Sáng nay (11/6), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo xây dựng đề án “Trường học an toàn và thân thiện với em gái”. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo ngành giáo dục thủ đô, sở Ngoại vụ Hà Nội, các trường THCS và THPT trên địa bàn.
Bạo hành học sinh nữ ở mọi lí do
Tại Hội thảo, các trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội đã dẫn dắt nhiều câu chuyện điển hình về bạo hành trong học đường, đáng chú ý những câu chuyện đó xảy ra ngày nhiều đối với học sinh nữ. Lãnh đạo Trường THCS Dương Quang (H. Gia Lâm, Hà Nội) đề cập, cách đây 2 năm khi học sinh nữ lớp 9 đánh và ép học sinh nữ lớp 7 uống thuốc ngủ trong nhà vệ sinh.
Nguyên nhân chỉ do nữ sinh lớp 9 hiểu nhầm nữ sinh lớp 7 cướp người yêu của mình. Em này đã rủ thêm một người bạn thân khác đánh trò lớp 7 trong nhà vệ sinh rồi dọa nạt và ép uống thuốc ngủ. Sự việc được nhà trường phát hiện và kịp thời giải quyết.
Nguyên nhân chỉ do nữ sinh lớp 9 hiểu nhầm nữ sinh lớp 7 cướp người yêu của mình. Em này đã rủ thêm một người bạn thân khác đánh trò lớp 7 trong nhà vệ sinh rồi dọa nạt và ép uống thuốc ngủ. Sự việc được nhà trường phát hiện và kịp thời giải quyết.
Đại diện Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nêu thực trạng, các học sinh nữ, đặc biệt là các nữ sinh có ngoại hình ưa nhìn, thường vị các học sinh nam bông đùa bằng những lời nói thiếu văn minh, lịch sự. Không chỉ ở trong trường mà trên đường từ nhà tới trường, vì trường nằm ở khu vực ngoại thành nên các học sinh nữ cũng hay bị thanh niên dọa nạt, khống chế.
Hội thảo bàn cách phòng chống bạo lực đối với trẻ em gái. Ảnh Xuân Trung |
Ngoài ra, còn nhiều cách “bạo hành” khác như khi không nhận được lời đồng ý yêu từ đối phương, các học sinh nam thường mang bạn lên facebook để nói xấu và làm mất danh dự của học sinh nữ, hoặc có thể dùng tin nhắn điện thoại khống chế, đe dọa, khủng bố tinh thần các em nữ. Đây là hiện tượng có thật tại nhiều trường.
Lãnh đạo Trường THPT Quảng Oai cũng nêu vấn đề khi các em học sinh nữ thường xuyên bị dọa nạt và dẫn đến những hành động bạo lực không mong muốn. Bạo lực về thể xác có thể là đánh đập, cào cấu, rạch mặt,…về tinh thần có thể chửi rủa, lăng mạ, nói xấu, chupj ảnh, quay clip đưa lên mạng…
Những rào cản bảo vệ học sinh nữ khỏi những hiện tượng bạo hành được nhà trường dẫn ra có thể là, kinh tế gia đình khó khăn, trọng nam khinh nữ, tệ nạn xã hội phức tạp…Trước hiện tượng này, nhiều học sinh phần lớn là không đồng tình nhưng cũng không dám thể hiện ra mặt vì sợ bị trả thù.
Câu chuyện khác, thậm chí, một số em do cha mẹ đi làm thuê xa để con ở nhà tự do không người chăm sóc dẫn tới con gái dễ bị lôi kéo cám dỗ dẫn tới sa ngã, đua đòi, ham chơi rồi bỏ đi theo những thanh niên hư.
Bà Nguyễn Thị Bạch Loan, Hiệu phó Trường THCS Kiến Hưng(Q. Hà Đông, Hà Nội) không khỏi buồn lòng trước thực tế khó khăn trong giáo dục đạo đức cho học sinh khi nạn bạo lực học đường còn diễn ra mà nạn nhân thường là các em nữ xuất phát từ mối quan hệ bất bình đẳng giữa nam và nữ.
Bà Loan cho hay, do ảnh hưởng từ gia đình, xã hội và muốn khẳng định cái tôi của mình nên một số em tại trường đã có hành vi như đánh đập, hành hạ bạn chỉ vì những lí do như bạn ấy xinh hơn, học giỏi hơn, có đồ dùng cá nhân đẹp hơn hoặc có lời nói, cử chỉ không theo suy nghĩ của mình.
Tìm cách bảo vệ học sinh nữ
Trước thực trạng bạo lực học đường đối với học sinh nữ đang diễn ra nhức nhối hiện nay, một giải pháp để hạn chế tình trạng này đang được nhiều nhà giáo, chuyên gia bàn thảo. Trong Hội thảo sáng nay, lãnh đạo nhiều trường THCS và THPT đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp được đánh giá cao.
Bà Lê Mai Anh –Hiệu phó Trường THPT Chu Văn An nêu thực tế nhà trường, với tổng số 1.820 học sinh, trong đó số lượng nữ là 1.049 (57%) độ tuổi từ 16-18. Giải pháp để ngăn chặn tình trạng bạo lực với học sinh nữ theo bà Mai Anh, cần nhân rộng mô hình trường chất lượng cao vì trình độ nhận thức cũng như trình độ hiểu biết của học sinh nữ và nam là như nhau, tuy hoàn cảnh có khác nhau. Nhưng điều đó vẫn được tôn trọng. Ngoài chương trình giáo dục chính thống cần có kế hoạch và kiểm soát kế hoạch ngoài giờ, tăng cường giáo dục kĩ năng sống, những hiểu biết xã hội cho học sinh.
Nhận thức được thực trạng này, lãnh đạo Trường THCS Thăng Long quán triệt phương trâm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”cho toàn bộ giáo viên, nhân viên, học sinh nữ nhà trường. Trong việc hạn chế bạo lực đối với học sinh nữ, giáo viên phải là “người mẹ” thứ hai, thường xuyên gần gũi, trò chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như những khúc mắc của học sinh.
Đối với kinh nghiệm của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, thì tạo cơ hội học tập bình đẳng giữa học sinh nam và nữ. Bên cạnh đó, cha mẹ học sinh cũng cần tìm hiểu những kiến thức về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới, những kĩ năng sống để phối hợp cùng nhà trường một cách kịp thời nhất.
Trong các nhà trường phổ thông cần có hình thức tiết học theo chuyên đề (có hình minh họa) để cung cấp kiến thức và giáo dục nhận thức về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới.
Trao đổi với các trường, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, tring năm học 2012-2013 ngành giáo dục thủ đô đã triển khai nhiều chương trình giáo dục cho trẻ em, nhất là trẻ em gái. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay trẻ em gái vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ, bạo lực rất đa dạng, vẫn bị xâm hại thân thể, bạo hành giữa học sinh với học sinh, bắt nạt em gái. Nhiều năm hiện tượng này đã gây bức xúc cho xã hội.
Hiện toàn thành phố có khoảng 155.000/322.000 học sinh nữ tuổi từ 11-15 (chiếm 48,32%). Với con số nêu trên cho thấy một nửa học sinh nữ trong độ tuổi cần được sự quan tâm của xã hội. Sở GD-ĐT Hà Nội hi vọng sẽ sớm tiến hành thí điểm mô hình trường học thân thiện với trẻ em gái thông qua các dự án phi Chính phủ.
Xuân Trung