Đến Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng, chứng kiến cảnh cô giáo Đào Thị Huế đang ân cần hướng dẫn 16 học trò mới cảm nhận hết được tình yêu thương, sự tận tình của cô dành cho các em khuyết tật.
Cô Huế luôn tương tác với các em học sinh bằng ánh mắt trìu mến, nụ cười thân thương. Đối với các em học sinh trong lớp 2C, cô giáo Huế như người mẹ hiền thứ 2 của các con ở trường.
Cô giáo Đào Thị Huế luôn ân cần, dành hết sự yêu thương cho trẻ (Ảnh: LT) |
Theo chia sẻ của cô giáo Huế, cô đã có 13 năm công tác tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng.
Lớp học do cô Huế chủ nhiệm gồm các em học sinh khuyết tật trí tuệ như: Tự kỉ, tăng động, down. Các em được phân vào lớp dựa theo tiêu chí về trình độ nhận thức, sau mới đến độ tuổi nhưng đảm bảo không chênh lệch quá nhiều.
Một lớp 16 trò, thông thường sĩ số đó là quá ít, nhưng với những lớp học sinh khuyết tật lại là đông. Một lớp gồm nhiều học sinh với các dạng tật khác nhau, vì thế giáo viên khá vất vả.
“Hiện không có chương trình chung cho trẻ khuyết tật trí tuệ. Nhà trường xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục theo khung chương trình, mục tiêu cần đạt của Viện khoa học giáo dục Việt Nam.
Mỗi giáo viên căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng lớp, phù hợp với từng trò. Vì thế, mỗi trò có một sổ giáo dục cá nhân khác nhau tuỳ vào đặc điểm”, cô Huế chia sẻ.
Dù khó khăn, vất vả là vậy nhưng cô Huế luôn nhìn về tương lai với những suy nghĩ tích cực. Cô yêu nghề và yêu học sinh dưới mái trường mình đang công tác. Với cô, trường là ngôi nhà thứ 2, nơi ấy cô có đàn con thơ cần được nâng niu, vỗ về.
Cô Huế tâm sự, các em cho dù khiếm khuyết một phần trí tuệ nhưng vô cùng đáng yêu, dễ thương và rất gần gũi.
Có bạn thích cô nắm tay xoa dịu những lúc thiếu kiểm soát hành vi, có bạn lại thích cô lặng lẽ ngồi bên, nhưng có em lại muốn cô cho những vật mềm để các em cầm nắm hoặc được ra ngoài vận động.
Chia sẻ về lý do chọn nghề, cô giáo Huế kể: “Ngày còn ngồi trên ghế trường phổ thông, tôi ước mơ làm cô giáo. Năm ấy, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có khoa Giáo dục đặc biệt.
Tôi không hình dung được sau này ra trường sẽ dạy như nào, chỉ nghe mọi người nói là dạy học sinh khuyết tật. Lúc đó, tôi nghĩ, nếu là dạy trò khuyết tật chắc ít người đăng ký thì cơ hội việc làm của mình sẽ dễ dàng hơn”.
Quyết định của cô được gia đình ủng hộ, cô đỗ đại học ngay năm đầu thi tuyển. Quá trình học tập, nhiều lần được đi thực tập tại cơ sở, cô Huế càng hiểu hơn về công việc tương lai của mình.
Ngày đầu tiếp xúc với trẻ khuyết tật, cô Huế có tâm lý e ngại. Nhưng gặp các em nhiều lần cảm giác đó trong cô dần tan biến. Cô thay đổi cách nhìn về học sinh và quyết tâm gắn bó với nghề.
Năm 2009 tốt nghiệp ra trường, cô giáo Huế xin về công tác tại Trung tâm nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội một năm, sau đó quyết định về Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng giảng dạy.
Đối với các em học sinh, cô giáo Huế là người mẹ hiền thứ 2 (Ảnh: LT) |
Những năm đầu công tác, cô gặp không ít khó khăn khi lớp đông trò, mỗi em một dạng tật khác nhau. Nhiều em không kiểm soát được hành vi thi thoảng lại cào cấu bản thân, đánh bạn.
Thậm chí, nhiều trò vệ sinh không đạt, đi vệ sinh ngay tại lớp học, lúc đó cô lại thành bảo mẫu dọn vệ sinh cho con rồi mới yên tâm giảng dạy tiếp.
Tuy nhiên, vốn sinh ra ở miền quê nghèo của Thái Bình, là một người giàu nghị lực, dù vất vả, khó khăn cô Huế không lùi bước.
Cô giáo Huế tâm niệm: “Tôi làm gì cũng quyết tâm và nghĩ mọi người làm được mình sẽ làm được. Những lúc gian khó, nhìn học trò tôi lại thấy cuộc đời thật may mắn và chưa bao giờ nghĩ sẽ rời xa môi trường này để chọn nơi công tác tốt hơn”.
Từ những nỗ lực của bản thân, cô giáo Huế được ngành Giáo dục đánh giá cao. Cô từng là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, nhiều năm liền nhận giấy khen trong công tác Đoàn, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Theo thầy giáo Phạm Văn Hưng - Hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng, cô giáo Huế là giáo viên có chuyên môn sâu, vững vàng, là giáo viên giỏi cấp thành phố.
Cô là Chủ tịch Công đoàn làm việc khoa học, hiệu quả, luôn quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ giáo viên trong trường.
Cô giáo là tấm gương giáo viên tâm huyết, yêu nghề, luôn cảm thông và sẻ chia với phụ huynh học sinh. Cô rất tỉ mỉ, sâu sát trong công việc giáo dục học sinh khuyết tật của nhà trường.