Hiệu trưởng mong có hướng dẫn việc chuyển trường, chuyển lớp ở CTGDPT mới

15/11/2022 06:40
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Việc đạt mục tiêu triển khai chương trình mới càng khó khăn khi các trường thiếu trang thiết bị; tính định mức giờ dạy cho giáo viên còn vướng mắc. 

Học kỳ I năm học 2022-2023 đã đi được nửa chặng đường nhưng nhiều trường vẫn chưa được trang cấp đầy đủ thiết bị phục vụ dạy và học chương trình mới. Bên cạnh đó, việc thực hiện một số chính sách còn nhiều vướng mắc.

Trường tự lo kinh phí mua sắm hóa chất, thầy cô đẽo từng khẩu súng gỗ

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị hiệu trưởng của một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, việc thiếu trang thiết bị dạy học cũng đang là vấn đề khó khăn đối với nhà trường hiện nay nhất là dạy cho các lớp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Hiện giáo viên gặp nhiều khó khăn khi triển khai dạy học chương trình mới, một phần do thiếu giáo viên, một phần do không đủ thiết bị dạy học. Đặc biệt với các phòng học chuyên biệt, trường không có nên phải sử dụng tạm các phòng học chính.

Học kỳ I của năm học 2022-2023 đã đi được gần nửa chặng đường, thiếu thiết bị dạy học vẫn là khó khăn của trường, thầy cô. Do đó, mong muốn là sẽ được cấp sớm trang thiết bị dạy học tương ứng để giáo viên đỡ vất vả khi phải vừa lo dạy kiến thức, vừa lo chuẩn bị đồ dùng học tập”, vị này cho biết.

Cũng trong tình trạng thiếu dụng cụ dạy học, theo ghi nhận của phóng viên, những ngày qua, tại Trường Trung học phổ thông Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) hàng chục khẩu súng gỗ được làm bởi đôi bàn tay khéo léo của các giáo viên nhà trường. Mục đích của những khẩu súng gỗ là để thay thế mô hình súng Aka tháo lắp được.

Thầy Nguyễn Văn Hanh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Website Nhà trường).

Thầy Nguyễn Văn Hanh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Website Nhà trường).

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Hanh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Yên cho biết: “Hiện môn học nào nhà trường cũng thiếu một số lượng nhất định các trang thiết bị. Mỗi một danh mục trang thiết bị dùng cho nhiều môn, mỗi môn có rất nhiều bài, và trong mỗi bài lại có những nội dung cần sử dụng đến thiết bị dạy học khác nhau.

Với những môn còn thiếu thiết bị dạy học, chủ yếu hiện nay giáo viên phải tự làm. Còn việc huy động nguồn xã hội hóa thì lại phải theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT, các quy định khá cầu kỳ nên nhà trường không tiến hành được”.

Thầy Hanh lấy ví dụ với môn Giáo dục Quốc phòng An ninh, do số lượng súng được cấp không đáp ứng được nên trường phải huy động giáo viên tự sáng chế súng gỗ.

“Hiện nhà trường có hơn chục khẩu súng gỗ và các thầy vẫn đang tiếp tục tranh thủ làm ngoài giờ lên lớp thì mới đủ thiết bị dạy học được”, thầy Hanh chia sẻ.

Chia sẻ về “phát minh” này, thầy Đàm Thái, giáo viên của Trường Trung học phổ thông Hàm Yên nói, súng này được sáng chế nhằm không để học sinh phải học chay ở bộ môn Giáo dục Quốc phòng An ninh. Từng khẩu súng được đục đẽo, cắt gọt kỳ công nhưng cũng chỉ sử dụng tạm thời, phù hợp với một số ít nội dung tiết học.

Nhiều nội dung tháo, lắp súng tiểu liên Aka, kỹ thuật ngắm bắn súng (có thước ngắm) thì súng gỗ không thể làm được mà chỉ áp dụng vào những bài học vận động ngoài chiến trường, động tác đơn giản như mang súng, xuống súng, đeo súng, treo súng…

Ngoài ra, cũng theo thầy hiệu trưởng, phòng thực hành Tin học được thầy cô quyên góp, mỗi người một tay nhưng vẫn còn thiếu nhiều thiết bị máy tính. Riêng các hóa chất phục vụ môn Hóa học, nhà trường không để giáo viên tự trang bị mà sẽ trích quỹ kinh phí của trường để mua. Bởi số tiền mua sắm các loại hóa chất, cũng như dụng cụ đi kèm phục vụ môn Hóa học rất tốn kém nên không thể yêu cầu hay ép buộc giáo viên phải chuẩn bị.

Còn gặp khó khi tính thêm giờ cho giáo viên

Chia sẻ về thực tế triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy Hanh cho rằng, chương trình mới có điểm nổi bật vượt trội đó là tạo cơ hội cho học sinh phát huy thế mạnh năng lực bản thân. Các em có thể thi nhiều môn, nhiều khối cùng một lúc để xét tuyển đại học.

Song, khó khăn mấu chốt là với những môn mà học sinh lựa chọn để học thì mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp như thế nào, ôn tập ra sao để có kết quả cao nhất. Do chưa được hướng dẫn cụ thể nên hiện cả giáo viên, học sinh và phụ huynh vừa học vừa lo.

Ngoài ra, việc áp dụng chính sách tính tiền lương dạy thêm giờ cho giáo viên vẫn chưa rõ ràng khiến nhà trường thêm lúng túng.

Để tạo thuận lợi thực hiện nhiệm vụ năm học, thầy Hanh đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, sớm cấp phát trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất; phòng học bộ môn được quan tâm đầu tư hơn. Đồng thời, bổ sung đầy đủ đội ngũ giáo viên.

Hiện, trường không chỉ thiếu thiết bị, phòng học mà còn thiếu giáo viên, nhân viên. Năm học này, toàn trường có 1.255 học sinh. Chỉ tiêu biên chế được giao là 70 giáo viên, nhưng trường mới chỉ có 64, còn thiếu 6 giáo viên. Do đó, giáo viên sẽ dạy tăng số tiết, có giáo viên dạy 20 tiết/tuần, nhất là Tiếng Anh, Ngữ văn.

Ngoài ra, trường vẫn phải thuê nhân viên kế toán ở ngoài nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.

Hai là, có mục tiêu rõ ràng về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đối với chương trình mới để học sinh lựa chọn môn học ngay từ khi lên lớp 10.

Ba là, hệ thống văn bản hướng dẫn việc chuyển trường, chuyển lớp cần rõ ràng.

Thầy Hanh chỉ ra trường hợp khó xử lý do không có văn bản hướng dẫn cụ thể việc học sinh chuyển trường, chuyển lớp. Cụ thể, lấy ví dụ, một học sinh ở trường A chuyển sang trường B nhưng bị lệch môn thì phải làm như thế nào, xếp học sinh vào lớp nào, đánh giá học sinh ra sao? Những điều này hiện nay chưa được làm rõ.

Bốn là, xem xét có quy định cho phép 1 giáo viên được dạy theo cụm trường.

“Có những bộ môn trong chương trình mới vốn không phải truyền thống dạy học ở cấp 3, tỷ lệ học sinh đăng ký ít như Âm nhạc, Mỹ thuật thường là 10-20% học sinh khối 10 (tương đương 2 lớp). Khi một trường có 2 lớp thì không thể bố trí 1 giáo viên nhạc họa giảng dạy được.

Đầu năm học này, sau khi tổng hợp kết quả đăng ký môn học, trường cũng có 2 lớp học sinh mong muốn học môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Tuy nhiên do không có giáo viên nên trường phải làm công tác tư tưởng, động viên học sinh, phụ huynh đăng ký môn học theo tình hình thực tế của nhà trường. Điều này cũng khá thiệt thòi cho học sinh”, thầy Hanh chia sẻ.

Năm là, cần ấn định chính sách dạy tăng giờ cho giáo viên theo số tuần định mức là 35 tuần hay 37 tuần.

Về vướng mắc này, thầy Hanh cho biết: “Theo tôi được biết, việc thực hiện tính thêm giờ khi dạy quá định mức giờ dạy/năm của giáo viên chưa có sự thống nhất. Cụ thể, có địa phương thì tính 35 tuần, có địa phương lại tính 37 tuần.

Nhà trường đang tính định mức 37 tuần, trong đó 35 tuần giảng dạy và 2 tuần hoạt động tập thể.

Với những giáo viên dạy quá 17 tiết/ tuần, những tuần hoạt động tập thể giáo viên đi dạy thật, thừa giờ nhưng lại không được tính định mức".

Ngoài ra, còn một điều chưa rõ ràng đó là nội dung trải nghiệm hướng nghiệp có 3 tiết/tuần, trong đó chứa 2 tiết chào cờ và sinh hoạt. Trong các cuộc họp trao đổi, lúc thì báo cáo viên của Bộ ý kiến là 2 tiết này được tính định mức, lúc thì lại không được tính. "Do đó, chúng tôi cũng không biết là được tính hay không được tính. Nếu trường hợp không được tính thì chúng tôi sẽ bị thiệt. Do đó, trường mong có quy định chung để không gặp khó trong quá trình thực hiện”, thầy Hanh chia sẻ vướng mắc.

Ngọc Mai