Hải Phòng: Các tiết dạy minh họa Chương trình GDPT 2018 có gì đặc biệt?

17/11/2022 09:34
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những giải pháp then chốt và có tính đột phá khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học với định hướng phát triển toàn diện cả phẩm chất và năng lực của học sinh.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành giáo dục Hải Phòng chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học, một trong những giải pháp then chốt và có tính đột phá khi triển khai chương trình mới.

Tại huyện An Dương (thành phố Hải Phòng), ngành giáo dục cũng đẩy mạnh việc tổ chức các hội thảo, chuyên đề với các tiết dạy minh hoạ tập trung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm tạo cơ hội giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy cho giáo viên các trường trên địa bàn.

Ngành giáo dục huyện An Dương tổ chức hội giảng với 6 tiết dạy minh hoạ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. (Ảnh: Phạm Linh)

Ngành giáo dục huyện An Dương tổ chức hội giảng với 6 tiết dạy minh hoạ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. (Ảnh: Phạm Linh)

Từ ngày 5/9/2022 – 20/11/2022, ngành giáo dục huyện đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phát động đợt thi đua “dạy tốt - học tốt” với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”.

Cụ thể, các thầy cô giáo lên lớp các tiết dạy tốt theo chuyên đề đổi mới của từng giáo viên, đảm bảo tối thiểu 1 tiết dạy tốt/giáo viên.

Đồng thời, động viên đội ngũ nhà giáo khắc phục khó khăn, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, dạy học theo hướng nghiên cứu bài học và định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Ngành giáo dục huyện cũng tổ chức hội giảng với 6 tiết dạy các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của cấp trung học cơ sở vào ngày 15/11.

Các tiết dạy minh hoạ trong hội giảng mang đến nhiều phương pháp giảng dạy độc đáo, có hiệu quả tạo hứng thú học tập, giúp học sinh chủ động tiếp cận kiến thức, vận hành tiết học dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Đặc biệt, các giáo viên đều sử dụng giáo án điện tử với học liệu phong phú, gần gũi với cuộc sống đời thường. Giáo viên còn tích hợp hướng dẫn học sinh ứng dụng công nghệ thông tin như dùng điện thoại quét mã QR để bình chọn đáp án, trả lời câu hỏi.

Tiết dạy của cô giáo Đào Mai Trang cùng học sinh lớp 7, Trường Trung học cơ sở Đồng Thái (huyện An Dương, Hải Phòng) đã mang đến những nội dung thực hành tiếng Việt: Ngữ cảnh và nghĩa của từ trong ngữ cảnh.

Học sinh đóng tiểu phẩm trong phần khởi động của tiết học. (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh đóng tiểu phẩm trong phần khởi động của tiết học. (Ảnh: Phạm Linh)

Mở đầu tiết học, cô giáo Trang tạo hứng thú, thu hút học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập của mình bằng cách hướng dẫn, giao nhóm một học sinh đóng tiểu phẩm còn các bạn còn lại theo dõi, quan sát, tư duy.

Từ tiểu phẩm trong phần khởi động, giáo viên dẫn dắt vấn đề vào bài mới cũng như giới thiệu kiến thức, khái niệm về ngữ cảnh, nghĩa của từ trong ngữ cảnh và cách dùng từ đúng với ngữ cảnh cho học sinh.

Xuyên suốt tiết học, học sinh được thảo luận theo nhóm, chủ động tiếp cận kiến thức còn giáo viên đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra và đánh giá quá trình, kết quả thực hiện hoạt động của học sinh.

Ngoài ra, cô giáo Trang còn hướng dẫn học sinh tổ chức cuộc thi "Lồng tiếng phim – giải thưởng liền tay” nhằm tạo không khí sôi nổi cho tiết học cũng như tạo cơ hội cho học sinh biết cách vận dụng sử dụng ngôn ngữ phù hợp với ngữ cảnh. Học sinh sẽ tự phân công vai trò MC, ban giám khảo, thí sinh để vận hành cuộc thi.

Với những phương pháp giảng dạy độc đáo trên, cô giáo Trang không chỉ giúp học sinh hiểu khái niệm ngữ cảnh như hiểu và phân tích được nghĩa của từ trong ngữ cảnh, vận dụng sử dụng ngôn ngữ sinh hoạt phù hợp với ngữ cảnh mà còn phát triển năng lực chung của học sinh là tự học, tự giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Học sinh chủ động tiếp cận kiến thức, phân tích các bài tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh chủ động tiếp cận kiến thức, phân tích các bài tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. (Ảnh: Phạm Linh)

Về năng lực riêng, học sinh được trau dồi khả năng giao tiếp tiếng Việt, năng lực giải quyết vấn đề trong nhận biết, hiểu và phân tích nghĩa của từ trong ngữ cảnh. Sử dụng sử dụng ngôn ngữ sinh hoạt phù hợp với ngữ cảnh.

Có ý thức quan tâm, chú ý đến ngữ cảnh xung quanh để tạo lập lời nói và lĩnh hội lời nói đạt hiệu quả giao tiếp cao nhất.

Đồng thời, bồi dưỡng và nâng cao tình yêu tiếng Việt, linh hoạt khi sử dụng ngôn ngữ trong những tình huống giao tiếp khác nhau.

Trong tiết dạy thứ hai, cô giáo Trần Thị Thanh Phương cùng học sinh lớp 6, Trường Trung học cơ sở An Dương (huyện An Dương, Hải Phòng) thực hiện tiết dạy minh hoạ môn tiếng Anh 6 (Unit 5: Natural wonder of Vietnam, Lesson 1: Getting started).

Học sinh được ứng dụng công nghệ thông tin trong tiết học. (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh được ứng dụng công nghệ thông tin trong tiết học. (Ảnh: Phạm Linh)

Trong tiết học này, học sinh thông qua các hoạt động làm việc nhóm, thuyết trình, chơi trò chơi để tìm ra những từ mới liên quan đến chủ đề kỳ quan thiên nhiên của Việt Nam.

Học sinh cũng được tạo cơ hội để chia sẻ về hiểu biết của bản thân về trải nghiệm du lịch tại những địa danh nổi tiếng của Việt Nam.

Đặc biệt, cô giáo Phương và học sinh hoàn toàn sử dụng tiếng Anh để giao tiếp trong tiết học để từ đó rèn luyện cách phát âm cũng như các kỹ năng nói, nghe, đọc và viết.

Tiết dạy minh hoạ môn Ngữ văn lớp 6 của cô giáo Minh và học sinh Trường Trung học cơ sở Hồng Phong. (Ảnh: Phạm Linh)

Tiết dạy minh hoạ môn Ngữ văn lớp 6 của cô giáo Minh và học sinh Trường Trung học cơ sở Hồng Phong. (Ảnh: Phạm Linh)

Còn trong tiết dạy của cô giáo Phạm Thị Minh và học sinh lớp 6, Trường Trung học cơ sở Hồng Phong, thông qua các hoạt động đa dạng như xem phóng sự, hình ảnh; phân tích đoạn thơ; phân nhóm hoàn thành phiếu bài tập;...học sinh được tiếp cận kiến thức về cách phân tích văn bản mẫu, hiểu quy trình viết và viết được đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát.

Đồng thời, giáo viên hướng tới tạo sự yêu thích và giúp học sinh bước đầu hình thành ý thức tìm hiểu về thơ văn.

Phạm Linh