Với các giáo viên vùng cao, khó khăn vất vả là chuyện thường trực, vì tình yêu với nghề, họ chấp nhận tất cả. Cuộc sống của đại đa số giáo viên vùng cao nguồn thu nhập chính và gần như là duy nhất với họ chính là lương.
Nếu chỉ xét về lương, phụ cấp vùng khó khăn, biên giới… rõ ràng là cao hơn giáo viên vùng xuôi, vùng thuận lợi, nhưng thực thế cuộc sống của giáo viên vùng cao bấp bênh vô cùng. Trò chuyện với chúng tôi, hầu hết các cô đều không muốn đưa tên của mình vì ngại, sợ “nổi tiếng bất đắc dĩ”…
Một giáo viên ở công tác tại huyện miền núi Mường Tè (xin phép không nêu tên) cho biết, bản thân thầy là hiệu phó của một trường học huyện miền núi, bảng lương thực nhìn cao hơn hẳn giáo viên miền xuôi.
Cả 2 vợ chồng làm giáo viên vùng cao, nhìn bảng lương của 2 vợ chồng cũng đến cả chục triệu đồng.
Khi về Tết, gặp bạn bè đồng nghiệp, họ hỏi nửa đùa, nửa thật, bao nhiêu năm trên đấy cóp chắc phải được vài trăm triệu đồng… “nghĩ cũng thấy buồn, nói thế cũng chỉ biết cười trừ. Có những giáo viên ở miền xuôi, họ đi ô tô, tháng thu nhập hơn cả 2 vợ chồng, nghĩ mà chạnh lòng”.
Vợ chồng thầy mỗi người dạy một nơi, con cái để lại cho ông bà chăm, tiền lương trang trải cuộc sống, đi đi, về về là hết sạch.
Đó là chưa nói đến việc sinh hoạt vùng biên giới nhiều thứ đắt đỏ, thiếu thốn. Nghĩ đến chuyện tích cóp từ tiền lương mà nhiều lúc hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau mà buồn.
Giáo viên miền núi nói gì đến thu nhập khác, dạy thêm cho học sinh toàn phải dạy miễn phí, thậm chí đến lớp kèm.
Giáo viên vùng cao nhọc nhằn là vậy, nhưng nghĩ đến thu nhập của giáo viên vùng xuôi mà chạnh lòng. Ảnh: LC |
Tại xã Tà Tổng, xã nằm trong vùng nội địa của Mường Tè, xã không biên giới, giáo viên chỉ được hưởng phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn, lương giáo viên còn bấp bênh hơn, đặc biệt là trung tâm điểm bản Nậm Ngà, nơi mà các thầy cô đã từng mất 50% quân số ngay khi biết được phân vào Nậm Ngà.
Bởi thời điểm đó quá khó khăn, nhiều người đi qua hành trình gian khổ của đường sá, vào đến nơi nhìn thấy trường, lớp sẵn sàng bỏ nghề. Một số năm trở lại đây, đường cũng khá hơn, cuộc sống cũng tốt hơn nhưng khó khăn vẫn còn bộn bề.
Nhắc đến tiền lương, nhiều giáo viên ngại không dám nói. Có thầy cô đã gắn bó cả chục năm trời, xa gia đình, xa con nhỏ nhưng với mức lương hơn 7 triệu đồng / tháng các cô gửi về chăm con, tiền đi lại về quê là hết sạch.
Trong điểm U Pa Tết, hai thầy giáo tiểu học còn cho biết, điểm trường quá khó khăn, mua thực phẩm từ trung tâm Nậm Ngà vào đến trường sinh hoạt hàng ngày cũng cao hơn hẳn.
“Cứ đến tháng là hết tiền thôi. Ăn rồi vay, có lương rồi lại trả…” thầy giáo tiểu học cho biết.
Để thu nhập hàng tháng vừa đảm bảo cuộc sống, vừa có tiền nuôi con, nhiều thầy cô giáo cho biết phải “căn” từng đồng một, không dám tiêu quá tay một đồng nào.
Nói đến chuyện thưởng Tết thì càng không bao giờ các thầy cô giáo hi vọng. Bởi việc thưởng Tết cho giáo viên là do đơn vị tự quyết định dựa trên nguồn kinh phí, doanh thu và năng suất làm việc của từng cá nhân. Do đó, nếu có thưởng Tết thì số tiền thưởng cũng do các đơn vị tự quyết định.
Nhưng ở nơi này học sinh được đến trường giáo viên đã mừng muốn khóc, chứ đừng nói đến chuyện được thưởng.
Không những không có thưởng Tết, thầy giáo ở nhiều điểm bản còn phải bỏ tiền lương, làm cơm, mời trưởng bản, lãnh đạo xã, một số phụ huynh đến để dặn dò những ngày học sinh được nghỉ, đảm bảo ra tết các trò vẫn đến lớp.
“Hành trình xuân vận” về với quê hương của các thầy giáo vùng cao là việc căn lại từng đồng lương, phần nào mua quà cho con, phần nào tiền xe, đồng quà tấm bánh… rồi cả tiền lại lên bản…
Không ít các thầy cô giáo cho biết Tết lạnh, không bắt được xe, cả nhà lại đưa nhau lên chiếc xe máy, vượt cả trăm km đường núi để về quê.
Ở Mường Tè, không ít các thầy cô giáo không đủ tiền về phải ở lại trường “ăn Tết” với bà con vùng bản.