Hãy dỡ bỏ quy định lương tuyến tính, đưa việc xét Giáo sư, Phó Giáo sư về trường

12/12/2020 06:19
Tiến sĩ Phạm Long
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Phạm Long – Giảng viên Đại học Louisiana (Hoa Kỳ) đã chia sẻ một số quan điểm cá nhân của Tiến sĩ để hướng tới tự chủ đại học ở Việt Nam thành công.

Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết.

Sự nghiệp học tập của một con người, nếu đi theo các nấc thang chính thức, thì trải qua tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, thạc sĩ, và cuối cùng là tiến sĩ.

Các nấc thang tuyến tính của sự nghiệp học tập là như thế, nhưng không nhất thiết ai cũng phải học tiến sĩ. Nếu bạn xác định không làm trong lĩnh vực nghiên cứu hay giảng dạy, bạn chỉ cần (nên) tốt nghiệp đại học, hay cùng lắm học thạc sĩ là đủ.

Ảnh minh họa: TDTU / giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: TDTU / giaoduc.net.vn

Học tiến sĩ chủ yếu là những người yêu, đam mê, đang hay kỳ vọng sẽ làm việc trong các trường đại học hay viện nghiên cứu.

Nói gì thì nói tiến sĩ là nấc thang học tập chính thức cuối cùng, nên những người có bằng tiến sĩ xứng đáng được xã hội nể trọng. Đi đến đâu, hay trong các trường đại học, viện nghiên cứu, họ gọi nhau bằng danh xưng tiến sĩ cộng tên cá nhân (ví dụ như họ gọi tôi là Tiến sĩ Long) để thể hiện sự tôn trọng.

Vậy một người khi tốt nghiệp với tấm bằng tiến sĩ trong tay, họ sẽ làm gì ở các trường đại học (có thể có nhiều cơ sở giáo dục, vụ, viện nghiên cứu - gọi tắt là trường đại học)?

Thị trường lao động luôn tấp nập cho mọi chủ thể, ở các cấp độ khác nhau, tham gia để đạt được mong muốn về công việc, phụ thuộc vào chất lượng bằng cấp, khả năng kiến thức, và sự linh hoạt của những thành viên tham gia thị trường, trong đó có các tiến sĩ mới tốt nghiệp.

Thị trường lao động hiện nay được cấu trúc rất đơn giản, không cần những toà nhà cao tầng bằng vôi vữa, mà chỉ là một website, có sự kết nối giữa những trường đại học cần tuyển giảng viên, và những người muốn làm việc cho các trường đại học, trong đó có các tân tiến sĩ. Mọi thông tin tuyển dụng đều được post lên website này, để cung cầu gặp nhau.

Các hồ sơ tuyển dụng chủ yếu là khai báo qua website, khi một trường đại học nào đó nhận các hồ sơ điện tử này, họ sẽ sàng lọc, chọn khoảng 10 hồ sơ chất lượng để tiến hành phỏng vấn qua phone hay các ứng dụng trực tuyến, để rồi chốt lại khoảng 3 hay 4 ứng viên được mời đến tận trường phỏng vấn. Sau cùng, một quá trình tương tác đầy đủ để chọn ra ứng viên phù hợp nhất.

Khi ứng viên cuối cùng được chọn làm việc cho trường, người này ngay lập tức được gọi là Assistant Professor, cái mà người Việt Nam hay dịch là trợ lý Giáo Sư. Thực ra dịch như thế rất dễ tạo ra sự hiểu lầm, đó là giảng viên mới này phải đi “trợ lý” cho các Giáo Sư.

Thực tế là bình đẳng như nhau, không ai phải "trợ" ai cả, vì cùng bằng cấp cao nhất là tiến sĩ rồi. Các quá trình chính trị, tương tác, và nhạy cảm giúp người cũ hay mới có thể hợp, chơi, hay cộng tác với nhau về khoa học hay không.

Thông thường, lương của những Assistant Professor cao hơn mặt bằng chung trong khoa, vì thời điểm tuyển dụng là theo tín hiệu của thị trường hiện tại, và giá cả của các thị trường luôn có xu hướng tăng. Chính vì vậy, không có gì là ngạc nhiên, nếu các Assistant Professor có lương cao hơn hoặc ngang bằng các Associate Professor (Phó Giáo sư) hay Full Professor (Giáo sư).

Tuy nhiên, đây là một sự tương tác chính trị nhạy cảm, đòi hỏi sự khéo léo của các hiệu trưởng để đảm bảo rằng mọi thứ diễn ra êm đẹp, và tất nhiên còn phụ thuộc vào ngân sách được duyệt cho từng vị trí tuyển dụng.

Sau 6 năm, nếu không có gì biến động, các Assistant Professor được vào biên chế và lên Associate Professor. Ở đây mang tính chất nhị phân, Yes or No, tức là được thì ở hay không được thì đi.

Vậy chúng ta thấy rằng kể từ lúc có bằng tiến sĩ cho tới khi lên Associate Professor cần 6 năm, không lên được là buộc phải ra đi. Và về lý thuyết, các Associate Professor cần 3 năm để lên Full Professor.

Nhiều trường hợp các Assistant Professor không cần lên Associate Professor mà bỏ luôn Trường, ra thị trường lao động, kiếm một Trường khác để nộp hồ sơ, tiếp tục làm Assistant Professor thêm một vài năm, nhưng lương cao hơn. Tương tự, các Associate Professor hay Full Professor có thể không làm việc cho Trường hiện tại, ra thị trường lao động tìm việc ở Trường khác với lương cao hơn.

Khi họ đến Trường khác, có thể họ bắt đầu lại là Assistant Professor hay Asociate Professor, hay vẫn là Full Professor, tuỳ thuộc vào chính sách của Trường mới và quá trình đàm phán giữa các bên.

Tóm lại, tiến sĩ là bằng cấp cao nhất. Về cơ bản, không có sự khác biệt giữa Assistant Professor, Associate Professor, và Full Professor về các điều kiện quy định giảng dạy bao nhiêu lớp, hay bao nhiêu bài báo trong một năm. Các quá trình tương tác chính trị đủ để giúp họ có thể hợp tác được với nhau không.

Thị trường lao động luôn nhộn nhịp, ngày hôm nay anh là Full Professor/Associate Professor, ngày mai anh có thể là Associate Professor/Assistant Professor, hay vẫn “giữ nguyên”. Cung cầu trong một trường đại học, và trên thị trường lao động sẽ phát tín hiệu ai cần ai.

Hãy dỡ bỏ quy định lương tuyến tính, tiến tới đi theo tín hiệu thị trường, và có thể không xa, việc xét danh hiệu Phó Giáo sư/ Giáo sư nên đưa về các cơ sở đào tạo; ngày hôm nay họ là Assistant Professor, ngày mai họ có thể là Associate Professor hay Full Professor. Tương tự, nhiều người là Full Professor/Associate Professor, ngày mai sang trường khác là Associate Professor/Assistant Professor cũng là chuyện bình thường mà thôi!

Tiến sĩ Phạm Long