Thầy cô ở Mường Nhé còn thiếu thốn nhiều, mức lương chưa đảm bảo cuộc sống

20/10/2022 06:33
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các nhà trường còn thiếu nhiều, nhiều điểm trường một thầy phải dạy 2 đến 3 trình độ.

Huyện biên giới cực Tây - Mường Nhé là địa phương khó khăn bậc nhất cả nước. Do vậy, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục ở địa phương này cũng đang hết sức khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của thầy, trò nơi đây...

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đã có những chia sẻ về khó khăn của ngành giáo dục huyện nhà sau 20 năm thành lập (20/10/2002- 20/10/2022).

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết, sau 20 năm thành lập, đường xá ở Mường Nhé vẫn còn những địa phương đi lại rất khó khăn đặc biệt vào mùa mưa lũ, nhiều tuyến đường liên bản tới trung tâm xã còn là đường đất. Vì vậy, việc di chuyển vào mùa mưa chủ yếu là đi bộ.

Hệ thống cơ sở hạ tầng tại các xã chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân: chưa có điện lưới, trường học chỉ làm bằng tranh, tre, nứa, lá do thầy cô và phụ huynh lấy về dựng tạm thành lớp học.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các nhà trường còn thiếu nhiều, nhiều điểm trường một thầy phải dạy 2 đến 3 trình độ (lớp ghép) dẫn đến chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng rất nhiều.

Đời sống của thầy cô còn thiếu thốn, mức lương chưa đảm bảo cuộc sống. Do địa hình đi lại khó khăn nhiều thầy cô ở lại cắm bản hàng tháng mới về trung tâm mua đồ khô dự trữ cho cả tháng.

Ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé. Ảnh: LC

Ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé. Ảnh: LC

Trước khi chia tách huyện Nậm Pồ và huyện Mường Nhé, địa bàn huyện rộng gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn nên việc học tập của học sinh chưa được phụ huynh quan tâm đúng mức. Đa số phụ huynh còn giao phó hoàn toàn cho nhà trường và thầy cô.

Nói về khó khăn của ngành giáo dục Mường Nhé, ông Phạm Thiết Chùy cho biết, hiện nay, vấn đề khó khăn lớn nhất đối với ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé là cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục, đang là một trong những bài toán khó cần lời giải của huyện.

Cho đến năm 2022, tổng số phòng học hiện có 783 phòng, chia ra; số phòng kiên cố 456, số phòng bán kiên cố 300 (trong đó có 114 phòng là nhà lắp ghép), số phòng tạm 27, số phòng mượn 0; trong đó có: 783 phòng học thông thường; 77 phòng học theo chức năng. Số phòng học xây mới 25, (trong đó có 13 phòng học được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa).

Nhiều cơ sở vật chất không thể sử dụng được vì xuống cấp. Trong ảnh: Dãy nhà tại trường liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Sín Thầu. Ảnh: LC

Nhiều cơ sở vật chất không thể sử dụng được vì xuống cấp. Trong ảnh: Dãy nhà tại trường liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Sín Thầu. Ảnh: LC

Phòng công vụ hiện có 311, chia ra; số phòng kiên cố 143, số phòng bán kiên cố 152 (trong đó có 18 phòng lắp ghép), số phòng tạm 16, số phòng mượn 0, đáp ứng được 80% nhu cầu của cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Phòng nội trú hiện có 479, chia ra; số phòng kiên cố 164, số phòng bán kiên cố 272 (trong đó có 82 phòng lắp ghép), số phòng tạm 43, số phòng mượn 0 , đáp ứng 80% nhu cầu của học sinh.

Cả huyện chưa có trường nào đạt chuẩn về công trình nước, số trường có nước sử dụng hợp vệ sinh 35/35; số trường có nhà vệ sinh đạt chuẩn 10/35, số trường chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh 25/35 (đa số là nhà vệ sinh ở các điểm trường lẻ).

Do là huyện nghèo, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao nên công tác xã hội hóa giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí chi thường xuyên được cấp để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường còn hạn chế.

Tại một số nhà trường vẫn còn tình trạng thiếu phòng học nên phải tiến hành ghép lớp dẫn đến số lượng học sinh/lớp đông. Giáo viên giảng dạy số lượng học sinh lớn dẫn đến không thể nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt đối với trẻ cấp học mầm non và học sinh lớp 1, 2, bậc tiểu học vì đây là những khối lớp nền móng cho công tác giáo dục.

Việc phải ghép lớp dẫn đến chật chội và nóng bức đặc biệt là vào dịp nắng nóng gây ảnh hưởng đến việc chăm sóc học sinh của các nhà trường.

Việc thiếu thốn về cơ sở vật chất còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên, không đủ không gian để học sinh tiến hành các hoạt động như thảo luận, trao đổi theo nhóm…

Toàn huyện vẫn còn thiếu đến 258 giáo viên theo định mức. Ảnh minh họa: LC

Toàn huyện vẫn còn thiếu đến 258 giáo viên theo định mức. Ảnh minh họa: LC

Bên cạnh tình trạng thiếu cơ sở vật chất, việc thiếu giáo viên cũng đang là vấn đề nan giải với ngành Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé.

Ông Phạm Thiết Chùy cho biết, tính đến tháng 10/2022, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trên toàn huyện là 1.131 người, trong đó: cán bộ quản lý 89; giáo viên 878; nhân viên 164 (bao gồm 63 theo hợp đồng 68).

Toàn huyện còn thiếu 285 giáo viên (150 mầm non, 82 tiểu học, 53 trung học cơ sở) so với quy định và số lớp đang thực hiện.

Để khắc phục khó khăn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nhà đang hết sức cố gắng thực hiện theo sự chỉ đạo và thực hiện tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo huyện tích cực làm công tác xã hội hóa.

Trong đó, năm học 2019-2020, 25 trường được hưởng lợi từ chương trình xã hội hóa gồm 22 phòng học, 11 phòng công vụ và các công trình phụ trợ kèm theo; năm học 2021-2022: 22 trường được hưởng lợi từ chương trình xã hội hóa gồm 16 phòng học, một công trình nhà hiệu bộ 5 phòng công vụ và các công trình phu trợ kèm theo.

Sự quan tâm của các tổ chức, đơn vị và các nhà hảo tâm trong tỉnh và cả nước đã góp phần quan trọng trong việc kiên cố hóa trường lớp học, nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ em, học sinh tại các trường học trên địa bàn huyện, tạo thêm niềm tin của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Nhé với ngành Giáo dục và Đào tạo huyện.

Đây cũng là nguồn tạo thêm động lực cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là các thầy cô giảng dạy tại các điểm bản yên tâm, bám trường, bám lớp.

Dẫu còn khó khăn, nhưng sau 20 năm trước, từ những ngày đầu thành lập ngành giáo dục ở Mường Nhé đã có những chuyển biến hết sức tích cực.

Tất cả nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân và các cơ quan ban, ngành huyện Mường Nhé.

Cùng với đó là sự cố gắng, đoàn kết của các thế hệ tập thể lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo, các thế hệ nhà giáo đã cống hiến tuổi trẻ cho mảnh đất biên cương của Tổ quốc, không ngại khó khăn, gian khổ yêu trẻ, mến nghề, bám trường bám lớp, thậm chí có thầy cô còn “yên nghỉ” khi đang thực hiện công tác giáo dục trên mảnh đất cực Tây của Tổ quốc.

Những tấm gương của các thầy cô giáo giúp phụ huynh, học sinh cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học để cùng sát cánh với công tác giáo dục của huyện nhà.

Huyện Mường Nhé là một huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, được thành lập từ tháng 10 năm 2002 với 06 đơn vị hành chính cấp xã, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của hai huyện Mường Tè và huyện Mường Lay (cũ) để thành lập huyện Mường Nhé.

Thực hiện Nghị quyết 45/NQ-CP ngày 25/8/2012 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thuộc tỉnh Điện Biên, đã tách một phần từ huyện Mường Nhé và huyện Mường Chà thành lập huyện Nậm Pồ.

Hiện nay, huyện Mường Nhé có 11 đơn vị xã, đa phần các xã đều thuộc khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với 112 bản và 03 tổ dân cư. Phía Đông và Đông Bắc giáp huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu, phía Tây Nam giáp huyện Nậm Pồ, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Phongsaly (Lào), phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), với tổng diện tích tự nhiên là 157.372,94 ha. Thành phần dân tộc chung sống trên địa bàn huyện chủ yếu là dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Hà Nhì, Kháng, Dao, Lào, Si La, Hoa, Cống, Kinh;

Trần Phương