Câu chuyện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trong giai đoạn vừa qua là một câu chuyện có rất nhiều điều bất nhất về quy định, về thực hiện, về chỉ tiêu,…
Việc đạt được các tiêu chuẩn đã là khó nhưng khi có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ, đáp ứng chuyên môn, nghiệp vụ,… nhưng vẫn phải chờ cơ chế, chờ văn bản, chờ hướng dẫn để được thăng hạng.
Dẫn đến hầu như việc thăng hạng giáo viên đến nay chỉ nằm trên giấy tờ, đa số các địa phương trên cả nước có rất ít giáo viên được thăng hạng.
Điều này dẫn đến thiệt thòi cho nhiều giáo viên trong cả nước nhưng chưa có tháo gỡ, dẫn đến sự lo lắng, hoang mang, bức xúc trong giáo viên.
Tuy nhiên, điều lo lắng của giáo viên sẽ được tháo gỡ trong năm 2020 này, trong năm này mọi giáo viên có đầy đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ,… có thể sẽ được thăng hạng.
Giáo viên có đầy đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ,… có thể sẽ được thăng hạng. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn) |
Ngày 12/02, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020.
Trong đó lưu ý các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng và ban hành kế hoạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 trước ngày 31/3/2020; hoàn thành việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 trước ngày 31/12/2020.
Việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên với giáo viên dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn như sau:
Sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện theo Thông tư số 20/2019/TT-BGDĐT ngày 26/11/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên.
Xét thăng hạng có lợi cho giáo viên, thi thăng hạng lại có lợi cho nhà quản lý? |
Cũng theo văn bản này, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các địa phương về cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hiện nay đang chưa đồng đều.
Theo số liệu thống kê trong toàn quốc, số lượng giáo viên trung học phổ thông hạng II đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đăng kí dự thăng lên hạng I rất ít nên nhiều Bộ, ngành, địa phương không tổ chức thăng hạng cho đối tượng này, gây thiệt thòi cho đội ngũ.
Vì vậy, trong trường hợp không thể tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông từ hạng II lên hạng I, các Bộ, ngành, địa phương có thể phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có tổ chức thi/xét thăng hạng nêu trên (trên cơ sở có ý kiến đồng ý, thống nhất của Bộ Nội vụ).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ hướng dẫn này và các quy định của pháp luật hiện hành để tổ chức các kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý theo nhu cầu của Bộ, ngành, địa phương.
Công văn cũng nêu rõ: Để đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách về thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hệ thống thang bảng lương mới sau khi Chính phủ hoàn thành Đề án cải cách chính sách tiền lương (dự kiến năm 2021), Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là các Bộ, ngành, địa phương) tiếp tục thực hiện việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 theo thẩm quyền, đúng các quy định hiện hành và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 3125/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 23/7/2019 về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Đây có thể là tin vui trong những ngày đầu năm mới cho hàng ngàn giáo viên chưa được thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong cả nước.
Việc này là đúng đắn, kịp thời vì giáo viên đủ điều kiện sẽ được thăng hạng tiến tới chuyển sang trả lương theo vị trí việc làm mới từ năm 2021, nếu không được thăng hạng thì sẽ là một thiệt thòi rất lớn khi chuyển sang mức lương mới ở năm 2021.