Hạng chức danh nghề nghiệp là gì mà giáo viên dù mất tiền vẫn cứ muốn... thăng?

15/04/2020 06:21
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Những nhà giáo mang đầy khát khao cải tạo đồng lương để nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình thì một chút ánh sáng le lói cuối đường hầm họ cũng muốn thử

Hằng năm, cứ vào khoảng cuối năm học nhiều trường học ở một số địa phương lại ra thông báo cho giáo viên đăng ký nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Các thí sinh làm bài sát hạch xét thăng hạng (Báo Thái Bình)
Các thí sinh làm bài sát hạch xét thăng hạng (Báo Thái Bình)

Dù rằng, từ khi có quy định về hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thì số lượng thầy cô giáo trong cả nước được thăng hạng không nhiều.

Phần đông, số lượng thầy cô chờ thăng hạng lại không thể đếm xuể. Danh sách này, lại liên tục được bổ sung vào năm sau.

Hạng chức danh nghề nghiệp là gì?

Không ít thầy cô luôn thắc mắc hiện vẫn chưa hiểu về hạng chức danh nghề nghiệp.

Ngày 14 tháng 9 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 20 /2015/TTLT-BGDĐT-BNVquy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.

Ngày 16 tháng 9 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành các Thông tư liên tịch số 21; 22;23 /2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập;

Mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập; Mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông công lập.

Hạng chức danh nghề nghiệp là gì mà giáo viên dù mất tiền vẫn cứ muốn... thăng? ảnh 2
Có thể tất cả giáo viên sẽ được hoàn tất thăng hạng trong năm 2020

Các thông tư này cùng có hiệu lực thi hành kể từ năm 2015.

Theo đó, mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên được quy định tại 04 Thông tư nói trên như sau:

1.     Giáo viên mầm non hạng II -  Mã số: V.07.02.04

2.     Giáo viên mầm non hạng III -  Mã số: V.07.02.05

3.     Giáo viên mầm non hạng IV -  Mã số: V.07.02.06

4.     Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.07

5.     Giáo viên tiểu học hạng III - Mã số: V.07.03.08

6.     Giáo viên tiểu học hạng IV - Mã số: V.07.03.09

7.     Giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số: V.07.04.10

8.     Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số: V.07.04.11

9.     Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số: V.07.04.12

10.  Giáo viên trung học phổ thông hạng I - Mã số: V.07.05.13

11.  Giáo viên trung học phổ thông hạng II - Mã số: V.07.05.14

12.  Giáo viên trung học phổ thông hạng III - Mã số: V.07.05.15

Để có được hạng chức danh nghề nghiệp nói trên, giáo viên phải có đủ các tiêu chuẩn quy định theo yêu cầu của các Thông tư  20; 21; 22; 23.

Ví dụ, theo quy định hiện hành, giáo viên từ mầm non đến phổ thông được xếp ở các hạng có hệ số lần lượt như sau:

Giáo viên tiểu học, mầm non: Hạng IV (từ 1,86 đến 4,06); Hạng III (từ 2,1 đến 4,98); Hạng II (từ 2,34 đến 4,98).

Giáo viên trung học cơ sở: Hạng III (từ 2,1 đến 4,98); Hạng II (từ 2,34 đến 4,98); Hạng I (từ 4,0 đến 6,38).

Hạng chức danh nghề nghiệp là gì mà giáo viên dù mất tiền vẫn cứ muốn... thăng? ảnh 3
Giáo viên lớn tuổi, việc thăng hạng không có nhiều ý nghĩa

Giáo viên trung học phổ thông: Hạng III (từ 2,34 đến 4,98); Hạng II (từ 4,0 đến 6,38); Hạng I (từ 4,4 đến 6,78).

Và, một trong các tiêu chuẩn đó chính là yêu cầu giáo viên phải “Có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên” phù hợp với các hạng muốn “thăng”.

Cũng như phải có chứng chỉ bồi dưỡng để giữ được hạng đã “thăng”.

Vì sao mà mất nhiều tiền nhưng giáo viên vẫn cứ muốn thăng hạng?

Cùng với chuyện hạng chức danh nghề nghiệp được “thăng” là cách xếp lương vô cùng hấp dẫn được quy định tại Điều 9 của cả 04 Thông tư 20; 21;22;232015/TTLT-BGDĐT-BNV).

Ai cũng biết, nguồn sống của giáo viên chính là lương. Ngoài đồng lương hàng tháng nhà giáo không còn một khoản thu nhập nào khác.

Bởi thế, với đồng lương hiện nay khá thấp thì bất kể thầy cô giáo nào cũng muốn được cải thiện mức lương khi có điều kiện.

Thăng hạng đồng nghĩa với việc mức lương sẽ được nâng lên dù không nhiều. Vậy nên, dù có vất vả, khó khăn, dù có phải bỏ ra lúc ban đầu một số tiền để có được những chứng chỉ theo quy định thì giáo viên cũng phải cố mà theo.

Dẫu rằng, nhiều thầy cô đi trước đã cảnh báo, hồ sơ đã làm, chứng chỉ đã bổ sung đầy đủ nhưng hạng thì vẫn mòn mỏi để chờ từ năm này, qua năm khác.

Dù thế, người đi trước chưa “thăng”, người đi sau vẫn phải cố làm theo và chờ đợi.

Với những nhà giáo mang đầy khát khao cải tạo đồng lương để nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình thì một chút ánh sáng le lói cuối đường hầm họ cũng muốn thử.

Phan Tuyết