Trường Đại học Hạ Long (Ha Long University) là trường công lập, trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Ngay từ khi thành lập Tỉnh Quảng Ninh, đã định hướng cho sự phát triển của nhà trường là đại học ứng dụng theo hướng đa ngành, cung cấp nhân lực chất lượng cao phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển theo định hướng đại học ứng dụng, năm học 2022-2023, Trường Đại học Hạ Long mở thêm 3 mã ngành đại học mới là Văn học - Báo chí - Truyền thông, Quản trị kinh doanh và Thiết kế đồ họa.
Đặc biệt, từ năm 2023, Trường Đại học Hạ Long tuyển sinh 3 ngành thạc sĩ: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Khoa học máy tính (Trí tuệ nhân tạo ứng dụng), Ngôn ngữ Anh. Việc tuyển sinh đào tạo thạc sĩ sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Quảng Ninh của nhà trường.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp chia sẻ về điểm mới trong công tác tuyển sinh của Trường Đại học Hạ Long (Ảnh: Phạm Linh) |
Năm 2023, Trường Đại học Hạ Long tuyển 90 chỉ tiêu thạc sĩ ở các ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Khoa học máy tính, Ngôn ngữ anh và 1655 chỉ tiêu với 17 ngành hệ đại học chính quy (ngoài ra nhà trường còn tuyển sinh 340 chỉ tiêu các hệ đào tạo khác).
Chia sẻ về công tác tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Hạ Long, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho biết: “Thời gian qua, kể cả quãng thời gian dịch bệnh Covid căng thẳng thì nhà trường vẫn chú ý đầu tư cơ sở vật chất; phát triển đội ngũ; rà soát, cập nhật chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; kiểm định chương trình đào tạo.
Những việc đó là cơ sở để nhà trường được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tự chủ trong phát triển quy mô đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực. Bên cạnh đó, trường đã chú ý sử dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Trong nhiều chính sách hỗ trợ lớn của tỉnh Quảng Ninh dành cho Trường Đại học Hạ Long thì chính sách hỗ trợ sinh viên được đánh giá là ấn tượng.
Theo thầy Tiệp, hiện nay, sinh viên các ngành du lịch, dịch vụ nói riêng và một số ngành khác của nhà trường đang được hưởng những chính sách ưu đãi, học bổng rất cao của tỉnh Quảng Ninh, có giá trị lên đến 250 triệu đồng/toàn khóa học/1 sinh viên.
Theo số liệu thống kê của nhà trường, chính sách ưu đãi, học bổng này thời gian qua đã góp phần làm tăng số lượng và chất lượng sinh viên ở cả đầu vào và đầu ra, góp phần giải tỏa cơn khát nhân lực du lịch của địa phương và khu vực.
Mặt khác, lĩnh vực đào tạo du lịch, dịch vụ được nhà trường xác định là lĩnh vực mũi nhọn, nhà trường đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, liên kết đào tạo quốc tế, hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu.
Đồng thời, phát triển chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm mục tiêu đưa Trường Đại học Hạ Long trở thành đơn vị đào tạo du lịch dịch vụ số 1 của Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy mô đào tạo sau đại học khối ngành STEM ở mức rất thấp và có xu hướng ngày càng giảm, vậy vì sao Trường Đại học Hạ Long vẫn quyết định mở ngành Khoa học máy tính, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp cho biết: “Những ngành nghề có tính khoa học, kĩ thuật, công nghệ tuy ít sức hấp dẫn giới trẻ nhưng là những ngành nền tảng, quan trọng cho sự phát triển khoa học, công nghệ của quốc gia, địa phương. Đặc biệt trong thời đại 4.0, trí tuệ nhân tạo, công nghệ vạn vật càng cần nguồn nhân lực lớn.
Nhà trường quyết tâm theo đuổi các ngành công nghệ, kĩ thuật với niềm tin đó và sẽ tiếp tục truyền niềm tin đó cho sinh viên, đồng hành cùng sinh viên, học viên.
Ngoài ra, khối các ngành công nghệ, kĩ thuật là một trong các lĩnh vực đào tạo phù hợp với định hướng phát triển lâu dài là trường đại học đa ngành của nhà trường”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp cho biết thêm, hiện đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Hạ Long hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu về mở ngành, duy trì ngành đào tạo đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, nhà trường có một lực lượng giảng viên thỉnh giảng phong phú đến từ các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và quốc tế. Chi phí cho đội ngũ giảng viên thỉnh giảng này được thực hiện theo chế độ chính sách đặc biệt hấp dẫn của tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, Trường Đại học Hạ Long hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí để tuyển sinh đào tạo hệ thạc sĩ.
Trường Đại học Hạ Long mở thêm mã ngành, tuyển sinh đào tạo thạc sĩ nhằm hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (Ảnh: Phạm Linh) |
Khi được đặt câu hỏi về việc hiện nay, nhiều người đánh giá chương trình cử nhân đang có nhiều chính sách ưu đãi, học bổng còn hệ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ thì rất ít. Vì lẽ đó, nhiều cử nhân không có nhu cầu học lên thạc sĩ, tiến sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp chia sẻ quan điểm: “Theo tôi nhiều cử nhân không có nhu cầu học lên thạc sĩ, tiến sĩ vì không có chính sách ưu đãi, học bổng đối với các trình độ này là không đúng.
Số lượng và nhu cầu người học ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nhiều hay ít phụ thuộc vào nhu cầu xã hội với các trình độ này.
Có những ngành nghề như giáo dục đại học chẳng hạn sẽ có nhu cầu nhân lực trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cao, nhưng có những ngành nghề nhân lực có trình độ cử nhân đã được xem là trình độ cao.
Ngoài ra, đa số các vị trí công việc yêu cầu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ có mức thu nhập chưa tương xứng với với công sức, thời gian, kinh phí phải bỏ ra để học tập ở các trình độ này.
Có lẽ đó mới là những nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều cử nhân không có nhu cầu học lên thạc sĩ, tiến sĩ".
Thầy Tiệp thông tin, hiện tại, mức học phí đào tạo trình độ thạc sĩ của Trường Đại học Hạ Long được đánh giá khá dễ chịu với người học, không thuộc nhóm học phí cao.
Trước mắt, Trường Đại học Hạ Long không có chính sách ưu đãi, học bổng đối với người học trình độ thạc sĩ. Trong tương lai tùy vào tình hình thực tế chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này.
Tuy nhiên, riêng đối với cán bộ giảng viên nhà trường ở những vị trí công việc cần có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp, chúng tôi có nhiều chính sách hỗ trợ, nhằm khuyến khích cán bộ giảng viên đi học tập, nâng cao trình độ để phục vụ nhà trường”.