Nhìn lại vụ án gian lận điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, chúng ta thấy có tới 215 thí sinh được nâng khống điểm: Hà Giang 107 thí sinh, Hòa Bình 64 thí sinh và Sơn La 44 thí sinh.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại thì chỉ có 2 phụ huynh bị khởi tố, đó là ông Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang) và bà Lò Thị Trường, trú tại thành phố Sơn La vừa bị khởi tố vì tội đưa hối lộ.
Như vậy, phụ huynh của 213 thí sinh ở 3 địa phương này đã đứng ngoài vòng xoáy của vụ án gian lận điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 hay sao?
Bà Lò Thị Trường vừa bị khởi tố về tội đưa hối lộ (Ảnh: Bộ Công an) |
Nhìn từ vụ án gian lận điểm thi năm 2018 ở Hà Giang.
Theo đề xuất của Viện Kiểm sát thì bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) bị đề nghị xử phạt từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Như vậy, trong số 107 thí sinh được nâng khống điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông năm 2018 thì chỉ mới duy nhất có phụ huynh Phạm Văn Khuông bị truy tố và phải đối mặt với án tù.
Trong khi, ngay trong đội ngũ lãnh đạo địa phương, lãnh đạo, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cũng có rất nhiều người cùng có con được nâng điểm?
Trái ngược với người đồng cấp là bị cáo Triệu Thị Chính sắc sảo trong những câu trả lời, tranh luận với bị cáo Hoài và có những lúc phải khóc lóc để chứng minh mình vô tội thì ông Phạm Văn Khuông có vẻ thật thà, khắc khổ và thành tâm khai báo.
Nhưng, thông qua những những lời khai trước đây và những lời khai báo trước tòa, chúng ta thấy được một cựu Phó Giám đốc Sở tồi tội và "hồn nhiên" đến lạ.
Trước tòa, ông Phạm Văn Khuông trả lời trước tòa một cách hồn nhiên rằng: "Bị cáo hoàn toàn không nói chuyện nâng điểm môn nào, bao nhiêu điểm, chỉ nhờ chung chung vậy thôi, không nói nguyện vọng vào trường nào mà chỉ nói cháu có thi vào 5 trường".
Khi Hội đồng xét xử hỏi ông Khuông rằng bị cáo nói như thế có nghĩ rằng anh Hoài hiểu là nhờ nâng điểm hay không? Lúc này, ông Khuông cho: "Anh em có quyền đến đâu thì làm đến đó, giúp được đến đâu thì giúp đến đó thôi".
Vụ án ở Hà Giang: “nhờ vả là thường tình” và “nâng điểm để…tạo phúc” sao? |
Và, ông rất vô tư khi nói rằng: “Việc nhờ vả là điều rất thường tình trong cuộc sống, anh em quan tâm thì giúp thôi”.
Chính vì sự “thật thà” của cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã khiến ông vướng vào vòng lao lý, khổ tâm khi đã cận kề đến tuổi nghỉ hưu.
Vậy nên, ông đã nói: "Đây là điều mà cả gia đình bị cáo vô cùng đau lòng, con trai bị cáo cháu cũng rất buồn". Thế nhưng, với cương vị của một Phó Giám đốc Sở Giáo dục mà lại đi nhờ cấp dưới nâng điểm cho con trai của mình thì còn đâu là kỷ cương, phép nước? Ông Khuông "đau lòng" để làm gì khi ông cùng một số nhiều đồng nghiệp của mình đã phá hỏng kỳ thi năm 2018!
Sơn La cũng chỉ có mình bà Lò Thị Trường là người có con được nâng điểm bị khởi tố.
Ngay sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung theo đề nghị của Viện Kiểm sát vì vụ án có nhiều tình tiết mới, có dấu hiệu đưa và nhận hối lộ thì Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự về tội nhận hối lộ, đưa hối lộ theo quy định tại Điều 354, 364 của Bộ luật Hình sự.
Ngoài việc bắt tạm giam ông Trần Xuân Yến- nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La, khởi tố bổ sung đối với bị can đối với ông Lò Văn Huynh - nguyên Trưởng Phòng khảo thí và quản lý giáo dục thì Cơ quan An ninh đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Lò Thị Trường, trú tại thành phố Sơn La về tội đưa hối lộ.
Trong những ngày diễn ra phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La, Hội đồng xét xử đã hỏi 31 phụ huynh, người trung gian nhưng chỉ có duy nhất bà Trường thừa nhận đưa 300 triệu đồng "tiền uống nước" để cảm ơn bị cáo Lò Văn Huynh vào sau kỳ thi.
Được biết, con bà Trường trúng tuyển Học viện An ninh nhưng sau đó bị trả về do chấm thẩm định không đạt điểm chuẩn đầu vào. Theo cáo trạng, con trai bà Trường bị hạ 11,3 điểm môn Toán, Lịch Sử.
Bắt tạm giam nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La Trần Xuân Yến |
Trong khi đó, rất nhiều những phụ huynh có tên tuổi, địa vị nổi bật ở Sơn La như : Ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố Sơn La; Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La;
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Trường phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La); Ông Nguyễn Kim Quang, Giám đốc VNPT Sơn La; Ông Phan Ngọc Sơn, Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La…cũng chỉ thừa nhận là “nhờ xem điểm trước” cho con cháu mình mà thôi. Vì vậy, họ không bị khởi tố, nhiều người vẫn đang đảm nhận chức vụ bình thường.
Thật thà thường thua thiệt…
Trong số những phụ huynh (trừ ông Khuông, bà Trường) có con được nâng điểm ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đã bị xử lý kỷ luật, chúng ta thấy người bị xử lý kỷ luật cao nhất là hình thức “khiển trách”, nhiều phụ huynh còn không bị xử lý kỷ luật.
Phụ huynh duy nhất đang đảm nhận chức vụ vào thời điểm năm 2018 là ông Phạm Văn Khuông đã bị truy tố và đề nghị xử phạt từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Bà Lò Thị Trường, không có chức vụ nhưng cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam.
Điều này cho thấy, nếu phụ huynh nhận việc “nhờ nâng điểm” đương nhiên sẽ bị xử lý, thậm chí bị khởi tố, bắt giam.
Vì vậy, phụ huynh của 213 thí sinh còn lại đã rất “khôn ranh” khi chỉ nhận “nhờ xem điểm”, thậm chí là không nhận việc tác động để con em mình được nâng điểm.
Nhiều phụ huynh ở Sơn La thà mất tiền đưa cho các bị can trong vụ án chứ cương quyết không nhận việc mình đã “cảm ơn” bằng tiền bạc. Cho dù các bị cáo đã khai rõ trước tòa là đã nhận tiền của một số phụ huynh, của người trung gian và số tiền này đã nộp lại cho cơ quan điều tra!
Có lẽ “tấm gương” của ông Phạm Văn Khuông và bà Lò Thị Trường đã đủ cho hàng trăm phụ huynh ở 3 địa phương Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang…cảnh giác cao độ.
Nhất là những người đang đảm nhận các chức vụ lãnh đạo ở một số ban ngành, đoàn thể ở địa phương thì họ đã không thừa nhận việc nhờ "nâng điểm". Bởi nhận, có nghĩa là họ cũng sẽ giống như ông Khuông, bà Trường mà thôi...!