Hà Nội: Xây dựng mô hình thôn, xã thông minh để trở thành "Miền quê đáng sống"

30/08/2024 06:45
Nguyễn Phương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, thông minh, trở thành “Miền quê đáng sống”.

Ngày 30/12/2022, Thành uỷ Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết nêu rõ quan điểm thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Việc triển khai chuyển đổi số thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) để phục vụ 05 nhóm tiện ích gồm: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp phục vụ công trực tuyến, (2) Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. [1]

Liên quan đến nội dung nêu trên, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội đã triển khai thành công mô hình "xã, thôn thông minh" trên nhiều loại hình như chính quyền thông minh, giao tiếp thông minh, du lịch thông minh, thương mại điện tử...

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phượng (Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồng Vân) cho hay, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Vân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên quan tâm đầu tư thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, ưu tiên số một là thực hiện chuyển đổi số (xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bám sát các tiêu chí, quy định và hướng dẫn của cấp trên và có mang nét đặc trưng của địa phương, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, thông minh, trở thành “Miền quê đáng sống”. Đến nay, kết quả cơ bản đảm bảo theo lộ trình và đáp ứng các tiêu chí đề ra.

"Trong những tháng cuối năm 2024, xã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền và thực hiện xây dựng xã nông thôn mới thông minh toàn xã và ưu tiên phát triển văn hóa truyền thống, du lịch, bảo vệ môi trường.

Đẩy nhanh hoàn thành việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, tập trung nâng cao nhận thức, kỹ năng và sử dụng thành thạo, hiệu quả các ứng dụng, nền tảng số của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

gdvn_chuyen-doi-so.jpg
Cán bộ bộ phận một cửa xã Hồng Vân giải quyết thủ tục hành chính cho người dân qua áp dụng công nghệ. (Ảnh: NVCC)

Cụ thể, trong xây dựng chính quyền thông minh, xã hội thông minh: sử dụng các ứng dụng thuộc Đề án 06 trên địa bàn Thành phố và các ứng dụng tiện ích khác như VNeID, iHaNoi (Công dân Thủ đô số), Zalo OA, hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố, chi trả không dùng tiền mặt, sử dụng mã QR,..

Trong xây dựng kinh tế thông minh: Đẩy mạnh quảng bá, bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội (Tiktok, Facebook, Youtube,..), mở rộng sản phẩm nông nghiệp, làng nghề có truy xuất nguồn gốc và đưa lên sàn thương mại điện tử.

Triển khai Trung tâm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, làng nghề của xã trên sàn thương mại điện tử để hỗ trợ và xúc tiến thương mại cho nhân dân", ông Nguyễn Văn Phượng cho hay.

Mô hình thôn "thông minh"

Mô hình thôn "thông minh" được triển khai tại thôn Vân La (xã Hồng Vân). Nơi đây có Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 7 thành viên do Trưởng thôn làm Tổ trưởng, thành viên là các đoàn viên thanh niên và hội viên chi hội phụ nữ thôn.

Tổ chuyển đổi số cộng đồng đã được Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của xã tập huấn, đào tạo, hướng dẫn về kỹ năng số để tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn thôn. Sau khi được tập huấn, đào tạo, Tổ chuyển đổi số cộng đồng đã tổ chức tuyên truyền, đi tới từng hộ gia đình trong thôn để hướng dẫn, trợ giúp người dân trên địa bàn thôn sử dụng công nghệ số.

Nội dung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình chuyển đổi số quốc gia; các nội dung về chuyển đổi số và hướng dẫn người dân tải, cài đặt, sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số gồm: ứng dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán điện tử (như thanh toán hóa đơn tiền điện, phí sử dụng mạng internet, cước phí điện thoại, mua hàng trên sàn thương mại điện tử,..), đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Sổ sức khỏe điện tử, các ứng dụng: VNeID, Zalo, Facebook, Tik Tok .. để giao tiếp, quảng bá và bán sản phẩm, cập nhật thông tin kinh tế -xã hội...

Ông Nguyễn Văn Phượng cho hay, thôn Vân La nằm trong Điểm du lịch Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, nơi đây có các điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách như Đình làng Vân La, Chợ Mới Ông Già (Chợ đạt kỷ lục Guiness Việt Nam), chùa Khánh Vân, nhà bia Tiến sỹ Nguyễn Ý, HTX hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân, Đảo Hoa tiên – xứ Mây Hồng, Khu trải nghiệm Sen Hồng,.. Thông tin về sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn thôn được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên trang thông tin điện tử của xã, website và Fanpage: Du lịch Làng quê Hồng Vân; Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân, … các ứng dụng: Tiktok, Booking.

"100% các điểm dịch vụ du lịch của thôn đã được trang bị trạm phát WiFi kết nối Internet để khách du lịch truy cập, khai thác thông tin do 2 nhà mạng VNPT và Viettel cung cấp dịch vụ", Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồng Vân chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Phượng chia sẻ thêm, thôn Y tế thông minh. Theo đó, người dân trong thôn đã được Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng: Sổ sức khỏe điện tử và truy cập các trang website chính thức của các cơ sở y tế để chủ động liên hệ và được tư vấn về y tế trên điện thoại thông minh, máy tính.

Đến nay, đã có hơn 200 người dân trong thôn tải, cài đặt và sử dụng. Đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, trên 90% người dân trong thôn đã cài đặt và sử dụng các ứng dụng: Bluezone, PC-covid để phòng, chống dịch.

Địa phương cũng đã ứng dụng mô hình nông nghiệp thông minh.

Cụ thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được tuyên truyền và được Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc (mã QR code) đối với sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, mặt hàng tiểu thủ công nghiệp đặc thù của thôn. Hiện nay, đã có 5 cơ sở cài đặt, sử dụng mã QR code trong sản xuất, kinh doanh.

Mô hình xã "thông minh"

Theo ông Nguyễn Văn Phượng, chính quyền đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành đáp ứng tiêu chí chuyển đổi số của mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Kết quả, 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Nhân dân xã được trang bị trạm phát wifi kết nối Internet để phục vụ cán bộ, công chức xã phục vụ công việc và người dân truy cập, khai thác thông tin trên Internet: Tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Hồng Vân đã trang bị 6 trạm phát wifi của VNPT (trong đó tại bộ phận 1 cửa có 1 trạm phát wifi) để phục vụ công tác của cán bộ, công chức, phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tra cứu thông tin trên cổng thông tin điện tử các cấp và các dịch vụ số của Thành phố.

"Cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin. Trong đó xã Hồng Vân có 23 cán bộ, công chức, trưởng các thôn là học viên và đã tham gia khóa đào tạo theo quy định", ông Phượng thông tin.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồng Vân, để quảng bá thương hiệu dịch vụ của địa phương, xã đã thiết lập kênh quảng bá về mô hình xã thông minh trên trang thông tin điện tử của xã (Trang thông tin điện tử: http://hongvan.thuongtin.hanoi.gov.vn/), cổng thông tin điện tử của huyện Thường Tín, các nền tảng mạng xã hội như: (Facebook: Trang Fanpage: Đảng Bộ - Chính Quyền và Nhân Dân xã Hồng Vân với 1.800 người theo dõi, Trang Fanpage: Du lịch Làng quê Hồng Vân với 13.000 người theo dõi; Tiktok: Du lịch Làng quê Hồng Vân với 1.104 follower) và qua các nhóm Zalo của thôn...

Về nông nghiệp thông minh, trên địa bàn xã Hồng Vân có 11 sản phẩm OCOP; trong đó 10 sản phẩm nông nghiệp đều được truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm minh chứng gồm: Trà Chùm ngây Hồng Vân, Trà Trâu cổ Hồng Vân, Trà Kim ngân hoa, Rượu Trâu cổ Hồng Vân, cây cảnh Hồng Vân ...sản phẩm đã được bán trên sàn thương mại Shopee, đã triển khai truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm trên hệ thống truy xuất nguồn gốc Nông Lâm thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội hn.check.net.vn....

Link bài viết tham khảo:

1)https://haibatrung.hanoi.gov.vn/cai-cach-hanh-chinh/-/asset_publisher/HgNzlI7sMGQj/content/chuyen-oi-so-xay-dung-thanh-pho-ha-noi-thong-minh-giai-phap-ot-pha-nham-xay-dung-phat-trien-thu-o-van-hien-van-minh-hien-ai-

Nguyễn Phương