Mỗi dịp tết đến xuân về, người người lại nô nức sắm tết, trẻ em tung tăng trong tà áo mới. Bánh chưng, quà lễ tết, phong bao lì xì,… tất cả đều hiện hữu cho sự no ấm, đủ đầy, niềm vui và hạnh phúc.
Thế nhưng, cũng trong những khoảnh khắc ấy, ở những miền đất biên giới xa xôi, có những em nhỏ chưa từng dám ước mơ về một chiếc áo mới. Trong tiết trời lạnh giá giữa núi rừng Tây Bắc, nhiều em vẫn co ro với đôi chân trần, chiếc áo mỏng. Tết với các em, với người dân nơi đây cũng chẳng khác ngày thường là bao!
Đó chính là lý do nhóm Thanh niên tình nguyện Junko thực hiện chương trình “Xuân ngời miền biên ải”, mang những tia nắng ấm áp của tình yêu thương đến nơi địa đầu tổ quốc trong những ngày đông giá lạnh.
Những “siêu thị” và “xứ sở thần tiên” trên non cao
"Nếu chỉ đơn thuần là mang món quà vật chất trao tặng các em học sinh thì niềm vui sẽ nhanh chóng qua đi, ý nghĩa lưu giữ lại cũng không nhiều.
Trên những miền đất biên giới xa xôi, các em còn cần nhiều hơn thế, đó là những tiếng cười, hoạt động trải nghiệm, vui chơi mà các em chưa bao giờ biết đến, là những yêu thương chia sẻ, bài học giáo dục ý nghĩa trong cuộc sống”.
Những chia sẻ của Phan Hà Phương Anh – sinh viên năm cuối Đại học kinh tế Đà Nẵng, trưởng nhóm Junko Đà Nẵng về chương trình thiện nguyện đã để lại trong tôi nhiều suy ngẫm và động lực cống hiến .
Chương trình "Xuân ngời miền biên ải" được tổ chức tại xã Khánh Xuân - một xã nghèo của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng (Ảnh: Junko Đà Nẵng) |
Trong hơn 3 ngày đến với xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, họ đã viết nên những bài ca của tình yêu thương, sự sẻ chia từ trong trái tim những người Việt trẻ đầy nhiệt huyết.
12 giờ trưa ngày 22/01, 40 thành viên nhóm Tình nguyện Junko đã có mặt tại ga Đà Nẵng để vận chuyển hàng hóa, chuẩn bị cho chuyến hành trình hơn 1000 cây số.
Sau 18 giờ đồng hồ, đoàn đến Hà Nội và tiếp tục 10 giờ đồng hồ di chuyển đến huyện Bảo Lạc. Tại đây, đoàn đã mang đến cho người dân một đêm biểu diễn nghệ thuật đáng nhớ.
“Hành trình đến xã Khánh Xuân nhiều gian nan hơn, đây là một xã nghèo với những thôn xóm “4 không” - không đường, không điện, không nước, không sóng điện thoại.
Đường mòn dẫn vào từng thôn xóm rất khó đi, nhất là những ngày mưa gió, đường ngoằn ngoèo dốc cao, bùn lầy trơn trượt, nhiều đoạn đường lởm chởm đá nhọn, những hòn đá dựng đứng vắt qua đỉnh đồi, cây cối um tùm, một bên là dốc cao, một bên là vực sâu thăm thẳm. Việc đi lại của đồng bào nơi đây rất vất vả, cuộc sống của bà con phải đối diện với muôn vàn khó khăn”, Phương Anh xúc động khi nhớ lại cuộc sống miền sơn cước.
Địa hình phức tạp, việc tiếp cận vào xã bằng xe buýt lớn không khả thi, toàn đoàn phải chuyển hàng hóa sang xe bán tải nhỏ, cùng hơn 40 xe máy đi vào những thôn xóm xa xôi. Dù vất vả nhưng nụ cười trên môi của các bạn tình nguyện viên chưa bao giờ tắt.
“Niềm hạnh phúc của chúng tôi chính là khi được ngắm nhìn những gương mặt trẻ thơ háo hức, những nụ cười hồn nhiên, trong sáng. Được ôm và cảm nhận hương tóc đầy nắng và gió của lũ trẻ vùng cao.
"Siêu thị cho bé" được mở ra giữa non cao để các em nhỏ được trải nghiệm hoạt động mua sắm (Ảnh: Junko Đà Nẵng) |
Tuy nhiên, cách trao quà của tình nguyện Junko cũng thật đặc biệt, chúng tôi giúp các em được trải nghiệm hoạt động mua sắm thông qua chương trình “Siêu thị cho bé”.
Bởi các em nhỏ nơi đây chưa bao giờ biết đến siêu thị là gì, chưa bao giờ được tự tay chọn cho mình những món quà yêu thích. Vì vậy, Junko Đà Nẵng đã chuyển hóa ước mơ ấy bằng việc mở ra một siêu thị với nhiều gian hàng bắt mắt, các em được tự tay mua hàng hóa mình thích,” Phương Anh chia sẻ thêm.
Đây cũng là lần đầu tiên, nơi vùng biên ải xa xôi, các em được sống trong thế giới cổ tích thần kỳ với chương trình “Một ngày ở xứ sở thần tiên”.
Các em được xem những trích đoạn về nhân vật cổ tích như Cô bé Lọ Lem, những công chúa, hoàng tử đến các anh hùng trong phim như Siêu nhân, người Nhện.
Sau đó, các em được hóa trang và chụp hình cùng nhân vật mình yêu thích. Những tấm hình được in và dán sẵn trên tấm thiệp chúc xuân mà các anh chị Junko đã chuẩn bị để gửi tặng các bạn nhỏ. Chương trình này đã mang đến những trải nghiệm thú vị và niềm vui bất ngờ cho các em.
Với những chương trình mà Tình nguyện Junko thực hiện, nhiều người phải thốt lên rằng đây có lẽ là đoàn tình nguyện “cầu kỳ” bậc nhất.
Trong phút chốc, những tình nguyện viên nhiệt tình bỗng hóa thành những diễn viên “chuyên nghiệp”, mang đến những vở kịch ấn tượng và những tràng cười rộn vang cho các em học sinh và đồng bào nơi đây.
Những vở diễn công phu được nhóm luyện tập từ trước đề cập đến vấn đề tảo hôn, vấn nạn buôn người trái phép sang Trung Quốc,… Qua những vở kịch đó, Junko giúp người dân nâng cao nhận thức, tuyên truyền các kỹ năng giúp trẻ em tự bảo vệ bản thân mình trước các mối nguy hiểm trong cuộc sống vùng cao biên giới.
Hoạt động giáo dục tuyên truyền của đoàn cũng vô cùng đa dạng, đó là chương trình tuyên truyền thực hành vệ sinh cá nhân, phát các vật dụng vệ sinh cá nhân cho trẻ; Giáo dục giới tính cho học sinh trung học cơ sở, phòng chống xâm hại tình dục tại học đường và cộng đồng; Hoạt động nâng cao nhận thức về các vấn đề An toàn sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hoá gia đình cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và phát thuốc cho 40 phụ nữ vùng cao; Chương trình tư vấn Nam học cho thanh niên, đàn ông trong độ tuổi từ 18-45.
Ngoài ra, đoàn tình nguyện cũng phát các loại thuốc chữa bệnh thông thường, hỗ trợ tủ thuốc tại Trường Tiểu học Khánh Xuân và Trường Trung học cơ sở Khánh Xuân.
Cuối cùng, đoàn tổ chức đêm văn nghệ đầy cảm xúc kết hợp truyền thông giao lưu cùng người dân trong toàn xã. Tình nguyện Junko đã mang những sắc xuân ấm áp, lấp lánh yêu thương và rạng ngời hạnh phúc đến với miền sơn cước.
Sắc xuân ấm áp mang theo tiếng cười hạnh phúc của những đứa trẻ vùng cao (Ảnh: Junko Đà Nẵng) |
Khát khao viết tiếp những trang thơ cho đời
Chuyến đi đến xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao bằng không phải là chuyến thiện nguyện đầu tiên của Junko Đà Nẵng.
Trong hơn 12 năm qua, đoàn tình nguyện là cầu nối cho các nhà hảo tâm, các tổ chức Phi Chính phủ ở miền Trung, miền Nam đến với cộng đồng. Junko Đà Nẵng cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ bền vững như công trình nước sạch cho học sinh, người dân và xây mới các điểm trường lẻ còn tạm bợ tại các địa phương hẻo lánh.
Thanh niên tình nguyện Junko Đà Nẵng bắt đầu thực hiện các chương trình thiện nguyện hằng năm tại các tỉnh miền núi phía Bắc từ năm 2012 tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai.
Phương Anh còn chia sẻ tâm tư rằng, năm vừa qua là một năm vô cùng khó khăn vì dịch bệnh. Đà Nẵng cũng là nơi chịu nhiều hậu quả nặng nề do dịch Covid và thiên tai, do đó việc gây quỹ để thực hiện chương trình gặp không ít thách thức.
“Để đảm bảo tài chính cho chương trình, các bạn sinh viên – thành viên của đoàn đã thực hiện các hoạt động gây quỹ trước chuyến đi 3 tháng, bao gồm việc bán hàng, tổ chức các đêm nhạc du ca đường phố, vận động các công ty, mạnh thường quân, kết nối với các tổ chức đoàn thể,…
Nhiều bạn vừa đi học, vừa đi làm thêm, lại vừa phải tập luyện, gây quỹ nhưng vẫn luôn nỗ lực, cố gắng hết mình, quyết tâm thực hiện chương trình cho các em nhỏ vùng cao”, Phương Anh cho biết thêm.
Những nẻo đường đã qua nơi thâm sơn cùng cốc, những bản làng chìm sâu trong núi rừng hiu quạnh, những bước chân trẻ miệt mài trên con đường tới lớp,… tất cả đã gieo vào trong trái tim Tình nguyện Junko tình yêu thương vô bờ bến.
Đó cũng chính là động lực để họ gieo mầm yêu thương. Đôi bàn chân tuổi trẻ chưa bao giờ mỏi mệt với những hành trình tiếp nối nhau, trái tim với tình yêu dành cho những mảnh đời nghèo khó chưa bao giờ thôi rung động – những bạn trẻ của Tình nguyện Junko sống mãi với khát khao viết tiếp những trang thơ ý nghĩa cho cuộc đời.
Chia sẻ về hành trình vừa qua, Võ Nguyễn Đình Trí, thành viên của nhóm Thanh niên tình nguyện Junko bày tỏ: “Quãng đời sinh viên của tôi trở nên tươi đẹp, ý nghĩa hơn khi được khoác lên mình màu áo Tình nguyện Junko.
Được đến với các em nhỏ và đồng bào vùng biên giới, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi chính mình trở thành một mắt xích trong nhịp cầu yêu thương, tôi cũng tìm được ý nghĩa cuộc đời mình.
Chúng tôi đã lỡ yêu thương những em nhỏ nơi biên giới xa xôi nên hành trình này sẽ không dừng lại. Và tôi tin rằng, dấu chân tình nguyện của Junko đã mang đến những nụ cười, niềm vui, sức sống tươi mới cho những mảnh đất vùng biên còn nhiều lắm gian nan”.
Hoạt động tư vấn nam học và tặng thuốc cho người dân (Ảnh: Junko Đà Nẵng) |
Hành trình đến với những bản làng nghèo xa xôi mang theo món quà tết ấm áp, ý nghĩa trao tặng cho đồng bào dân tộc (Ảnh: Junko Đà Nẵng) |
Junko Đà Nẵng là một tổ chức phi lợi nhuận do sinh viên đề xướng đầu tiên ở Việt Nam phối hợp với Hiệp Hội Junko Nhật Bản trong việc thực hiện các hoạt động tình nguyện tại thành phố Đà Nẵng và các tình thành lân cận. Thành viên của Junko Đà Nẵng là một nhóm các sinh viên đến từ các trường trực thuộc Đại Học Đà Nẵng, dưới sự dẫn dắt và cố vấn của chuyên gia phát triển cộng đồng, ông Nguyễn Văn Phước.
Việc ra đời Hiệp hội Junko xuất phát từ một câu chuyện nhân văn của một cô gái Nhật đã đến Việt nam trong những năm đầu thập niên 90 với ước mơ hỗ trợ, phát triển giáo dục Việt Nam. Trên tinh thần của câu chuyện đầy tình người , Junko Đà nẵng đã ra đời như là một cầu nối thể hiện tình hữu nghị của 2 nước Việt – Nhật cũng là cầu nối của các sinh viên trẻ, nhiệt huyết đến từ 2 đất nước.
Chương trình “Xuân ngời miền biên ải” của Thanh niên tình nguyện Junko đã hỗ trợ các phần quà bao gồm:
Quà cho học sinh và các hộ gia đình nghèo (110 suất quà cho học sinh Tiểu học và trung học cơ sở, 2 suất quà cho các em mồ côi được nuôi tại đồn Biên Phòng Xuân Trường, mỗi suất trị giá từ 400.000 đồng)
Tặng 50 đôi dép cho học sinh mầm non Trường mầm non Khánh Xuân.
Tặng 20 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của Trường Tiểu học Khánh Xuân và Trường Trung học cơ sở Khánh Xuân, mỗi suất trị giá 500.000 đồng.
Phát quà bao gồm các nhu yếu phẩm cho 50 hộ nghèo của xã (mỗi suất có giá trị 500.000 đồng)
Hỗ trợ phần quà ( 200.000 đồng/1 suất) cho 40 chị phụ nữ tại 1 điểm thôn nghèo của xã tham gia chương trình Sức khỏe sinh sản.
Hỗ trợ các phần quà (100.000 đồng/1 suất) cho các nam thanh niên tham gia chương trình tư vấn Nam học
Hỗ trợ thuốc cho tủ thuốc tại trường học 1.000.000 đồng.
Hỗ trợ 4 giáo viên các điểm lẻ phần quà khích lệ tinh thần “bám trường bám bản” mỗi phần trị giá 500.000 đồng.
Hỗ trợ phần quà và thuốc cho 2 điểm chốt chặn dịch biên phòng trị giá 2.000.000 đồng.
Phát các vật phẩm vệ sinh như xà phòng, bánh kẹo cho học sinh trị giá 1.000.000 đồng
Ngoài ra, đoàn tình nguyện còn triển khai các chương trình, trò chơi, hoạt động trải nghiệm, văn nghệ giao lưu tại các trường học và thôn bản.
Chương trình “Xuân ngời miền biên ải” được thực hiện với tổng chi phí là 160.000.000 đồng.