Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sự cần thiết để lập quy hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải rằng, cùng với quá trình đổi mới của đất nước, giáo dục đại học Việt Nam đã từng bước phát triển rõ rệt về quy mô thể hiện qua tỉ lệ dân số có trình độ đại học trở lên tăng mạnh, gấp hơn hai lần so với năm 2009 (năm 2009: 4,4%), đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, nguồn lực xã hội được huy động nhiều hơn và đạt được nhiều kết quả tích cực (số lượng trường tư thục tăng từ 46 lên 66 trường giai đoạn 2010-2020).
Ngoài ra, số công bố khoa học quốc tế tăng mạnh (số lượng các bài báo khoa học trên WoS tăng từ 2.107 năm 2016 lên 7.502 năm 2020 (tăng 3,56 lần), chiếm 69,1% tổng số bài báo WoS của các nước; số lượng bài báo công bố trên tạp chí SCOPUS tăng từ 4.735 năm 2016 lên 19.888 năm 2020 (tăng 4,20 lần), chiếm 92,4% số bài báo SCOPUS của các nước; trong giai đoạn 2009 - 2015 số lượng công bố quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học không nhiều).
Ảnh minh họa: Linh An |
Đặc biệt, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2009, số giảng viên đại học, cao đẳng: 61.190, giảng viên có trình độ tiến sĩ 6.217 người; giáo sư, phó giáo sư 2.286 người; số liệu tương ứng của năm 2020 (không bao gồm giảng viên tại các trường cao đẳng, trừ trường cao đẳng sư phạm): 73.132, 21.977 và 4.865.
Như vậy, số lượng giảng viên tăng 1,19 lần trong khi số lượng tiến sĩ tăng 3,53 lần và số giáo sư, phó giáo sư tăng 2,12 lần, chất lượng đào tạo được nâng cao, mở rộng cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học … cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng và hội nhập kinh tế quốc tế.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hệ thống giáo dục đại học hiện nay phát triển chưa đồng đều (quy mô tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học và tương ứng là quy mô đào tạo rất khác nhau; chất lượng thể hiện ở xếp hạng quốc tế cũng rất khác nhau), vẫn còn rất nhiều cơ sở giáo dục đại học quy mô nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp và hoạt động kém hiệu quả; nhiều cơ sở giáo dục đại học không mở rộng, phát triển được theo định hướng chiến lược mà nhà trường đã đặt ra.
Thị trường giáo dục đại học chưa được điều tiết ở tầm vĩ mô, nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa xác định rõ vai trò, vị trí; phần lớn cơ sở giáo dục đại học chưa xác định được chiến lược phát triển nhà trường một cách rõ ràng; hệ thống các cơ sở giáo dục đại học chưa được phân loại rõ ràng; vai trò dẫn dắt của các đại học quốc gia, đại học vùng chưa rõ nét. Mô hình quản lý của cơ quan nhà nước thiếu thống nhất và phân mảnh (trực thuộc nhiều bộ, ngành, địa phương).
Các viện nghiên cứu khoa học còn đang vận hành và hoạt động độc lập với hệ thống cơ sở giáo dục đại học. Tồn tại sự bất bình đẳng, thiếu minh bạch trong cơ chế chính sách, phân bổ nguồn lực nhà nước (giữa trường đại học công lập và trường đại học tư thục; giữa các trường đại học công lập; giữa các trường đại học thuộc các bộ ngành khác nhau; trường đại học tự chủ với trường chưa tự chủ…); hiệu quả đầu tư cho giáo dục đại học chưa cao; không có hoặc động lực cạnh tranh trong hệ thống giáo dục đại học còn yếu.
Một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 đã được Đảng xác định là tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.
Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đề ra định hướng phát triển giáo dục: đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hoá và thay đổi phương thức giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học; phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt rõ mục tiêu cho giáo dục đại học “Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỉ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%”.
Trong bối cảnh đó, để mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm được củng cố, phát triển đồng bộ và hiện đại; có quy mô và cơ cấu đào tạo phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, chất lượng và hiệu quả được nâng cao, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu học đại học của người dân và yêu cầu nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Đặc biệt là để hiện thực hoá các chủ trương của Đảng và góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam”, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của mạng lưới cơ sở giáo dục đại học hiện tại cần thiết phải xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.