Gọi là có chút bánh kẹo động viên thầy cô, chứ thưởng Tết làm gì có!

03/01/2023 06:39
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ nhiều năm nay, thưởng Tết với giáo viên vẫn là chuyện “khó nói”, với các thầy cô giáo vùng cao, đó càng là một câu chuyện xa xôi hơn nữa. 

Tết Nguyên Đán năm 2023 cận kề, thưởng Tết cho giáo viên vùng cao luôn là câu chuyện đau đáu của những người làm giáo dục. Dù mức hỗ trợ không cao, nhưng ngay cả những phần quà nhỏ ấy cũng phải cố gắng co kéo mới có thể thực hiện được.

Khi hỏi về thưởng tết, cô giáo Vì Thị Thuông - Giáo viên Trường Mầm non Nậm Kè (Mường Nhé, Điện Biên) chia sẻ: "Chúng tôi làm gì có thưởng tết. Có năm được hỗ trợ một ít gọi là chút quà cho Tết thôi, đủ tiền bánh kẹo, động viên thầy cô.

Những các ngành khác có thưởng Tết mà nghĩ ngành giáo dục không có cũng thấy tủi lắm. Vì thế, chúng tôi ai cũng hi vọng rằng, sẽ có một khoản cố định để động viên cho anh, chị, em giáo viên về nhà ăn tết, như thế đã là vui rồi".

Còn thầy giáo Nguyễn Văn Quynh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) cho biết: "những năm trước anh, chị, em trong trường cũng có tầm 200.000 đồng/người gọi là chút quà Tết. Năm ngoái thì được hỗ trợ 500.000 đồng/người. Chúng tôi về cơ bản đều hiểu đây là chút quà Tết, động viên nhau trong nghề là chính. Giáo dục vùng cao khó khăn, nên cố gắng cho các thầy cô có chút quà cũng là cả sự nỗ lực của nhà trường.

Học sinh ở Huổi Lếch gần như 100% thuộc diện hộ nghèo, đời sống của bà con khó khăn, trường cũng không có khoản thu nào ngoài ngân sách hay vận động xã hội hóa. Chính vì thế, mọi việc đều dựa vào nguồn chi thường xuyên. Hàng năm nhờ tiết kiệm chi và đóng quỹ công đoàn để cuối năm mọi người có một chút quà động viên, gọi là quà Tết.

Năm 2022, việc sắp xếp lại vị trí việc làm theo chùm thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều trường hợp chuyển loại hợp đồng lao động, từ hợp đồng 68 (hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP) sang hợp đồng 161 (hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP) nên nguồn chi thường xuyên có biến động".

Giáo viên vùng cao sống trong cảnh vất vả, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, mong có khoản thưởng Tết để động viên. Ảnh: LC

Giáo viên vùng cao sống trong cảnh vất vả, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, mong có khoản thưởng Tết để động viên. Ảnh: LC

"Có một thực tế là sau khi sắp xếp lại vị trí việc làm, nhiều thầy cô trong diện hợp đồng 161 có ý định nghỉ việc nên Tết năm nay cũng chưa biết sẽ như thế nào.

Nhiều khi chúng tôi vẫn động viên nhau, phần thưởng lớn nhất của các thầy cô giáo vùng cao chính là niềm vui khi ăn tết xong, các em đến trường đầy đủ, không bỏ lớp, bỏ trường.

Với nghề giáo ở vùng cao, lòng yêu nghề và cái tâm với nghề đã giúp anh, chị, em gắn bó, bám trường bám lớp, vượt lên khó khăn, miệt mài với nghề. Trên chặng đường ấy, cũng có những người không theo được nên đã dừng lại. Điều này cũng khó trách thầy cô, vì lương vẫn chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống, mà những dịp lễ tết gần như chỉ được hỗ trợ những khoản mang tính chất động viên, thì thầy cô, những người nhà xa, hoàn cảnh khó khăn thực sự khó bám trụ với nghề”, thầy Quynh chia sẻ.

Ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: “Chúng tôi, ở vai trò quản lý giáo dục địa phương cũng rất đau đáu trong việc cố gắng làm sao để có chút quà động viên cho thầy cô giáo, cán bộ trong trường học. Thế nhưng, thưởng Tết vẫn là khái niệm "quá to tát" và hiện không có nguồn chi cho thưởng Tết.

Tuy nhiên, với trách nhiệm của Phòng, ngành giáo dục Mường Nhé cùng lãnh đạo quản lý các trường xác định tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên, cố gắng có một chút quà nhỏ để động viên tinh thần các thầy cô mỗi dịp tết đến, xuân về.

Tết năm trước, lần đầu tiên trong 20 năm thành lập huyện, ngành giáo dục Mường Nhé lo được cho anh, chị, em giáo viên, cán bộ trường học mỗi người được 500.000 đồng tiền quà Tết. Thật sự giá trị phần quà không nhiều, nhưng cũng là sự cố gắng lớn của ngành tại địa phương.

Tuy nhiên, sang năm 2023, chuyện quà Tết cho các thầy cô còn chông gai hơn, khi có nhiều trường hợp từ hợp đồng 68 chuyển về hợp đồng 161 dẫn đến nguồn chi thường xuyên của các trường bị ảnh hưởng.

Trường vùng cao thì không có nguồn thu nào khác ngoài nguồn chi thường xuyên nên năm nay, chúng tôi dù đang rất cố gắng để chăm lo cho các thầy cô về khoản quà Tết mà thấy khó khăn quá, trong khi, Tết Nguyên Đán đang đến rất gần rồi”.

Trần Phương