Hà Nội thu học phí hơn 4 triệu đồng/tháng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục nói gì?

03/07/2017 06:25
Thùy Linh
(GDVN) - Khi đại đa số người dân Thủ đô không đạt mức thu nhập quá cao, do đó, mức học phí hơn 4 triệu đồng/ học sinh/ tháng là quá đắt, không hợp lý.

Từ năm học 2017-2018, Hà Nội chính thức áp dụng mức học phí mới tại các cơ sở giáo dục công lập.

Theo đó, mức học phí cho học sinh nhà trẻ, mẫu giáo, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định ở từng khu vực:

Thành thị là 110.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 30.000 đồng/tháng/học sinh); nông thôn là 55.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 15.000 đồng/tháng/học sinh); miền núi là 14.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 4.000 đồng/tháng/học sinh).

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết việc điều chỉnh tăng học phí sẽ không ảnh hưởng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách, vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Trung ương.

Cùng với việc tăng học phí, các cơ sở giáo dục công lập phải thực hiện công khai mức thu học phí theo năm học (đối với cấp học mầm non, phổ thông), theo khóa học (đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp).

Trong khi đó, vào cuối năm 2016, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND, ngày 17/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố về “Cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô”.

Theo đó, mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao cụ thể như sau: Năm học 2017-2018, đối với trường mầm non, tiểu học là 4.300.000 đồng/học sinh/tháng. Còn bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông năm học 2017 - 2018 là 4.500.000 đồng/học sinh/tháng. 

Mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tại Hà Nội (Ảnh chụp màn hình)
Mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tại Hà Nội (Ảnh chụp màn hình)

Những con số này cho thấy, năm học 2017-2018 sắp tới, mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao sẽ cao gấp 40 lần so với các trường công lập bình thường ở khu vực thành thị, gấp 78 lần so với khu vực nông thôn và gấp hơn 300 lần khu vực miền núi.  

Và theo Báo VnMedia tổng hợp, Hà Nội có 18 cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao sẽ áp dụng mức học phí mới từ năm học 2017 – 2018. 

Được biết, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mô hình trường chất lượng cao đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa nguồn lực đầu tư trọng điểm ban đầu của Nhà nước và nguồn xã hội hóa. 

Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư xây dựng thêm 20 trường công lập chất lượng cao, tiếp cận với chuẩn khu vực và quốc tế. 

5 tiêu chí để Hà Nội công nhận trường chất lượng cao bao gồm: cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; các dịch vụ chất lượng cao.

Sở không nên khống chế về mức trần học phí 

Đánh giá về mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tại Hà Nội, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng:

Bất cứ hàng hóa nào cũng cần phải tương ứng với thu nhập của người dân, nếu giá của hàng hóa tỷ lệ nghịch so với thu nhập thì dân sẽ không tiêu dùng. 

Và đối với giáo dục cũng vậy, lập ra mô hình đào tạo chất lượng cao thì cũng phải xét phù hợp với hoàn cảnh xã hội, trong khi đại đa số người dân Thủ đô không đạt mức thu nhập quá cao, do đó, mức học phí hơn 4 triệu đồng/ học sinh/ tháng là quá đắt, không hợp lý
”. 

Vậy làm sao để vừa tăng được chất lượng giáo dục mà vẫn đảm bảo mức học phí hợp lý?

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ cho rằng, mức trần học phí của Hà Nội là quá đắt (Ảnh: Thùy Linh)
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ cho rằng, mức trần học phí của Hà Nội là quá đắt (Ảnh: Thùy Linh)

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra đáp án là: “Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục thì tự khắc họ sẽ cân đối được”. 

Ông Nhĩ nói thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên giao quyền tự chủ về cho các trường phổ thông chứ không nên khống chế về mức trần học phí như hiện nay. 

Bởi trong nền kinh tế thị trường hiện nay, nếu cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên của cơ sở giáo dục không đáp ứng với khoản tiền mà bậc phụ huynh đóng góp cho con cái họ thì chắc chắn họ sẽ tìm đến cơ sở khác phù hợp hơn. 

Hà Nội thu học phí hơn 4 triệu đồng/tháng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục nói gì? ảnh 3

Trường phổ thông nào ở Hà Nội là chất lượng cao, có học phí riêng?

Tuy nhiên, phóng viên cũng băn khoăn về việc nếu để các trường tự chủ về mọi mặt thì vai trò của cơ quan quản lý nằm ở đâu?

Lúc này, ông Nhĩ phân tích, khi giao quyền tự chủ về cho các cơ sở giáo dục thì cơ quan quản lý chỉ cần quy định mức học phí tối đa để các trường không được thu vượt ngưỡng đó. Đó chính là cách quản lý cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả. 

Khi đó, nếu trường đáp ứng được cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì sẽ được đưa ra và thu mức học phí do chính Nhà trường tự cân đối thu – chi, chỉ cần không thu vượt mức quy định là đạt yêu cầu. 

Tuy nhiên, ông Nhĩ cũng nêu ra rằng, nếu một ngôi trường cho học sinh thuê phòng ở ký túc xá với giá 200.000 đồng/sinh viên/tháng thì trong phòng chỉ có chiếc giường, nhà vệ sinh thì cách xa phòng ở.

Trong khi đó, nếu ngôi trường có ký túc xá với đầy đủ tiện nghi: giường chiếu, chăn màn, điều hòa, wifi, phòng khép kín thì có thể giá thành mà họ thu sẽ là 1 triệu đồng/ tháng. 

Rõ ràng, nếu trường chỉ có điều kiện cơ sở vật chất chỉ của phòng 200.000 đồng mà lại thu 1 triệu đồng thì chắc chắn sẽ không học sinh nào thuê ở.

"Ví dụ này để minh chứng cho một điều rằng, tùy thuộc vào cơ sở vật chất để cơ sở giáo dục đưa ra mức học phí tương ứng. 

Khi đó điều kiện hoàn cảnh ra sao thì phụ huynh, học sinh sẽ lựa chọn ngôi trường phù hợp với họ”, ông Nhĩ nêu quan điểm. 

Thùy Linh