Cô giáo từng được đề nghị trả lương cao gấp 10 lần lương GV nhưng vẫn từ chối

17/11/2022 06:48
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô Hằng với chuyên môn tiếng Anh xuất sắc, đã từng được một ngân hàng đề nghị trả lương cao gấp 10 lần lương giáo viên, nhưng cô vẫn từ chối để ở lại với nghề.

Ngày 20/11/2022 tới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức trao giải thưởng Võ Trường Toản, tôn vinh sự cống hiến của 40 thầy cô giáo, 10 cán bộ quản lý đã có các thành tích đặc biệt xuất sắc cho ngành giáo dục thành phố trong thời gian vừa qua.

Trong số các thầy cô được vinh danh, cô Phan Thị Thu Hằng – tổ trưởng môn tiếng Anh của Trường Trung học phổ thông Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, với gần 30 năm trong nghề vẫn luôn trăn trở về những khó khăn của nghề nhà giáo hiện nay.

Đã từng được ngân hàng trả lương cao gấp 10 lần mà vẫn từ chối

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam gặp cô Phan Thị Thu Hằng vào những ngày sát với dịp 20/11 - ngày mà cả xã hội tôn vinh các nhà giáo, để nghe cô trải lòng, tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề.

Cô Hằng cho biết, vốn dĩ sinh ra trong một gia đình có truyền thống, nhiều người thân theo nghề giáo, nên ngay từ nhỏ, cô đã có suy nghĩ và mong muốn lớn lên sẽ theo nghề dạy học cao quý này.

Khi còn đi học, cô suy nghĩ rằng, giáo viên là một nghề "rất đẹp", thầy cô giáo luôn là những người tâm huyết với nghề, được sống trong môi trường hoàn thiện nhân cách, giúp tạo ra những công dân tốt cho xã hội.

Tính đến năm 2022, cô Hằng đã có 28 năm gắn bó với nghề giáo viên, gắn bó với biết bao thế hệ học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre.

Cô Phan Thị Thu Hằng là một trong những giáo viên đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay (Ảnh: P.L)

Cô Phan Thị Thu Hằng là một trong những giáo viên đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay (Ảnh: P.L)

Cô Phan Thị Thu Hằng tâm sự với phóng viên về những khó khăn, trăn trở của nghề: “Thực sự, cũng đã có những lúc tôi băn khoăn rằng: có nên gắn bó tiếp với nghề giáo hay không? Đó là lúc trong nhà tôi không có đủ tiền đóng học phí cho con đi học. Vì giáo viên là một nghề rất bận rộn, ít có thời gian dành cho con, mà dành thời gian để tập trung lo cho công việc chuyên môn chiếm phần nhiều, nhưng thu nhập lại chưa đáp ứng được những yêu cầu vừa đủ để trang trải cuộc sống”.

Theo cô Hằng, hiện nhiều giáo viên vẫn phải cải thiện thu nhập cho mình và gia đình bằng những việc làm thêm khác nhau, nên cũng có lúc cô đã tự đặt ra cho mình câu hỏi: “Nên chăng chuyển hướng sang nghề khác để đảm bảo thu nhập tốt hơn?”.

Cô Hằng kể lại, trong quá khứ, khi cô còn trẻ, đã từng có một ngân hàng đàm phán, sẵn sàng trả lương gấp 10 lần với mức lương giáo viên mà cô nhận.

Tuy nhiên, cuối cùng, với lòng yêu nghề, yêu thương học sinh, cô Phan Thị Thu Hằng đã từ chối lời đề nghị lương cao, chọn con đường tiếp tục ở lại, gắn bó với nghề giáo.

Vậy là đến nay đã gần 30 năm, cô Hằng gắn bó với bục giảng, với học sinh, chuyên tâm giảng dạy bộ môn tiếng Anh.

Kể về câu chuyện thu nhập của mình, cô Hằng cũng qua đó mạnh dạn đề xuất, nên chăng, các cấp lãnh đạo có thể cải thiện thêm thu nhập cho giáo viên, bằng cách trích một phần học phí công lập để chi trả thêm cho thầy cô. Bởi lương quá thấp thì thầy cô giáo, dù yêu và muốn gắn bó với nghề cũng khó hoàn toàn chuyên tâm với công việc, có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Cậu học trò nhớ mãi không thể nào quên

Nói về ký ức không thể nào quên liên quan đến những thế hệ học sinh mà mình dạy dỗ, cô Phan Thị Thu Hằng kể: có một cậu học sinh mà cho đến nay, đã hàng chục năm đứng lớp cô vẫn không thể nào quên được.

Đó là vào thời điểm sau năm 1990, khi cô Hằng còn dạy ở Bến Tre. Thời điểm đó, cả học sinh và giáo viên đều còn rất nghèo. Trong lớp học do cô chủ nhiệm, một hôm, có em học sinh nam đến lớp mà không mặc đồng phục.

Tìm hiểu lý do, cô Hằng mới biết em học sinh đó chỉ có duy nhất một chiếc quần đồng phục, mà em lỡ ủi bị cháy, nên không còn quần đồng phục mặc đi học nữa, ngày đó thì đồng phục không có may sẵn như thời điểm hiện giờ.

Chính vì vậy, cô Hằng buộc phải xử lý tình huống này bằng cách hỏi mượn quần của một học sinh nam khác cùng lớp (có đặt dư hơn một bộ đồng phục), để cho em học sinh kia có đồng phục mặc đi học.

Sau chuyện này, cô quan tâm đến hoàn cảnh của nam học sinh hơn. Hỏi kỹ hơn về gia đình em, cô Hằng được biết ba mẹ em đã ly hôn, em còn có thêm một người em đang học lớp 6 nữa. Cả hai anh em dù đang tuổi đến trường vẫn phải tranh thủ đi làm thuê, làm mướn hàng ngày để có đủ kinh phí trang trải cho việc đi học. Biết hoàn cảnh khó khăn của em, cô luôn giúp đỡ, động viên em cố gắng học tập, để có cuộc sống tốt hơn.

Ngày cô Hằng chuyển nơi công tác từ Bến Tre lên Thành phố Hồ Chí Minh, em học sinh đó đã khóc rất nhiều. Em có hứa với cô sẽ thi đậu tốt nghiệp trung học phổ thông, đậu đại học ở thành phố để lên thăm cô Hằng.

Nhà trường đánh giá cô Hằng là giáo viên rất tâm huyết với nghề (Ảnh: P.L)

Nhà trường đánh giá cô Hằng là giáo viên rất tâm huyết với nghề (Ảnh: P.L)

Thế nhưng, lời hứa đó còn dang dở bỏ lại, cô biết được thông tin: sau khi đậu tốt nghiệp, em nam sinh này đã tử vong do gặp phải một tai nạn giao thông trên đường.

“Đó thật sự là một ký ức vừa thương, vừa buồn, không thể nào quên được với tôi cho đến giờ phút này” – cô Phan Thị Thu Hằng nói. Với cô, nghề dạy học bên cạnh những vất vả, cũng có những nốt trầm buồn liên quan đến học trò, để qua mỗi câu chuyện, cô càng yêu thương, cảm thông với các thế hệ học trò của mình hơn.

Nhận xét về người đồng nghiệp đáng mến của mình, thầy Trần Công Tuấn – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Phú Nhuận chia sẻ, cô Phan Thị Thu Hằng là một giáo viên rất tâm huyết với nghề, chăm chút chuyên môn rất tốt, thương yêu và có trách nhiệm với từng học sinh.

Theo thầy Tuấn, đến nay, dù đã gắn bó với nghề 28 năm, nhưng cô lúc nào cũng nhiệt huyết khi lên lớp dạy, luôn làm mới mình trong từng bài giảng.

Với các đồng nghiệp trong trường, nhất là đối với các thầy cô giáo trẻ tuổi, cô Hằng luôn tận tình giúp đỡ, nhất là đối với các kỹ năng sư phạm, luôn được các giáo viên trong trường thương yêu, tin tưởng.

Việt Dũng