Hải Phòng có riêng đề án chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho học sinh

19/01/2019 07:21
LÃ TIẾN
(GDVN) - Hải Phòng vừa ban hành đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2018-2025.

Chất lượng dạy và học ngoại ngữ vẫn thấp

Từ năm 2011 đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã thực hiện một số giải pháp để thực hiện đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên tiếng Anh bằng việc tăng cường tập huấn; chú trọng quan tâm, quản lý các trung tâm ngoại ngữ theo hướng bảo đảm đạt chuẩn.

Chỉ tính riêng 3 năm gần đây, Hải Phòng có hàng trăm giáo viên tham gia tập huấn, đào tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội và các trường đại học khác để đạt chuẩn có trình độ C1 châu Âu (bậc 5 Việt Nam) hoặc tương đương. 

Học sinh Trường Trung học cơ sở Đằng Hải (quận Hải An, Hải Phòng) đổi mới phương pháp học ngoại ngữ (Ảnh: Lã Tiến)
Học sinh Trường Trung học cơ sở Đằng Hải (quận Hải An, Hải Phòng) đổi mới phương pháp học ngoại ngữ (Ảnh: Lã Tiến)

Bên cạnh đó, các trường tích cực phối hợp các chương trình dạy học với người nước ngoài thông qua các trung tâm ngoại ngữ.

Hiện, nhiều trường ở các quận nội thành và một số trường ngoại thành thực hiện chương trình liên kết dạy tiếng Anh trong trường học có yếu tố người nước ngoài.

Một giải pháp quyết liệt khác cũng đưa vào ứng dụng đó là thực hiện đưa môn ngoại ngữ vào thi tuyển lớp 10 Trung học phổ thông, nhằm tạo áp lực dạy và học với cấp Trung học cơ sở, chống tình trạng chỉ học tập trung cho 2 môn Ngữ văn, Toán như trước đây.

Tuy nhiên, thực tế 3 kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia gần đây cho thấy chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) không có sự chuyển biến.

Hải Phòng có riêng đề án chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho học sinh ảnh 2Các trường tại Hải Phòng chủ động trong thi Trung học phổ thông quốc gia

Cụ thể năm 2018, toàn thành phố Hải Phòng có 17.835 thí sinh dự thi môn tiếng Anh, nhưng số lượng đạt từ 5 điểm trở lên chỉ có 5.028 em đạt tỷ lệ 28%, số học sinh đạt điểm giỏi từ 8 điểm trở lên chỉ có 751 em đạt 4,21%.

Trong đó, số học sinh bị điểm liệt từ 1 điểm trở xuống là 29 em, cao hơn năm 2017 là 19 em và bằng 1/3 tổng số thí sinh bị điểm liệt của 14 môn thi.

Theo ông Ngô Quang Hoài, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hồng Bàng, điểm môn tiếng Anh trung bình của trường tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia cũng chỉ đạt 4,8 điểm.

Mặc dù, nhà trường chú trọng thay đổi phương pháp dạy và học, đồng thời liên kết các trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài được triển khai toàn trường từ năm 2008.

Ông Hoài cho rằng, để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, bên cạnh giáo viên phải bảo đảm chuẩn đào tạo và nghề nghiệp, điều kiện cơ sở vật chất phải đáp ứng tốt, thì nhất thiết học sinh cần phải có thái độ, năng lực học tập tốt từ những bậc học tiểu học, trung học cơ sở.

Đồng thời nội dung chương trình phù hợp và phương pháp đổi mới thích ứng với chương trình học.

Đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh

Trước thực trạng trên, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên thành phố Hải Phòng giai đoạn 2018-2025.

Theo đó, đề án tập trung đổi mới căn bản toàn diện việc dạy học ngoại ngữ ở tất cả các cơ sở giáo dục thành phố, triển khai sách giáo khoa tiếng Anh mới đến năm 2025 bảo đảm chuẩn đầu ra cho học sinh phổ thông, đồng thời tăng cường các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh.

Trường tiểu học Hải Thành (quận Dương Kinh, Hải Phòng) đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ (Ảnh: Lã Tiến)
Trường tiểu học Hải Thành (quận Dương Kinh, Hải Phòng) đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ (Ảnh: Lã Tiến)

Mục tiêu cụ thể được xác định, như: Mở rộng quy mô triển khai chương trình tiếng Anh các cấp học; tổ chức đào tạo bồi dưỡng đội ngũ đủ số lượng chuẩn về nghiệp vụ;

Tiếp nhận và triển khai quy trình kiểm tra đánh giá mới theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm thích ứng với đòi hỏi của bộ môn.

Đề án cũng xây dựng hệ thống giải pháp gồm 8 nội dung được tập trung thực hiện bao gồm: Triển khai chương trình tài liệu dạy học ngoại ngữ ở các cấp học; phát triển đội ngũ đạt chuẩn;

Tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá; đầu tư trang thiết bị dạy học bộ môn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tăng cường xã hội hóa giáo dục về dạy học ngoại ngữ.

Cả nước thiếu hơn 11.000 giáo viên tiếng Anh và giáo viên Tin học

Cũng theo đề án, nhân tố đội ngũ giáo viên được nhấn mạnh với các chỉ tiêu cụ thể: Giáo viên các cấp phải đạt trình độ B2 trở lên gồm: tiểu học 80%, Trung học cơ sở là 90% và Giáo dục thường xuyên là 40%; riêng bậc Trung học phổ thông phải có 65% giáo viên đạt trình độ C1 trở lên.

Đặc biệt giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng phấn đấu có 100% giáo viên đạt chuẩn theo khung năng lực 6 bậc Việt Nam, trong đó có 30% đạt chuẩn quốc tế; 10% giáo viên được cử đi bồi dưỡng tại nước ngoài và xây dựng đội ngũ giáo viên dạy các bộ môn khoa học bằng tiếng Anh.

Theo ông Đỗ Văn Lợi, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, sở đã ban hành công văn chỉ đạo tới từng cơ sở đào tạo triển khai thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục thành phố Hải Phòng giai đoạn 2018-2025.

Cụ thể, năm học 2018-2019, khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non và các trường tiểu học có đủ điều kiện triển khai chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh theo hình thức tự chọn.

Đồng thời triển khai dạy tích hợp ngoại ngữ trong một số môn khoa học thí điểm tại một số trường Trung học phổ thông như: chuyên Trần Phú, Ngô Quyền, Thái Phiên, Trần Nguyên Hãn.

Tuy nhiên, để đề án đi vào đời sống thực tế trước hết cần đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh của giáo viên phải tạo ra sức hấp dẫn và hứng thú cho học sinh.

Cùng với đó là hướng dẫn học sinh phương pháp tự học tích cực, để thầy trò cùng phối hợp nâng cao chất lượng giờ học.

LÃ TIẾN