Hạnh phúc ở điểm trường Pa Tết

02/04/2023 06:31
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gần 75 hộ dân người Mông ở Pa Tết lần đầu tiên thấy bản có dãy nhà xây và hơn 80 học sinh đã có phòng học khang trang.

Thông tin tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) cho biết, nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, sự quyết tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của nhà thầu thi công, các em học sinh ở điểm trường Pa Tết (bản Pa Tết, xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đã có những dãy nhà khang trang để học tập.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam từng có những bài viết về cặp vợ chồng thầy, cô giáo mầm noncác thầy giáo tiểu học ở lại trong thung lũng Pa Tết giảng dạy cho hơn 80 học trò từ cấp mầm non đến tiểu học trong tình cảnh “ba không” – “không sóng điện thoại, không điện và không có chợ”.

Các thế hệ thầy cô giáo đã vượt qua rất nhiều khó khăn để Pa Tết không bị "trắng" giáo dục.

Đường vào bản Pa Tết trước khi trường mới được xây dựng.

Đường vào bản Pa Tết trước khi trường mới được xây dựng.

“Khi điểm trường Pa Tết (có cả mầm non và tiểu học) được chuyển giao từ huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) về với xã Huổi Lếch của Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), tôi cũng vào khảo sát tình hình dạy và học mấy lần, nhưng lần nào cũng phải giấu nước mắt vì sợ thầy cô và học sinh nhìn thấy. Vừa thương học sinh, vừa thương đồng nghiệp vì điều kiện cơ sở vật chất giảng dạy, học tập, điều kiện sống quá thiếu thốn”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé tâm sự.

“Như một giấc mơ khi ở điểm trường bản biên giới xa xôi, 100% đồng bào dân tộc Mông, gần như sống biệt lập với bên ngoài nay đã có một cơ sở vững chắc được xây dựng.

Sau gần 1 năm thi công, 2 lần mở đường băng suối, có lúc tưởng chừng như bỏ cuộc nhưng cuối cùng, những lớp học kiên cố trên đỉnh đồi đã hoàn thiện. Đây chính là kết quả của tình yêu thương đối với các em học trò nghèo nơi vùng sâu, vùng xa.

Công trình điểm trường Pa Tết, xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên được khánh thành với 5 phòng học (3 phòng tiểu học, 2 phòng mầm non), 1 nhà vệ sinh.

Đây là hạnh phúc lớn với thầy và trò, với ngành giáo dục nơi đây. Tuy vẫn còn những khó khăn, thiếu thốn nhưng các thầy cô ở Pa Tết cũng đã cố gắng tổ chức nấu ăn cho các em và học sinh có chỗ nghỉ trưa sau giờ học”, thầy Phạm Thiết Chùy xúc động nói về quá trình thi công điểm trường Pa Tết.

Chia sẻ thêm với phóng viên, giáo thầy Vũ Quang Huy – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lếch cho biết điểm trường Pa Tết được thành khánh thành chính là niềm hạnh phúc, thực sự là ước mơ đã thành sự thật đối với các thầy cô giáo và học trò nơi đây.

"Cũng đã có nhiều đoàn đến khảo sát thực địa với dự định xây trường kiên cố nhưng rồi lại đi, vì khó khăn quá, đường vào quá vất vả. Kinh phí lớn là một chuyện, ở địa phương, một số người dân ở bản khác cũng còn chưa hiểu biết hết về vai trò của giáo dục, chưa tạo điều kiện cho việc xây dựng trường, nên công việc này lúc đầu rất vất vả", thầy Huy cho biết.

“Đã có những lúc tưởng chừng như việc tiến hành xây điểm trường không làm được khi gặp quá nhiều sự cố. Những lúc ấy, các thầy cô lại cùng với chính quyền sở tại đến từng nhà người dân vận động, để tạo điều kiện cho đơn vị thi công tiếp tục hoàn thành công việc. Cứ mỗi lần có phát sinh trục trặc gì là thầy cô lại lo lắng.

Nhìn thấy công trình đã xây dựng xong, khang trang như thế này, thầy trò chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài sự cảm ơn tự đáy lòng của những người làm giáo dục vùng khó đến các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã quan tâm đến việc dạy và học của thầy trò những vùng còn khó khăn, vất vả”, thầy Huy xúc động chia sẻ.

Học trò mầm non ở điểm trường Pa Tết (xã Huổi Lếch - Mường Nhé). Ảnh: LC

Học trò mầm non ở điểm trường Pa Tết (xã Huổi Lếch - Mường Nhé). Ảnh: LC

Ngày khánh thành điểm trường, tất cả thầy cô, học sinh, người dân đều vỡ òa hạnh phúc. Từ ngày thành lập bản, các em học sinh nơi đây mới được nhìn thấy một khu nhà xây kiên cố bằng gạch. Từ nay, hơn 80 em học sinh và nhiều thế hệ học sinh sau này đến điểm bản Pa Tết sẽ được ngồi học trong những dãy lớp ấm về mùa đông, mát về mùa hè, không còn lo mưa tạt, rồi lớp học có nguy cơ đổ sập như trước đây nữa.

Điểm trường mới được xây dựng tại Pa Tết. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cung cấp

Điểm trường mới được xây dựng tại Pa Tết. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cung cấp

Đường vào Pa Tết trước kia không có đường lớn nên các thầy cô phải men theo đường trâu đi để vào bản mở lớp. Từ những căn chòi lá để dạy học đầu tiên ấy, đến nay Pa Tết đã có một dãy phòng học khang sang, kiên cố.

Ở bản làng từng không đường lớn, không điện, không nước, không sóng điện thoại và trên đỉnh đồi ở độ cao hơn 800m so với mực nước biển, công trình điểm trường Pa Tết như là dấu son của sự quan tâm với giáo dục vùng khó, đẫm sự sẻ chia, chung sức.

Hạnh phúc ngỡ chỉ có trong mơ với học sinh và các thầy cô giáo ở bản Pa Tết khi dãy phòng học kiên cố được xây dựng. Ảnh: LC

Hạnh phúc ngỡ chỉ có trong mơ với học sinh và các thầy cô giáo ở bản Pa Tết khi dãy phòng học kiên cố được xây dựng. Ảnh: LC

Bản Pa Tết thuộc xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Bản thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nằm biệt lập so với các bản liền kề. Phía Bắc giáp với bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng; phía Nam giáp bản Nậm Hính 2, xã Huổi Lếch; phía Tây giáp bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch và phía Đông giáp xã Nậm Chàm huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

Đường mòn dân sinh là đường giao thông duy nhất để đi lại ở Pa Tết. Việc đi lại khó khăn, chỉ sử dụng được xe máy để di chuyển trong mùa khô đến bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch để ra trung tâm xã với quãng đường hơn 80km; bản chưa có đường giao thông liên kết với bản Nậm Hính 2.

Chính khó khăn, bất cập này dẫn đến nhiều năm qua, Pa Tết không được đầu tư cơ sở hạ tầng, không đường, không điện, không sóng điện thoại.

Bản gồm 75 hộ dân (100% dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên 90%) với 436 nhân khẩu; diện tích tự nhiên gần 218 ha, trong đó có 2,4 ha đất ở, còn lại đất canh tác, nơi đây gần như sống biệt lập với bên ngoài.

Trần Phương