Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài đội ngũ giáo viên đóng vai trò nòng cốt thì hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn là yếu tố tạo động lực giúp học sinh có cơ hội được “tai nghe, mắt thấy”, kết hợp học đi đôi với hành.
Song, năm học 2022-2023 đã triển khai được nửa học kỳ I, nhưng hầu hết các trường ở một số địa phương chưa được cấp phát đầy đủ thiết bị, dụng cụ dạy học chương trình mới. Trên thực tế, từ khâu báo cáo, khảo sát tới mua sắm, phân phối trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chương trình mới về các trường học vẫn còn là một hành trình rất dài.
Không đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là nỗi lo của các trường
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị hiệu trưởng của trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chia sẻ khó khăn mà nhà trường đang gặp phải: “Từ đầu năm học đến nay, nhà trường thiếu thiết bị dạy học cho chương trình mới. Như môn Giáo dục Quốc phòng An ninh, trường xoay sở bằng cách sử dụng triệt để những thiết bị dạy học cũ. Tuy nhiên, số lượng thiết bị như súng, quân tư trang... không đủ để đảm bảo cho tất cả học sinh đều được tham gia thực hành.
Ngoài ra, môn Hóa học, môn Sinh học cũng thiếu nhiều thiết bị, dụng cụ phục vụ giảng dạy, nên giáo viên chủ yếu cho các em học sinh xem hình ảnh, hướng dẫn thực hành thông qua các video được phát trên hệ thống tivi trang bị trong lớp chứ không tận tay làm thí nghiệm.
Song, dù là được xem, nhận biết màu sắc, phản ứng hóa học diễn ra như thế nào nhưng vẫn chỉ là lý thuyết, không thể so bằng với việc các em được cầm, nắm như lúc tự thực hành. Cách học hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đào tạo theo quy định”.
Giờ học trực tuyến kết nối các điểm cầu của học sinh một trường trung học phổ thông tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang). |
Thiếu thiết bị dạy học cũng gây khó khăn cho giáo viên cấp tiểu học. Chia sẻ về điều này, một giáo viên dạy lớp 3, trường tiểu học ở ngoại thành Hà Nội so sánh: “Ở cấp tiểu học, đối với lớp 3, khi triển khai chương trình mới, nếu có bộ đồ dùng thiết bị dạy học thì giáo viên, học sinh sẽ rất thuận lợi. Thế nhưng, do không có, các giáo viên phải tái hiện theo lối thủ công. Cách làm này chẳng khác nào so với chương trình cũ mà giáo viên đã thực hiện mấy chục năm nay. Việc giảng dạy cũng chính vì thế mà tốn nhiều thời gian. Vất vả cho giáo viên là buộc họ phải chủ động, nhẫn nại, kiên trì và đầu tư, sáng tạo hơn trong quá trình dạy học”.
Tương tự, chia sẻ về việc triển khai chương trình mới, thầy Nông Quốc Duy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Sơn Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cho biết: “Khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai dạy và học chương trình mới do thiếu thiết bị dạy học là điều không thể tránh khỏi. Trường cũng đã tiến hành thống kê và báo cáo Sở. Tinh thần chung là có cái gì, dùng cái đó, chủ động khắc phục trong khả năng".
Thầy Nông Quốc Duy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Sơn Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). (Ảnh: website Trường Trường Trung học phổ thông Sơn Dương). |
Cũng theo thầy Duy, nhà trường không được tự chủ trong vấn đề mua sắm, chuẩn bị trang thiết bị. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã tiến hành rà soát các trường nói chung và nhà trường nói riêng để tổng hợp báo cáo.
Theo đó, đối với môn Hóa học, những hóa chất hết hạn sử dụng, chất độc hại, nguy hiểm như axit để lâu không đảm bảo chất lượng thì trường liệt kê, đề xuất trong báo cáo để Sở hướng dẫn, kết nối đơn vị tiến hành tiêu hủy do trường không tự xử lý được.
Trước tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học, thầy Duy cho biết: “Hiện giờ trường mới đang làm đề nghị với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh để tìm biện pháp khắc phục. Đây cũng là vấn đề được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm nhất nên chỉ đạo rất sát sao từ đầu năm học. Song, cũng phải phát huy tính chủ động, vươn lên của mỗi trường, những khó khăn nào nhà trường tự giải quyết được thì sẽ tích cực làm.
Tuy nhiên, ví dụ như, việc trang bị màn hình ti vi, bảng tương tác thông minh tốn kém vài chục, vài trăm triệu để phục vụ quá trình dạy học thì trường không thể tự mua được. Hay việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ dạy học, trường không được tự chủ”.
Được cấp trang thiết bị về trường còn là hành trình dài
Cùng bàn về những khó khăn khi thiếu thiết bị dạy học, phó hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở, trung học phổ thông của một huyện thuộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện phòng máy tính của trường có tiền sử từ những năm 2007, 2008. Đến nay, nhiều máy bộ máy tính đã hỏng. Có 7 bộ máy đang được sử dụng nhưng thường xuyên phải cập nhật lại phần mềm, hoạt động chậm chạp, không đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Theo vị này, từ khi trường thành lập, cơ sở vật chất chủ yếu sử dụng của trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở nên còn thiếu rất nhiều thiết bị, nhất là đối với cấp trung học phổ thông.
“Với những thiết bị đã được trang cấp, trường cố gắng tận dụng triệt để. Còn những môn học buộc phải thực hành, thí nghiệm thì sẽ linh hoạt bố trí, ưu tiên tính chủ động sáng tạo của giáo viên.
Đơn cử như môn Sinh học, giáo viên phải tự đầu tư, chuẩn bị dụng cụ để sao cho đảm bảo chất lượng thực hành trực quan, sinh động. Ví dụ, trong tiết học về hạt giống, lai tạo giống cây, giáo viên tự tìm phương án để tiến hành hướng dẫn thí nghiệm cho học sinh.
Đặc biệt, trong năm học 2022-2023, môn Giáo dục Quốc phòng An ninh là môn học bắt buộc, do dụng cụ thực hành thiếu nên trường tính đến phương án sử dụng thiết bị mô hình bằng gỗ như: lựu đạn gỗ", phó hiệu trưởng chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề thiếu thiết bị dạy học, cũng theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, Sở đã tham mưu với các ban, ngành để cân đối, bố trí vốn ngân sách thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt để đầu tư mua sắm thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất. Cụ thể, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mua sắm trang thiết bị phòng học Tin học cho các trường.
Đồng thời, bố trí quỹ đất cho việc mở rộng trường, điểm trường, phát triển trường ngoài công lập để đảm bảo cho việc phát triển giáo dục ổn định, lâu dài, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Có thể thấy, trên thực tế, từ các khâu báo cáo, khảo sát tới mua sắm rồi mới phân phối về các trường học vẫn là một hành trình rất dài. Do vậy, nếu cứ chờ đợi được cấp trang thiết bị dạy học thì không biết các trường sẽ còn phải chờ đến bao giờ, việc học cũng do đó mà lỡ dở, thiệt thòi nhất vẫn là học sinh, vất vả nhất vẫn là giáo viên.
Ngoài ra, qua chia sẻ của một số lãnh đạo trường học, thiếu phòng học, nhà hiệu bộ có dấu hiện xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm chưa được quan tâm sửa chữa cũng là một trong những nỗi lo lắng, trăn trở. Do vậy, mong muốn chung của các trường là sớm được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu trên tinh thần nói không với học chay, dạy chay, lý thuyết xa rời thực tiễn, đồng thời, nhận được sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, xây dựng phòng học đáp ứng yêu cầu dạy và học.