Hàng nghìn thầy cô có nguy cơ thất nghiệp vì thông tư của Bộ GD?*

13/08/2013 07:35
TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - "Lãnh đạo các trường CĐ-ĐH công lập có biết khi họ cố tình “tát vét” thí sinh thì cũng đồng nghĩa với việc hàng vạn đồng nghiệp đang giảng dạy tại các trường NCL sẽ không có việc làm, sẽ nghỉ không lương hoặc bị buộc thôi việc. Việc làm ấy liệu đã có thể nói là sự nhẫn tâm hay chưa? Và liệu Bộ GD&ĐT đã nghĩ đến hậu quả khi hàng nghìn thầy cô giáo có nguy cơ hưởng trợ cấp thất nghiệp hay chưa?". TS Dương Xuân Thành nhấn mạnh.
Ngày 8/8/2013 thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trả lời phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, ông Ga cho biết: “Từ khi có Thông tư 57, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường do các trường tự xác định trên tiêu chí đảm bảo chất lượng, đó không phải là pháp lệnh nữa mà là năng lực tối đa của các trường”. [1] Được biết thông tư 57 (TT-57-BGDĐT) mà thứ trưởng Bùi Văn Ga nhắc đến có hiệu lực thi hành từ 16/01/2012, quy định về  việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh Tiến sĩ, Thạc sĩ, Đại học, Cao đẳng, Trung cấp cho các trường CĐ-ĐH. Theo mục a, khoản 1 điều 5 của thông tư, số sinh viên chính quy / 01 giảng viên quy đổi được quy định như sau:

Số TT

Nhóm trường

Số sinh viên chính quy / 01 giảng viên quy đổi

Đại học

Cao đẳng

1

Nhóm trường Y – dược

15

20

2

Nhóm trường Nghệ thuật, Thể dục thể thao

10

15

3

Các trường khác

25

30

Tuyển sinh CĐ-ĐH năm 2013, ai mừng ai lo, câu hỏi ấy ai sẽ trả lời?
Tuyển sinh CĐ-ĐH năm 2013, ai mừng ai lo, câu hỏi ấy ai sẽ trả lời?
Khoản 3 điều 9 thông tư 57 quy định: “Những cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh vượt từ 15% trở lên so với chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo sẽ bị xử phạt hành chính theo các quy định hiện hành và bị trừ chỉ tiêu tuyển sinh của năm sau. Số bị trừ bằng tổng số tuyển vượt của các năm trước". Như vậy nếu cơ sở đào tạo chỉ tuyển sinh vượt từ 14%  trở xuống thì hoàn toàn có thể yên tâm không bị "sờ gáy". Nghe phát biểu của thứ trưởng Bùi Văn Ga nhiều người tỏ ra hoan hỉ vì năm 2013 tỷ lệ thí sinh đỗ CĐ-ĐH cao, lượng dôi dư nhiều tạo điều kiện cho các trường tốp dưới, nhất là các trường ngoài công lập (NCL) có nguồn tuyển. Tuy nhiên cũng có các ý kiến nhìn nhận một cách thận trọng, chẳng hạn ý kiến gần đây của TS. Lê Viết Khuyến: “nguồn tuyển có cạn kiệt hay không còn phụ thuộc vào tỉ lệ thí sinh ảo”. [2] Người viết tán đồng ý kiến của TS. Lê Viết Khuyến, tuy nhiên lại cho rằng tỷ lệ thí sinh ảo không đáng lo bằng số lượng thí sinh “thật” mà các trường sẽ tuyển. Để chứng minh nhận định trên xin dẫn một ví dụ: Tháng 4/2013 để có số liệu cho bài viết “Có người bảo ngành giáo dục rất dại” (Vietnamnet – 25/7/2013) người viết đã lấy số liệu công khai trên trang Web của năm trường CĐ-ĐH ở Hà Nội và t/p Hồ Chí Minh, trong đó có trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Theo đó, trường này có 680 giảng viên trình độ trên đại học (68%) và 320 giảng viên trình độ đại học (32%), số học sinh sinh viên của trường là khoảng 50.000 người. Ngày 10/8/2013 vẫn trên trang Web này, mục “Chuẩn đầu ra” công bố: trường có trên 50.000 học sinh, sinh viên, còn mục “Cam kết bảo đảm chất lương” ghi là trường có 65% giảng viên có trình độ trên đại học, quay về mục “Giới thiệu” xin copy ra đây nguyên văn dòng chữ trên màn hình: “Trường hiện có hơn 1700 cán bộ, viên chức trong đó có gần 1451 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn , có 75% trình độ trên đại học (Thạc sỹ, Tiến sỹ). Thật là một phép mầu vì chỉ sau mấy tháng, số giáo viên đã tăng gần 500 người, còn trình độ trên đại học thì lại khác nhau đến 10% giữa hai mục trên cùng một trang Web. Đấy là chưa nói đến các con số đưa ra công khai lại hết sức mập mờ, chẳng hạn trên 50.000 HS-SV cụ thể là bao nhiêu, đặc biệt là số giảng viên đã chính xác đến chữ số hàng đơn vị (1451) nhưng lại còn kèm theo chữ “gần” nghĩa là thế nào? Một khi chỉ tiêu tuyển sinh không còn là pháp lệnh mà do các trường tự xác định, dựa vào năng lực tối đa của từng trường thì có nghĩa là “đèn xanh đã bật, đừng sợ pháp luật, miễn là biết lách”. Nói thế hoàn toàn không quá vì lâu nay tồn tại một quy định là đội ngũ giảng viên các trường CĐ-ĐH phải bảo đảm tối thiểu 60% khối lượng giảng dạy, 40% còn lại có thể đi thuê.  Phát biểu của thứ trưởng Bùi Văn Ga khiến người viết nhớ đến truyện Tây du ký. Bồ Đề Tổ Sư là thầy Tôn Ngộ Không, khi thấy Ngộ Không chỉ muốn học thuật trường sinh bất tử đã tỏ vẻ giận dữ gõ vào đầu Ngộ Không ba cái rồi chắp tay sau lưng đi vào phòng, đóng cửa. Trong khi các đồng môn thể hiện sự thương hại, trách móc thì Ngộ Không lại vô cùng sung sướng vì “ngộ” ra rằng sư phụ ngầm hẹn canh ba, ra phía sau hậu viên thầy sẽ truyền thụ võ nghệ cho. Nếu quả thật các trường chưa “ngộ” ra được điều gì sau phát biểu của thứ trưởng Bùi Văn Ga, thì người viết xin mách nước là chúng ta cứ đăng ký và tuyển sinh gấp đôi năng lực hiện có. Nếu bị nhắc nhở thì làm tờ trình chứng minh rằng 40% khối lượng giảng dạy là thỉnh giảng, 50% là năng lực thực sự của trường, còn 10% là “trót vượt quá chỉ tiêu bộ giao” (nhưng chưa đến ngưỡng bị phạt hành chính). Nói thế hóa ra cầm đèn chạy trước ôtô vì thực tế nhiều trường đã thực hiện điều đó từ lâu rồi, chẳng hạn ĐH Công nghiệp t.p Hồ Chí Minh công khai trên trang Web của trường  là họ có 185 GS, PGS, TS; 1018 thạc sĩ và 597 cử nhân, tổng cộng là 1800 giảng viên (chưa quy đổi) nhưng hiện có 80.000 học sinh, sinh viên các hệ, (số liệu tra cứu ngảy 10/8/2013 là 2101 GV, 1733 cơ hữu, 368 thỉnh giảng). [3] Trở lại vấn đề nguồn tuyển sinh 2013, vẫn theo thứ trưởng Bùi Văn Ga thì số thí sinh dư so với chỉ tiêu là  238.726 em (năm 2012 dư 141.000). Vấn đề đặt ra là năm 2012 dư 141.000 thí sinh nhưng các trường tốp dưới, đặc biệt là trường NCL vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu, lý do đơn giản vì các trường công lập (CL) đã chiếm gần hết số lượng đó. Năm 2013 dù Bộ GD&ĐT chưa công bố đăng ký của các trường song không khó để dự đoán, rằng các trường công lập sẽ không giảm chỉ tiêu mà chỉ có tăng thêm, vậy thì số chênh lệch giữa hai năm là 97.726 thí sinh ấy liệu còn bao nhiêu để chia cho 82 trường CĐ-ĐH NCL? Đặc biệt nếu tất cả trường công lập đều “ngộ” được ý tứ sau phát biểu của thứ trưởng Bùi Văn Ga, chỉ tuyển vượt 14% so với chỉ tiêu đăng ký thì theo thông tư 57, họ sẽ bình chân như vại và lời khuyên cho các trường NCL là nên chuẩn bị phương án giải thể. Còn một điều nữa cũng nên nói, lãnh đạo các trường CĐ-ĐH công lập có biết khi họ cố tình “tát vét” thí sinh thì cũng đồng nghĩa với việc hàng vạn đồng nghiệp đang giảng dạy tại các trường NCL sẽ không có việc làm, sẽ nghỉ không lương hoặc bị buộc thôi việc. Việc làm ấy liệu đã có thể nói là sự nhẫn tâm hay chưa? Và liệu Bộ GD&ĐT đã nghĩ đến hậu quả khi hàng nghìn thầy cô giáo có nguy cơ hưởng trợ cấp thất nghiệp hay chưa? Tuyển sinh CĐ-ĐH năm 2013, ai mừng ai lo, câu hỏi ấy ai sẽ trả lời?
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
* Tít chính do tòa soạn đặt
Độc giả đóng góp ý kiến xin gửi về báo Giáo dục Việt Nam theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
TS. Dương Xuân Thành