Hà Nội nằm ở trung tâm Bắc Bộ, là một vị trí chiến lược quan trọng hàng đầu trong hệ thống phòng thủ và cai trị của thực dân Pháp và sau đó là phát xít Nhật ở Đông Dương. Cả Pháp và Nhật đều đặt các công sở cai trị quan trọng về quân sự, dân sự ở Hà Nội cùng với việc duy trì lực lượng tay sai ở đây.
Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra (1939), ở nước ta thực dân Pháp thực hiện chính sách tổng động viên thời chiến, phát xít hóa chế độ cai trị, thực hiện chính sách kinh tế chỉ huy. Tăng thuế được coi là biện pháp hàng đầu.
Thực dân Pháp còn tiến hành trưng tập nhân công, trưng thu trưng mua lương thực thực phẩm, sung công nhà cửa và các phương tiện vận tải, kiểm soát các nguồn hàng xuất nhập khẩu, lạm phát giấy bạc, tăng giá hàng công nghiệp.
Công nhân bị tăng giờ làm việc lên 10 giờ, 12 giờ một ngày. Những quyền tự do dân chủ mà nhân dân ta có được trong thời kỳ đấu tranh dân chủ (1936-1939) bị xóa bỏ. Các tổ chức quần chúng, cơ quan báo chí bị giải tán. Thanh niên phải đi lính. Mạng lưới mật thám được tăng cường.
Tháng 9/1940, quân Pháp ở Lạng Sơn đầu hàng Nhật rồi mở cửa cho chúng vào nước ta và Đông Dương. Tháng 10/1940, quân đội Nhật và một phái đoàn ngoại giao Nhật Bản đến Hà Nội. Lần lượt các tổ chức chính trị, quân sự, kinh tế của Nhật được thành lập ở Hà Nội.
Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945 (Ảnh: nhandan.com.vn). |
Nhật vẫn duy trì và sử dụng bộ máy cai trị của Pháp và chính quyền phong kiến ở Bắc Kỳ, dựa vào đó mà tạo ra cơ sở chính trị cho Nhật.
Các đảng phái thân Nhật được lập ra, chính quyền bù nhìn thân Nhật cũng được chuẩn bị về nhân sự. Những đảng phái thân Nhật được sáp nhập thành một mặt trận phản cách mạng có tên là Phục quốc đồng minh hội (năm 1943), Đại Việt quốc gia liên minh sau đổi là Đại Việt quốc dân hội (sau ngày 9/3/1945).
Từ năm 1940 đến đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở Hà Nội đã có bước phát triển rõ rệt. Lực lượng cách mạng đã đông đảo, lực lượng vũ trang đã vững vàng. Nhân dân Hà Nội đã trải qua những bước đấu tranh từ thấp đến cao, từ đấu tranh kinh tế đến đấu tranh chính trị và có vũ trang hỗ trợ. Mọi tầng lớp xã hội đã nhận thức con đường cứu nước của Mặt trận Việt Minh là đúng đắn.
Nhìn lại Tổng khởi nghĩa năm 1945 tại Sài Gòn – Gia Định sau 71 năm |
Tuy nhiên, vẫn còn một số đáng kể tư sản, đại địa chủ còn do dự chưa tin vào sự sụp đổ không tránh khỏi của Nhật. Họ bất lực trước sự cấu kết Nhật - Pháp, lo sợ bị ảnh hưởng quyền lợi kinh tế. Một số địa chủ, tư sản vẫn hy vọng lập chính phủ mới thân Nhật hoặc đứng ra hoạt động chính trị công khai.
Nhưng sự có mặt cả Pháp và Nhật ở Hà Nội và Đông Dương như hiện tại thì không thể kéo dài thêm được nữa. Tình hình này đưa cách mạng bước vào thời kỳ mới.
Đêm 9/3/1945, Nhật nổ súng lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Vào 8 giờ 25 phút tối cùng ngày, quân Nhật đánh vào các doanh trại Pháp ở Thành cũ, Đồn Thủy, sân bay Bạch Mai, nhà máy Diêm, trại lính khố xanh. Quân Pháp chống cự yếu ớt rồi đầu hàng Nhật vào 16 giờ 15 phút ngày 10/3/1945.
Toàn bộ hệ thống cai trị của Pháp được thay thế bằng người Nhật và tay sai Nhật.
Việc Nhật đảo chính Pháp đã được Trung ương Đảng dự đoán từ trước.
Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta".
Trên cơ sở bản chỉ thị của Trung ương, Thành ủy Hà Nội chủ trương hướng phong trào cách mạng Hà Nội vào những nhiệm vụ cụ thể:
Thứ nhất: coi các tổ chức cứu quốc là lực lượng nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa sắp tới, vận động công nhân tăng cường đấu tranh tại các xí nghiệp lớn, quan trọng, gấp rút tổ chức huấn luyện đào tạo cán bộ về quân sự và chính trị, tranh thủ quần chúng trong các tổ chức công khai hợp pháp, mở rộng hơn nữa Mặt trận Việt Minh;
Thứ hai, gấp rút xây dựng lực lượng, phát triển các đội tự vệ, tự vệ chiến đấu, các đội tuyên truyền xung phong, đoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, mở rộng việc bán "tín phiếu Việt Minh", tổ chức quyên góp mua sắm vũ khí, lấy súng đạn của binh lính Pháp - Nhật, tổ chức sản xuất vũ khí thô sơ;
Thứ ba, chống khủng bố trắng của phát xít, huấn luyện nguyên tắc hoạt động bí mật cho các đoàn viên cứu quốc, phát triển cơ sở Đảng trong lính bảo an, cảnh sát thành phố, công sở quan trọng của địch để nắm tình hình;
Thứ tư, trừng trị phản động, vạch mặt phát xít Nhật, đảng phái thân Nhật và chính quyền thân Nhật.
Trung ương tăng cường cán bộ cho Hà Nội để phối hợp lãnh đạo cách mạng. Những cán bộ, đảng viên vượt ngục Hỏa Lò trong dịp Nhật làm đảo chính đã kịp thời được bổ sung vào các tổ chức.
Độc lập, tự do - khát vọng ngàn đời của người dân đất Việt |
Ban quân sự được thành lập để chỉ đạo các đơn vị tự vệ chiến đấu, các đội tuyên truyền xung phong. Đội danh dự đảm nhận việc trừng trị phần tử phản động, mật thám.
Đồng chí Nguyễn Khang, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ đạo phong trào Hà Nội và lãnh đạo đội danh dự. Ban cán sự Thành ủy đổi là Ban Thành ủy.
Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ cũng trực tiếp chỉ đạo các tổ chức ở Hà Nội như: Văn hóa cứu quốc, Ban Tài chính, Ban mua sắm vũ khí, dược phẩm. Việc mở lớp huấn luyện quân sự chính trị tại ngoại thành các vùng Bắc Ninh, Hà Đông và tham dự lớp "Quân chính kháng Nhật" ở chiến khu Việt Bắc cũng do Trung ương và Xứ ủy giúp đỡ.
Khi lệnh Tổng khới nghĩa về tới Hà Nội ngày 15/8/1945, các cán bộ phụ trách cùng với đội trưởng các đội tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong được triệu tập. Tại chùa Hà, Dịch Vọng, một hội nghị bất thường được tiến hành để kiểm tra lại lực lượng và vạch ra kế hoạch hành động theo phương châm: diễn thuyết để thu hút quần chúng, tổ chức mít tinh để thăm dò thái độ Nhật, sẵn sàng đối phó bằng lực lượng vũ trang với Nhật.
Tối 15/8/1945, đội tuyên truyền xung phong tổ chức diễn thuyết đồng thời ở ba rạp hát lớn thành phố: Tố Như, Quảng Lạc, Hiệp Thành. Tại đây quần chúng nhân dân được thông báo tin Nhật đã đầu hàng và kêu gọi sẵn sàng xuống đường đấu tranh giành chính quyền.
Ở mọi nơi, mọi lúc, các báo, đài đồng loạt truyền tin Nhật đầu hàng, quân Đồng Minh sẽ vào Hà Nội giải giáp quân Nhật. Bọn Nhật ở Hà Nội tỏ ra hoang mang, chán nản rõ rệt.
Cùng thời gian với hội nghị ở chùa Hà, cuộc họp của Xứ ủy Bắc Kỳ cũng được tiến hành tại làng Vạn Phúc, Hà Đông.
Xứ ủy Bắc Kỳ đặc biệt quan tâm đến địa bàn Hà Nội vì Hà Nội có tầm quan trọng chiến lược đối với Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Ban Xứ ủy quyết định khởi nghĩa từng phần trong 10 tỉnh đồng bằng, thành lập Ủy ban quân sự cách mạng ở Hà Nội (tức Ủy ban khởi nghĩa).
Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Khang, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ ra Hà Nội phụ trách cuộc họp tại số nhà 101 phố Gămbetta (nay là phố Trần Hưng Đạo) để bàn việc giành chính quyền ở Hà Nội với tinh thần chủ động khởi nghĩa, không trông chờ vào quân Đồng Minh.
Quá trình khởi nghĩa được xác định là phải có sự phối hợp với giữa lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, tránh xung đột, đổ máu trong lúc quân Nhật đang hoang mang, ngụy quyền mất chỗ dựa.
Qua nắm tình hình, Mặt trận Việt Minh ở Hà Nội biết sẽ có cuộc mít tinh lớn của Tổng hội viên chức vào ngày 17/8/1945 tại Nhà hát lớn để ủng hộ chính phủ bù nhìn. Việt Minh quyết định sẽ chuyển cuộc mít tinh này thành cuộc mít tinh tuần hành của quần chúng, biểu dương lực lượng cách mạng.
Chiều ngày 17/8/1945, cuộc mít tinh của Tổng hội công chức bắt đầu tại Nhà hát lớn. Hàng vạn quần chúng ở nội và ngoại thành đến dự, có nhiều lính bảo an, cảnh sát đến giữ trật tự.
Cuộc mít tinh vừa khai mạc thì cờ đỏ sao vàng xuất hiện. Đám đông quần chúng xôn xao: "Cờ Việt Minh!", "Cờ Việt Minh!"... Lính bảo an, cảnh sát ngơ ngác, cả hội trường nhà hát sôi động.
Các đội viên đội tự vệ dồn ban tổ chức mít tinh vào một góc rồi chiếm lấy diễn đàn. Lá cờ đỏ sao vàng rất lớn từ tầng hai Nhà hát lớn buông xuống. Các đội viên tuyên truyền xung phong báo tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, tuyên bố đường lối cứu nước của Việt Minh, kêu gọi nhân dân thành phố ủng hộ Việt Minh, đả đảo chính quyền thân Nhật và tay sai.
Dưới sự hướng dẫn của đội tự vệ chiến đấu, nhân dân nhanh chóng chuyển thành đội ngũ xuống đường tuần hành. Đoàn tuần hành từ Nhà hát lớn diễu qua phố Tràng Tiền, rồi ra Bờ hồ Hoàn Kiếm.
Các khẩu hiệu "Ủng hộ Việt Minh", "Đả đảo bù nhìn", "Việt Nam hoàn toàn độc lập" vang lên.
Nhân dân hai bên đường nhập vào làm cho cuộc tuần hành càng thêm đông. Đến vườn hoa Chí Linh, đoàn tuần hành có thêm binh lính bảo an tham gia. Đoàn biểu tình qua các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, Cửa Bắc, Cửa Nam...
Đến Cửa Nam, đoàn tách ra thành những tốp nhỏ, đi về các ngã phố, các cửa ô và ra ngoại thành. Tại khu vực Hàng Ngang, Hàng Đào, Bờ Hồ, lính bảo an trong nhóm tuần hành còn bắn một loạt súng trước khi giải tán. Đến 10 giờ đêm, rải rác trong thành phố vẫn còn tiếng hô khẩu hiệu.
Tối 17/8/1945, Khâm sai Bắc Kỳ Phan Kế Toại xin từ chức. Ban lãnh đạo Thường vụ và Xứ ủy triệu tập cuộc họp bất thường tại làng Vạn Phúc (Hà Đông). Hội nghị nhận định: quân Nhật đã hoang mang đến cực điểm, lực lượng cách mạng đã ở thế áp đảo, nhân dân Hà Nội đang nóng lòng hành động. Xứ ủy quyết định phát động khởi nghĩa ở Hà Nội và Hà Đông.
Từ ngày 18/8/1945, không khí chuẩn bị khởi nghĩa ở Hà Nội bừng bừng trong thành phố. Những mô tô, xe đạp của các đội viên đội tuyên truyền xung phong hoạt động rầm rộ. Nhân dân tự nguyện may cờ, đón nhận tài liệu của Việt Minh, sắm sửa vũ khí thô sơ, phân phát truyền đơn, dán áp phích... Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên các đường phố Hà Nội, từ Bưởi qua Dịch Vọng, xuống Tương Mai, Mai Động...
Sáng sớm ngày 19/8/1945, cả Hà Nội rực màu cờ đỏ sao vàng. Hàng chục vạn nhân dân nội, ngoại thành xuống đường biểu dương lực lượng.
Nhiều nhà máy không hoạt động, chợ vắng người, hiệu buôn đóng cửa. Khắp nơi nơi vang lên những tiếng hô khẩu hiệu: "Đả đảo chính phủ bù nhìn!", "Thành lập chính phủ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam!", "Anh em binh lính hãy mang súng gia nhập Việt Minh!".
Từ các hướng ngoại thành, quần chúng mang theo súng ống, gậy gộc, mã tấu... vào trung tâm thành phố, tập trung ở quảng trường Nhà hát lớn. Lúc 11 giờ, cuộc mít tinh bắt đầu. Trước máy phóng thanh, một vị đại diện của Mặt trận Việt Minh lên đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Khi lời hiệu triệu vừa dứt, quần chúng hô vang những khẩu hiệu rồi chuyển thành cuộc biểu tình có vũ trang theo những hướng đã định.
Ở phủ Khâm sai, đoàn biểu tình đập cửa, hô khẩu hiệu.
Ở trại bảo an binh, bọn chỉ huy rất ngoan cố không chịu mở cửa cho đoàn biểu tình và trì hoãn việc đầu hàng, giao nộp vũ khí. Các chiến sĩ tự vệ phải dùng áp lực vũ trang chiếm kho vũ khí và các vị trí then chốt trong trại. Đến 5 giờ chiều, sau khi nghe đại biểu Việt Minh thuyết phục, chúng mới rút đi.
Hồ Chủ tịch với cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên |
Ở Ty Liêm phóng Bắc Kỳ, khi đoàn biểu tình đến, viên chánh thanh tra chấp nhận bảo vệ hồ sơ để bàn giao cho cách mạng.
Ở Tòa thị chính, Thị trưởng Trần Văn Lai đã chờ sẵn để trao công sở cho Việt Minh.
Ở các nơi khác như kho bạc, sở bưu điện, sở cảnh sát thành phố, nhà máy Avia, đoàn biểu tình không gặp trở ngại gì, nắm quyền kiểm soát một cách dễ dàng.
Đến chiều tối ngày 19/8/1945, Việt Minh lần lượt giành chính quyền, làm chủ toàn thành phố.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã kết thúc thắng lợi.
Ủy ban Quân sự cách mạng họp bàn việc tổ chức chính quyền cách mạng cấp xứ, cấp thành. Các ủy ban nhân dân cách mạng cấp xã được thành lập. Dưới sự điều hành của ủy ban nhân dân cách mạng, các tổ chức công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc giữ vai trò nòng cốt của cơ quan chính quyền các cấp. Các công việc trước mắt của các cơ quan là canh gác, bảo vệ, trừ gian, trật tự, an ninh thành phố.
Ngày 20/8/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ và Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội chính thức thành lập.
Ở các nhà máy lớn, tư sản Pháp vẫn được phép quản lý kinh doanh, điều hành sản xuất, sử dụng công nhân nhưng có sự hợp tác với Ủy ban cách mạng. Ủy ban cách mạng chịu trách nhiệm duy trì những hoạt động trong thành phố về điện, nước, giao thông, sản xuất, buôn bán được diễn ra bình thường.
Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Ủy ban dân tộc giải phóng từ Tân Trào về đến Hà Nội.
Ngày 26/8/1945, một cuộc mít tinh biểu dương lực lượng cách mạng được tổ chức trước đại biểu phái bộ Đồng Minh.
Ngày 27/8/1945, Ủy ban dân tộc giải phóng triệu tập cuộc họp các thành viên trong Ủy ban.
Trong cuộc họp này, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Đại hội quốc dân Tân Trào bầu ra được cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời, nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ. Một số ủy viên Việt Minh đã tự nguyện rút khỏi Chính phủ để nhường chỗ cho các thành phần khác.
Học gì từ cách dùng người của Bác? |
Ngày 28/8/1945, danh sách các thành viên Chính phủ được công bố trên các báo ở Hà Nội, gồm 15 người, do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngày 31/8/1945, hai đội giải phóng quân về đến Hà Nội.
Ngày 2/9/1945, Chính phủ Lâm thời ra mắt nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong quá trình thực dân Pháp cai trị Đông Dương và sau đó là phát xít Nhật, Hà Nội trở thành trung tâm quyền lực chính trị của chúng mà cụ thể là phủ Toàn quyền Đông Dương được đặt tại Hà Nội.
Đối với dân tộc ta, Hà Nội chính là vùng đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, là trung tâm của nền văn minh Đại Việt. Chính vì thế, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi ở Hà Nội là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa sâu sắc.
Thắng lợi Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội còn khẳng định chủ trương và đường lối đúng đắn của Mặt trận Việt Minh. Đây cũng là nguồn cổ vũ to lớn cho các địa phương khác trong cả nước vùng đứng dậy đấu tranh, giành chính quyền về tay nhân dân.
* Tài liệu tham khảo:
- "Cách mạng tháng Tám 1945 - Toàn cảnh", Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội - 2005.
- "Năm 1945 - Những sự kiện lịch sử trọng đại", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.