Hiệu trưởng cấp 2 Phù Lưu Tế: "Trường không dám, không thể khuất tất điều gì"

05/11/2020 06:01
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà trường nói tự nguyện nhưng sao phụ huynh lại được thông báo là đóng 300.000 đồng/học sinh với khoản quỹ phụ huynh, 250.000 đồng/ học sinh tiền lắp camera?

Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Hiệu trưởng cấp 2 Phù Lưu Tế nói phụ huynh muốn lắp camera nên tự huy động tiền” vào sáng ngày 4/11/2020, ngay sau đó, một số phụ huynh của trường đã gửi bảng ghi chép các khoản tiền tạm thu của trường Trung học cơ sở Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội).

Theo bảng ghi chép bằng tay của phụ huynh, quỹ phụ huynh thu 300.000 đồng. Khoản này theo phụ huynh thì tại cuộc họp phụ huynh, họ được thông tin là khoản thu của trường trong năm học 2019-2020.

"Nhà trường nói tự nguyện nhưng sao phụ huynh lại được thông báo là đóng 300.000 đồng/học sinh với khoản quỹ phụ huynh, 250.000 đồng/ học sinh tiền lắp camera", một phụ huynh trường Trung học cơ sở Phù Lưu Tế nói. Các khoản thu phụ huynh ghi chép đượ ra giấy. Ảnh: PHCC

"Nhà trường nói tự nguyện nhưng sao phụ huynh lại được thông báo là đóng 300.000 đồng/học sinh với khoản quỹ phụ huynh, 250.000 đồng/ học sinh tiền lắp camera", một phụ huynh trường Trung học cơ sở Phù Lưu Tế nói. Các khoản thu phụ huynh ghi chép đượ ra giấy. Ảnh: PHCC

Vị phụ huynh này cho rằng, dù nhà trường nói tự nguyện không ép buộc nhưng sao phụ huynh lại được thông báo là đóng 300.000/học sinh với khoản quỹ phụ huynh, 250.000 đồng học sinh tiền lắp camera! "Đó rõ ràng là phân bổ đầu học sinh chứ không phải là tự nguyện", vị phụ huynh này chia sẻ.

Ngoài ra, theo bảng ghi chép này, còn có 2 khoản thu đáng chú ý là 250.000 đồng tiền lắp máy chiếu và 2.100.000 đồng tiền học thêm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Kiều Thị Ngọc Yến, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phù Lưu Tế cho rằng: "Khoản thu này được ban phụ huynh học sinh triển khai cùng hội nghị họp phụ huynh học sinh đầu năm. Số tiền mà phụ huynh học sinh phản ánh có thể do khi đi họp đầu năm, phụ huynh có thói quen ghi tổng tất cả các khoản thu theo quy định và cả các khoản dự kiến phát động của ban phụ huynh học sinh lại với nhau.

Khi nhà trường quán triệt rõ các khoản theo quy định là nhà trường thu còn các khoản tự nguyện là hoàn toàn do ban phụ huynh thu thì có thể phụ huynh học sinh không để ý nên nghĩ là nhà trường thu tất cả.

Nhà trường khẳng định chỉ thu các khoản quy định (bảo hiểm ý tế, học phí) và các khoản thỏa thuận tạm thu (học thêm, tiền nước) sẽ quyết toán cuối năm nếu thừa.

Ví dụ năm học trước nghỉ dịch Covid -19, cuối năm nhà trường đã thanh toán trả lại tiền thừa học thêm, học phí. Các khoản phụ huynh học sinh huy động cũng thanh quyết toán trong các kỳ họp phụ huynh học sinh. Về các khoản phụ huynh học sinh quản lý thu chi, hôm qua (ngày 3/11 - phóng viên), tôi có hỏi ban phụ huynh học sinh, họ thông báo là không ép buộc phụ huynh học sinh nào và hiện tại cũng chưa huy động được nhiều”.

Cũng theo danh sách các khoản thu mà phụ huynh học sinh gửi có khoản 250.000 đồng tiền lắp máy chiếu. Khi phóng viên hỏi khoản này trường thu hay ban phụ huynh thu?

Cô Kiều Thị Ngọc Yến cho biết: “Trường không thu đồng nào tiền máy chiếu. Máy chiếu một số lớp lắp cũng do phụ huynh học sinh có điều kiện của từng lớp lắp, có lớp có, có lớp không. Có người ủng hộ nhiều, người ủng hộ ít, nhiều người cũng không có điều kiện ủng hộ.

Trường đã được xây dựng nhưng chưa được đầu tư thiết bị, nhà trường chưa có điều kiện mua máy chiếu cho các lớp, giáo viên vẫn phải dạy chay nhiều. Khi họp phụ huynh, một số lớp phụ huynh học sinh muốn đầu tư cho lớp của con họ có điều kiện hơn trong học tập nên bảo nhau đầu tư.

Nói chung, ở góc độ nhà trường đều rất công khai, những năm gần đây trường cố gắng rất nhiều trong hoạt động cũng nhờ có lực lượng phụ huynh học sinh ủng hộ. Người hưởng lợi khi trường có điều kiện hơn chính là học sinh. Mọi việc của trường, ban phụ huynh học sinh nhà trường đều rất quan tâm và đồng hành, nhà trường không dám và không thể khuất tất điều gì”.

Phóng viên đã liên hệ với ông Lê Văn Hiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức về khoản thu 250.000 tiền camera có phải thiết bị nằm trong danh mục cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý không?

Ông Lê Văn Hiến cho biết: “Cái này là do từng cơ sở phụ huynh đề xuất để quản lý nề nếp của học sinh, còn về quan điểm của Phòng là không chỉ đạo về vấn đề đó. Về góc độ thu góp, Phòng đã chỉ đạo bằng văn bản của huyện, còn dưới trường họ có thể để xuất cái này cái kia thì đó là do phụ huynh với nhà trường”.

Về khoản 250.000 đồng tiền lắp máy chiếu, khi được hỏi quan điểm của Phòng như thế nào, ông Lê Văn Hiến nói: “Quan điểm của Phòng là chỉ đạo theo đúng văn bản mà huyện đã ký và đã chuyển về các đơn vị trường, còn các đơn vị trường làm như thế nào là việc của các đơn vị trường với phụ huynh. Nếu phụ huynh đồng thuận và có sự chia sẻ thì đấy là việc của phụ huynh với hiệu trưởng còn Phòng không chỉ đạo gì cả”.

7 khoản tiền ban đại diện phụ huynh không được thu

Để hướng dẫn, tăng cường công tác quản lý thu chi, trong năm học 2020 – 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra Văn bản số 2687/SGDĐT- KHTC. Đáng chú ý, theo Văn bản số 2687/SGDĐT- KHTC có 7 khoản ban đại diện phụ huynh học sinh không được thu gồm: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện giao thông của học sinh; vệ sinh trường, lớp; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Đình Hùng