Hạnh phúc của cặp vợ chồng giáo viên ở miền gió hú Thèn Pả

10/12/2022 06:40
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở miền gió hú Thèn Pả, vợ chồng thầy Mai Đức Tiệp và cô Vi Thị Dinh đang ngày ngày gieo mầm tri thức từ con chữ. Trong gió lạnh, tình thầy trò vẫn rất ấm áp.

“Năm nay, đông về muộn nhưng gió nhiều và mạnh. Vừa có gió đông đã kéo theo rét buốt. Học trò mấy bữa nữa không biết có đến lớp đủ không”, thầy Mai Đức Tiệp (sinh năm 1985) bắt đầu câu chuyện gieo chữ ở Thèn Pả với chúng tôi bằng những lời lo lắng như thế.

Ở Thèn Pả, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cuối năm là những ngày gió hú. Thượng Phùng vốn là vùng đất được mệnh danh là “rốn gió” của cao nguyên đá.

Lạnh ở Thèn Pả năm nào cũng vậy. Rét, gió rít khiến học trò co ro vén lại manh áo để tránh cho da thịt khỏi tím tái vì các đợt lạnh.

Từ trung tâm Mèo Vạc, muốn đến được xã Thượng Phùng phải băng qua xã Pả Vi, đến chân Mã Pì Lèng thì rẽ phải, con đường dốc, trơn lỳ xuôi mãi đến cầu Tràng Hương.

Đường lên Thượng Phùng dốc ngược, quanh co và quá hiểm trở. Bên đường, đá dăm đổ từng đống, xe chúng tôi liên tục vấp những ổ voi, ổ gà...

Là giáo viên dạy ở điểm trường Thèn Pả, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Thượng Phùng, thầy Tiệp đã đi qua gần 15 năm mùa gió lạnh như vậy rồi và cũng chừng ấy năm phải tranh thủ thời gian nghỉ xuôi non về Bắc Quang thăm quê rồi lại ngược non về trường, về bản. Khắp các bản làng vùng nơi đây đã in dấu chân của thầy.

Học trò ở điểm trường Thèn Pả. Ảnh: TT

Học trò ở điểm trường Thèn Pả. Ảnh: TT

Ở Thượng Phùng thời tiết khắc nghiệt, mùa hè thì quá nóng, mùa đông thì gió rét, sương mù dày đặc, có năm còn xuất hiện băng giá, nhiệt độ xuống thấp khiến đời sống sinh hoạt của thầy cô và các em học sinh vô cùng khó khăn.

Cũng rất may mắn là, trên vùng gió lạnh lẽo và khó khăn ấy, thầy Tiệp có được sự đồng hành của người bạn đời, cũng là người đồng nghiệp của mình - cô giáo Vi Thị Dinh.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang, năm 2008, cô giáo người Tày - Vi Thị Dinh, sinh năm 1986, ở xã Bằng Hành, Bắc Quang, nhận quyết định công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Thượng Phùng, Mèo Vạc.

Cô Vi Thị Dinh và thầy Mai Đức Tiệp trước đó đã gặp nhau ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang. Hạnh phúc ở miền đá được nảy nở khi cả 2 quyết định cùng nhau lên Mèo Vạc để bước vào nghề giáo.

“Vợ vào ngành trước, từ năm 2008, đến năm 2009 thì tôi cũng được trở thành giáo viên. Lúc ấy cả hai mới quyết định xây dựng hạnh phúc gia đình”, thầy Tiệp chia sẻ.

Đến nay cô thầy đã có một tổ ấm với 2 người con. Chính tổ ấm gia đình và tình yêu nghề đã giữ chân cô Dinh, thầy Tiệp coi điểm trường như là nhà mình.

“Không chỉ dạy trên lớp, hiện giờ cả 2 vợ chồng tôi cũng đang dạy lớp xóa mù cho bà con vùng biên. Sáng thì dạy trò nhỏ, tối dạy trò lớn - có khi là bố mẹ, ông bà của các trò nhỏ lúc sáng”, thầy Tiệp chia sẻ về công việc của mình.

Hai vợ chồng cô giáo Vi Thị Dinh và thầy Mai Đức Tiệp cùng được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hai vợ chồng cô giáo Vi Thị Dinh và thầy Mai Đức Tiệp cùng được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kể về những ngày gian khó khi mới vào nghề, thầy Tiệp bảo, mọi thứ vẫn còn nguyên trong ký ức của thầy như ngày hôm qua: “Ngày trước, ở Thèn Pả không điện, không tủ lạnh. Làm gì cũng khó. Ngay chuyện dự trữ đồ ăn thôi cũng đã vất vả vô cùng.

Cả 2 vợ chồng phải giữ thịt bằng cách luộc sơ qua rồi nhúng vào dầu ăn. Lắm lúc dầu còn keo đặc lại, lấy được miếng thịt ra để nấu thôi cũng vất vả lắm rồi”.

Với gần 15 năm dạy học, hai vợ chồng cô giáo Vi Thị Dinh và thầy Mai Đức Tiệp đã vượt qua muôn vàn thử thách ở nơi thiếu nước và thiếu thốn đủ thứ, nơi mà cái ăn, cái uống phải tính toán mua những thực phẩm có thể dự trữ cả tuần, thậm chí cả tháng, cùng với đó là muôn vàn khó khăn lúc con cái ốm đau...

Kể về học sinh, thầy Mai Đức Tiệp cho biết, ở Thèn Pả, hầu như 100% học sinh là người Mông.

Ở đây, ngoài việc phải nỗ lực vận động các em đến trường, còn phải coi trẻ như con để giữ chân các em ở lại lớp học cái chữ.

Do hạn chế về khả năng giao tiếp tiếng phổ thông, nên việc tiếp cận kiến thức của các em còn gặp nhiều khó khăn.

Với trách nhiệm nghề nghiệp, vợ chồng thầy đã học tiếng Mông, luôn linh hoạt để tìm các biện pháp phù hợp nhất nhằm truyền đạt kiến thức, giúp các em tiếp thu bài học hiệu quả.

Hạnh phúc của cô Dinh, thầy Tiệp chính là thấy hình ảnh học sinh ngày càng chăm ngoan, học giỏi. Ảnh: TT

Hạnh phúc của cô Dinh, thầy Tiệp chính là thấy hình ảnh học sinh ngày càng chăm ngoan, học giỏi. Ảnh: TT

“Cũng nhờ có sự cố gắng của cả 2 vợ chồng nên chất lượng học sinh tại điểm trường nhiều năm gần đây cũng đã tốt hơn rồi”, thầy Tiệp cho biết. Thậm chí, thầy Tiệp còn khoe, học sinh từ Thèn Pả này đã có em học đến đại học ngành công nghệ thông tin ở Hà Nội, nhiều em đi học sư phạm mầm non…

"Hạnh phúc của chúng tôi không gì bằng các em có thể tiếp tục công việc học hành, có chí hướng”, thầy Tiệp chia sẻ.

Nói về mơ ước của cả 2 vợ chồng, thầy Tiệp bảo: “Bây giờ chúng tôi không mơ ước gì lớn lao cả, chỉ mong 2 vợ chồng, con cái khỏe mạnh để yên tâm công tác. Mong học trò đủ no, đủ ấm để tiếp tục đến lớp. Các em có cái chữ thì sẽ có hi vọng về tương lai tốt đẹp hơn”.

Nói về 2 vợ chồng thầy Tiệp, cô Dinh ở Thèn Pả, thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Thượng Phùng cho biết: “Cả thầy Tiệp và cô Dinh đều là những nhà giáo gương mẫu của nhà trường. Không chỉ công tác chuyên môn tốt mà cả 2 vợ chồng đều làm công tác vận động học sinh đến lớp rất giỏi. Dù là điểm trường vùng khó nhưng tỷ lệ chuyên cần tại điểm trường của hai thầy cô rất cao. Thầy Tiệp và cô Dinh cũng được dân bản, đồng nghiệp và học trò rất yêu quý”.

Với những năm tháng tuổi trẻ gắn bó với điểm trường Thèn Pả, cả hai vợ chồng cô giáo Vi Thị Dinh và thầy Mai Đức Tiệp vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc năm 2022.

Vừa qua, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, 2 vợ chồng cô và thầy còn vinh dự cùng với gần 40 thầy cô giáo toàn quốc được gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thủ đô Hà Nội.

Sau những ghi nhận, vinh danh, thầy cô hiểu rằng họ càng cần cố gắng hơn nữa cho việc gieo chữ, gieo những mầm tri thức và hi vọng ở nơi điểm trường bản khó khăn này.

Cuối năm, những trận gió rét bắt đầu tràn về nhiều hơn, mạnh hơn, rét buốt hơn. Nhưng trong cái lạnh lẽo ấy, tình thầy trò vẫn được sưởi ấm bằng những bài học gieo mầm ước mơ nơi cao nguyên đá với sự tâm huyết, gắn bó của vợ chồng thầy Tiệp, cô Dinh.

Trần Phương