Tháng 8/2023, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Huyền Thanh (sinh năm 2001) đã tham gia kỳ tuyển dụng viên chức năm 2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng.
Cô Huyền Thanh đăng ký thi tuyển môn Lịch sử tại Trường Trung học phổ thông Thái Phiên - nơi cô từng học tập và đạt thành tích tốt.
Ở bộ môn này, có 2 thí sinh tham gia thi tuyển, song với bản lĩnh, lòng yêu nghề và kinh nghiệm qua thực tiễn thực tập giảng dạy, học tập trên giảng đường, cô Huyền Thanh đã trúng tuyển với số điểm tuyệt đối 100 ở vòng thi phỏng vấn.
Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Huyền Thanh đã xuất sắc đạt số điểm tuyệt đối trong kỳ tuyển dụng viên chức của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng (Ảnh: NVCC) |
Xác định rõ mục tiêu tương lai
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo trẻ Huyền Thanh đã chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn để có thể giúp ích cho những bạn sinh viên sau này có ước mơ làm giáo viên môn Lịch sử.
Theo cô Huyền Thanh, nội dung và hình thức thi của Kỳ tuyển dụng viên chức năm 2023 tại thành phố Hải Phòng được đăng tải công khai trên trang website của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng.
Theo đó, vào năm 2023, Kỳ tuyển dụng viên chức trải qua 2 vòng. Vòng thứ nhất, kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm, nếu đáp ứng đủ thì người tuyển dụng được tham gia vòng 2.
Vòng thứ hai, hình thức thi là phỏng vấn. Nội dung thi xoay quanh việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Thời gian phỏng vấn diễn ra trong vòng 30 phút (trước khi phỏng vấn, thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị).
Đối với môn Lịch sử, nội dung thi bao gồm 3 phần chính: Một, chủ đề (bài) ôn luyện để tuyển dụng viên chức giáo viên năm 2023; Hai, phiếu đánh giá kế hoạch bài dạy (Tham khảo); Ba, khung kế hoạch bài dạy, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT (tham khảo).
Việc xác định rõ mục tiêu tương lai và nỗ lực phấn đấu trong quá trình học tập đã giúp cô Huyền Thanh đạt được ước mơ (Ảnh: NVCC) |
Cô giáo Huyền Thanh cho biết: "Sau khi tôi thấy Trường Trung học phổ thông Thái Phiên có 1 chỉ tiêu tuyển dụng viên chức ở vị trí giáo viên Lịch sử, tôi đã không ngần ngại lựa chọn mái trường này. Bởi lẽ, tôi là cựu học sinh của nhà trường.
Hơn nữa, đây cũng là mái trường nơi mà tôi hằng mong ước được trở về để thực hiện công tác giảng dạy, là nguồn động lực to lớn để tôi phấn đấu học tập và rèn luyện tốt trên giảng đường đại học.
Bản thân tôi cũng hiểu rõ, Trường Trung học phổ thông Thái Phiên là trường trọng điểm của thành phố Hải Phòng.
Trong chặng đường xây dựng và phát triển, ngôi trường vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng nhiều huân chương cao quý, đã đào tạo được nhiều thế hệ học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi cấp thành phố.
Trường Trung học phổ thông Thái Phiên luôn có điểm đầu vào ở tốp cao nhất, nhiều năm liên tiếp là đơn vị dẫn đầu thành phố trong phong trào thi đua ở cấp Trung học phổ thông.
Đồng thời, học sinh của nhà trường luôn được khen ngợi là không những học tốt mà còn năng động, sáng tạo.
Do vậy, muốn trở thành giáo viên tại ngôi trường này, tôi phải học tập tốt cũng như có nền tảng kiến thức vững chắc, phẩm chất, rèn luyện tốt".
Cô Huyền Thanh nhấn mạnh: "Việc chọn ngôi trường có chỉ tiêu tuyển dụng viên chức mà bạn cảm thấy phù hợp và yêu thích, có nguyện vọng vào sẽ là một trong những nguồn động lực để bạn ôn tập và hoàn thành tốt kỳ thi".
Ôn tập bám sát nội dung, hình thức thi do Sở Giáo dục công bố
Khi thực hiện ôn tập, cô giáo trẻ Huyền Thanh đã bám sát những nội dung và hình thức thi đã được đăng tải trên website của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; phân bổ thời gian ôn tập một cách hợp lý và phù hợp với bản thân nhất.
Cụ thể, đối với những Thông tư cần hiểu rõ, nắm rõ, ghi nhớ chính xác như Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT và Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT, cô giáo Huyền Thanh học vào các buổi sáng.
Đối với việc xây dựng kế hoạch bài dạy, cô dành thời gian nhiều hơn, thực hiện vào buổi chiều và buổi tối vì đây là phần chiếm nhiều điểm nhất.
Những giờ giảng dạy môn Lịch sử đầu tiên sau khi trúng tuyển viên chức của cô giáo Huyền Thanh (Ảnh: NVCC) |
Cô Huyền Thanh đã bám sát barem điểm (tham khảo) để thiết kế Kế hoạch bài dạy sao cho vừa đáp ứng đúng tiêu chí chấm điểm, vừa thu hút, lôi cuốn học sinh vào bài học, vừa thể hiện sự đổi mới, sáng tạo trong dạy học và đáp ứng được các yêu cầu cần đạt trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cũng theo cô Huyền Thanh, để tránh căng thẳng, lo âu đồng thời tránh trả lời vấp, ngập ngừng trong quá trình phỏng vấn, cô đã tự thiết kế câu hỏi dựa theo các nội dung, tiêu chí chấm điểm được đăng tải công khai.
Sau đó, cô tự thực hiện bốc thăm và trả lời, ghi âm lại bằng điện thoại để nghe lại quá trình mình trả lời.
Trên cơ sở việc tự thực hiện trả lời câu hỏi tự thiết kế, cô biết được những “lỗ hổng” về kiến thức mình cần bổ sung và ôn tập thêm; đồng thời, điều tiết được âm lượng của giọng nói để trả lời phỏng vấn một cách tốt nhất.
"Bước vào kỳ thi, tôi có chút lo âu, căng thẳng song đã tự trấn an bản thân rằng: Hãy tự tin, chủ động trả lời một cách tốt nhất và luôn trong trạng thái sẵn sàng, bình tĩnh để trả lời những tình huống mà giám khảo đặt ra.
Nhờ có sự tự tin, tinh thần chủ động, tôi đã hoàn thành bài thi của mình. Nếu không có sự tự tin, bình tĩnh, chủ động, các bạn sẽ luôn rơi vào tình trạng lo lắng, áp lực; như vậy, sẽ không thể thực hiện tốt bài thi", cô Huyền Thanh nói.
Được biết, khi còn học tập tại Trường Trung học phổ thông Thái Phiên, cô Nguyễn Thị Huyền Thanh đã đạt 2 giải Nhất môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp trường vào năm học 2016-2017 và năm học 2017-2018.
Cô còn đạt giải Nhất môn Lịch sử trong kỳ thi Học sinh giỏi thành phố (bảng A) năm học 2018-2019 và là thành viên của đội tuyển chọn học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử năm 2019.
Từ tháng 9/2019 - tháng 6/2023, cô là sinh viên của lớp K69 Chất lượng cao, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trong quá trình học tập và rèn luyện tại giảng đường, cô đạt nhiều thành tích về học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện. Nhờ đó, vào ngày 24/4/2023, cô vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.