Hà Nội “không vội” hay “7 dám”?

17/07/2023 09:08
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có ý kiến cho rằng tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội thấp kỷ lục là do chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở?

Ngày 10/07/2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5114/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về xử lý thông tin báo chí phản ánh tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 tại Hà Nội.

“Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát báo cáo đầy đủ, chính xác về công tác tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập năm học 2023 - 2024 của thành phố Hà Nội; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 12/7/2023”. [1]

Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập năm học 2023 - 2024 của thành phố Hà Nội dự kiến lúc đầu là 55,7%, tức là chỉ tuyển khoảng 72.000 học sinh trong số 129.100 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.

Số liệu chính thức từ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội được các cơ quan báo chí đăng vào ngày 7/7/2023 cho thấy có 77.225 học sinh, chiếm 59,9% tổng số học sinh lớp 9 tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp nhận vào lớp 10 công lập. [2]

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, trong báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về công tác tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, dự kiến kết quả tuyển sinh của các trường trung học phổ thông công lập năm nay là 78.623, chiếm tỷ lệ 60,9%, tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Thành phố Hà Nội. Nếu không có việc Thủ tướng yêu cầu báo cáo sau phản ánh của báo chí thì con số dự kiến tuyển vào lớp 10 công lập của Thành phố Hà Nội có thể sẽ dừng lại ở 59,9% tổng số học sinh lớp 9 tốt nghiệp trung học cơ sở.

40,1% học sinh lớp 9 sẽ buộc phải vào học các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc các trường dạy nghề. Một bộ phận con em các gia đình khó khăn kinh tế, không thể đóng học phí cao hoặc phải ở nhà hoặc phải làm việc kiếm sống ở độ tuổi 15, 16.

Có ý kiến cho rằng tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội thấp kỷ lục là do chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở kết hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Nếu việc tuyển sinh lớp 10 công lập của Hà Nội thấp kỷ lục dựa vào Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” thì có nhiều điều cần bàn.

Phần “Mục tiêu đến năm 2025” của Quyết định 522/QĐ-TTg ghi:

“Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%”.

Đến năm 2025, 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các “cơ sở giáo dục nghề nghiệp” chứ không phải các trường trung học phổ thông ngoài công lập nên chuyện lớp 10 các trường công lập Hà Nội chỉ tiếp nhận khoảng 60% học sinh lớp 9 là có “cơ sở pháp lý”, cụ thể là thực hiện theo lộ trình đã nêu trong một văn bản quy phạm pháp luật là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên không ít người băn khoăn cho rằng Hà Nội hơi “vội” vì đây không phải là chỉ tiêu bắt buộc mà là “phấn đấu đến năm 2025”, nghĩa là còn hơn 2 năm nữa mới đến hạn.

Vấn đề là nếu căn cứ vào Quyết định trên thì có lẽ họ đã “quên” Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng (Nghị quyết 29) ban hành từ năm 2013, theo đó phần Mục tiêu cụ thể ghi:

“Phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương”.

Cần phải hiểu “80% thanh niên trong độ tuổi phải đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương” là như thế nào.

Luật Giáo dục năm 2019 quy định học viên tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng nghề không được xếp tương đương với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông nếu không học đủ và thi đạt một số môn văn hóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT, họ không được học liên thông lên đại học hoặc tham gia các kỳ thi vào đại học.

Với quy định này, con đường tắt – học nghề rồi tiếp tục học lên đại học khó khăn hơn so với học một lèo hết trung học phổ thông rồi thi vào đại học.

Đây chính là lý do vì sao tờ báo Tiền phong và Tuổi trẻ đưa thông tin:

“Mục tiêu đến năm 2020 có 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và học nghề khó thực hiện, khi mà hiện tại phân luồng đã thất bại so với đích được đặt ra cách đây hơn chục năm”. [3]

“Phân luồng sau trung học cơ sở thất bại, vì đâu?”. [4]

Bài báo [3] đăng trên Tienphong.vn ngày 19/04/2013 nghĩa là chuyện “phân luồng” đã thất bại từ hơn 10 năm trước.

Có ý kiến cho rằng nếu loại bỏ tư duy nhiệm kỳ, nếu nhận thấy “Phân luồng sau trung học cơ sở thất bại” từ hơn chục năm trước, nếu coi nguyện vọng của học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10 công lập là chính đáng thì có lẽ ngay sau khi Tienphong.vn đăng bài (năm 2013), cơ quan chức năng Thủ đô đã có kế hoạch xây trường chứ không phải đợi đến gần đây mới công bố kế hoạch:

“Giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội xây thêm 16 trường THPT công lập mới”. [5]

Báo chí nói đến “cuộc đua khốc liệt” vào lớp 10 công lập là nói tình trạng chung tại nhiều địa phương nhưng dựa vào tỷ lệ đã công bố, có thể thấy cuộc đua tại Hà Nội là “khốc liệt” nhất bởi cuộc đua này đã chuyển 40,1% học sinh hết học lớp 9 khỏi khối trường trung học phổ thông công lập.

Câu “Hà Nội không vội được đâu” đã không còn đúng khi Hà Nội vội vã trong ba năm xây 16 trường trung học phổ thông cùng với việc vội “phân luồng” hơn 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở trong năm 2023 này?

Không ít bài báo nêu thực trạng Hà Nội “thiếu trường nhưng thừa chung cư”, thiếu đất xây trường nhưng thừa đất nên các “Dự án đô thị bỏ hoang nhiều không thể đếm nổi ở Hà Nội”. [6]

Mới đây, trả lời chất vấn của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - ông Trần Thế Cương cho rằng: "Chỗ học ở Hà Nội không thiếu. Phụ huynh xếp hàng là muốn con vào trường tốt".

Phụ huynh muốn con vào trường tốt là điều hoàn toàn bình thường, ông Trần Thế Cương không thể coi đó là lỗi của các bậc cha mẹ khi họ vật vã xếp hàng nộp đơn cho con chỉ với mong muốn con em được học tập tại cơ sở giáo dục có chất lượng.

Phát ngôn của ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khiến không ít người băn khoăn rằng, ngoài số trường được gọi là “trường tốt” thì Hà Nội còn có không ít trường không thuộc loại “trường tốt” nên cha mẹ học sinh phải thức thâu đêm để nộp đơn cho con em vào trường mà họ tin tưởng?

Việc nhiều địa phương tổ chức kỳ thi vào lớp 10 các trường phổ thông công lập nhằm chuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào trường nghề hoặc trường ngoài công lập có bảo đảm tiêu chí công bằng trong giáo dục?

Bài “Công bằng xã hội trong giáo dục theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin” có đoạn:

“Công bằng trong giáo dục là nhà nước phải đặc biệt quan tâm đến những đối tượng “yếu thế” trong xã hội, đó là những người nghèo, những người không có cơ hội học tập do điều kiện lịch sử để lại”… [7]

Nhà nghèo, con em học lực khá nhưng do sống ở khu vực tập trung đông dân cư nên thi vào lớp 10 công lập bị trượt, phải học trường tư thục với học phí khá cao có phải là công bằng trong giáo dục theo quan điểm nêu trong bài báo [6]?

Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đưa tin:

“Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024 của các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, năm nay Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh tại 114 trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố với tổng số là 77.294 chỉ tiêu lớp 10 (khoảng 71% - NV). Tổng số học sinh lớp 9 trên toàn thành phố năm học này là trên 109.000 học sinh”. [8]

Năm 2022 dân số Hà Nội là 8.435.700 người, diện tích là 3.359,82 km² trong khi đó Thành phố Hồ Chí Minh có dân số là 8.993.092 người, diện tích là 2.095 km2.

Thành phố Hồ Chí Minh đất chật hơn Hà Nội, người đông hơn Hà Nội nhưng số trường trung học phổ thông công lập đủ để tiếp nhận 71% học sinh lớp 9 còn Hà Nội ở khoảng 60%.

Vậy Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có thể giải thích vì sao tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội lại ít hơn Thành phố Hồ Chí Minh tới gần 11%?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cán bộ trong quân đội phải “7 dám”:

“Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. [9]

Yêu cầu nêu trên cũng là yêu cầu với đội ngũ cán bộ dân sự, đặc biệt là cán bộ, công chức hai thành phố đầu tàu cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Để đảm bảo công bằng trong giáo dục cho nhóm đối tượng yếu thế, chính quyền địa phương nên chăng dành một phần ngân sách hỗ trợ học sinh buộc phải theo học tại các trường trung học phổ thông ngoài công lập (dù điểm thi vào lớp 10 cao), tiến tới tạo sự bình đẳng cả cho người học lẫn cơ chế, chính sách, ngân sách cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập?

Rất mong các vị lãnh đạo địa phương, đặc biệt là lãnh đạo ngành Giáo dục mạnh dạn bỏ qua giai đoạn “không vội” chuyển ngay sang “7 dám”.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vtc.vn/bao-cao-thu-tuong-cong-tac-tuyen-sinh-lop-10-cong-lap-ha-noi-truoc-12-7-ar805265.html

[2]https://tienphong.vn/tuyen-sinh-lop-10-cong-lap-tai-ha-noi-ty-le-trung-tuyen-thuc-te-cao-hon-ke-hoach-post1549306.tpo

[3] https://tienphong.vn/that-bai-phan-luong-post623432.tpo

[4] https://tuoitre.vn/phan-luong-sau-thcs-that-bai-vi-dau-20190305081916494.htm

[5]https://kinhtedothi.vn/giai-doan-2022-2025-ha-noi-xay-them-16-truong-thpt-cong-lap-moi.html

[6]https://vietnamnet.vn/du-an-do-thi-bo-hoang-nhieu-khong-the-dem-noi-o-ha-noi-2121421.html

[7]https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cong-bang-xa-hoi-trong-giao-duc-theo-quan-diem-cua-chu-nghia-mac-lenin-64330.htm

[8]https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-cong-bo-chi-tieu-tuyen-sinh-lop-10-nam-hoc-2023-2024-1491907537

[9]https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/can-bo-7-dam-va-bai-toan-dau-vao-733350

Xuân Dương