. Điều tôi lo lắng nhất là chúng ta cứ "mua dây buộc mình", tự chuốc lấy phiền phức, khó khăn, rắc rối, sau cùng là tốn kém, lãng phí ngân sách trong khi tất cả các ngành, nghề đang phải gồng mình, vực dậy sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19", nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định.
Giáo sư Phạm Tất Dong cho biết, thay vì dốc nguồn lực, tiền của cho những kỳ thi như thế này, Sở có thể đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức các buổi tập huấn để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Thầy giỏi thì trò mới giỏi, trang thiết bị trường học có tốt thì việc dạy và học cũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Cuối cùng, việc tổ chức quá nhiều kỳ thi có thể sẽ tạo áp lực vô hình đối với học sinh, nhất là học sinh khối lớp 12 bởi các em sắp phải bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Áp lực tạo ra những hiệu quả ngược mà đó chính là con dao hai lưỡi, khiến tinh thần của các em dễ bị tổn thương, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực không đáng có.
Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh |
"Điều quan trọng và cần thiết mà giáo dục nên làm đó là tạo ra môi trường học thuật mở, thoải mái, không đặt nặng thành tích. Đừng để học sinh sợ đến trường, sợ kiểm tra mà hãy khiến mỗi ngày đến trường của các em là một ngày vui", nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm.
Trong khi đó, Giáo sư Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, kiểm tra, đánh giá vốn không áp lực, nhưng trong quá trình triển khai, các nhà quản lý giáo dục khiến hoạt động này trở nên nặng nề, lãng phí thì cần phải có những điều chỉnh và thay đổi.
"Tôi nghĩ sau khi học sinh đã ổn định với việc học trực tiếp, các trường có thể tiến hành kiểm tra năng lực, kiến thức cho học sinh nhưng phải tạo ra sự thoải mái cho các em. Đánh giá vì sự tiến bộ, phát triển toàn diện của học sinh. Nên tổ chức kiểm tra theo nguyện vọng, mong muốn của học trò thay vì khiến trò áp lực tham gia kỳ thi mang nặng tính bắt buộc", Giáo sư Đinh Quang Báo chia sẻ.