Hiệu trưởng mong GV mầm non vùng cao được cải thiện mức tiền lương để trang trải

17/04/2023 06:38
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Ngoài chi tiêu cho cuộc sống cá nhân, hầu hết giáo viên mầm non còn phải gửi tiền về quê nuôi con, chăm lo cho gia đình", cô Quyên chia sẻ.

Trường Mầm non Thượng Phùng là một trong ba đơn vị trường học đóng chân ở trên địa bàn xã biên giới Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) – nơi có hơn 90% dân số là dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Đến đây, tôi được nghe chia sẻ của cô giáo Phan Thị Lệ Quyên, sinh năm 1985, quê gốc ở huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) nhưng bén duyên với nghề giáo và làm việc ở huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) từ năm 2009. Hiện cô đang là Hiệu trưởng Trường Mầm non Thượng Phùng.

Cô giáo Phan Thị Lệ Quyên trong tiết học cùng các em học sinh Trường Mầm non Thượng Phùng. Ảnh: NVCC

Cô giáo Phan Thị Lệ Quyên trong tiết học cùng các em học sinh Trường Mầm non Thượng Phùng. Ảnh: NVCC

Cô Quyên kể, theo nguyện vọng của bản thân, năm 2009, cô đến vùng cao nguyên đá huyện Mèo Vạc và được tuyển dụng vào công tác tại Trường Mầm non Sơn Vĩ (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).

Sau 5 năm, tháng 8/2014, cô Quyên được điều động và bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thượng Phùng. Tháng 11/2020, cô Quyên được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Mầm non Thượng Phùng. Đến nay, cô Quyên có 14 năm công tác trong ngành giáo dục tại các xã biên giới của huyện Mèo Vạc.

Trường Mầm non Thượng Phùng được thành lập vào năm 2009. Đến nay, quy mô trường lớp có nhiều thay đổi. Năm học 2022-2023, nhà trường có tổng 15 điểm trường, với 21 lớp và 520 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi đến trường đạt trên 98%, trẻ 5 tuổi đạt 98-100%. Hiện nay, bằng chế độ của nhà nước dành cho học sinh vùng biên và hỗ trợ của các nhà tài trợ, 100% học sinh của trường được ăn trưa tại trường.

Ngày đầu tiên đến nhận công tác ở huyện Mèo Vạc là kỉ niệm đáng nhớ nhất đối với cô Quyên. Khi ấy, con trai cô mới hơn 1 tuổi.

Cô được phân công đến điểm trường Phìn Lò - điểm trường đã hai năm chưa mở được lớp của Trường Mầm non Sơn Vĩ do thiếu giáo viên và ít học sinh. Quãng đường đến điểm trường đó rất xa và khó đi. Có những đoạn đường nhỏ mọc toàn cỏ rừng, che khuất lối.

“Lúc ấy, tôi ngỡ mình đi nhầm đường nên gọi điện thoại cho cô giáo hiệu trưởng trường mầm non, cô hiệu trưởng bảo cứ đi, hết đoạn đường rậm rạp đó là sẽ đến.

Lúc nhìn thấy điểm trường, tôi càng ngỡ ngàng hơn vì diện mạo các lớp học. Khu lớp đóng trên vị trí của một đồn biên phòng cũ (đã chuyển đi), dãy nhà chỉ còn khung mà thôi, có tấm mái để che nắng, che mưa, duy nhất một phòng còn những bức "tường" xung quanh, thực ra là những tấm ván ghép lại với nhau.

Đứng trước cảnh ấy, tôi cảm thấy hụt hẫng và đã khóc vì sợ. Trong đầu tôi lúc đó nhiều băn khoăn trước cơ sở vật chất thiếu thốn như vậy.

Cũng may mắn là, ngay khi ấy, một số cán bộ thôn xuống đón và giúp tôi dọn dẹp phòng ở, động viên tôi gắn bó với lớp. Hơn nữa, được sự khích lệ, sẻ chia của hiệu trưởng, người dân trong thôn và người thân trong gia đình nên tôi gạt những băn khoăn, quyết tâm ở lại điểm trường, công tác ở vùng biên giới cho đến ngày hôm nay”, cô Quyên tâm sự.

Cô giáo Phan Thị Lệ Quyên có 14 năm công tác trong ngành giáo dục và hiện đang là Hiệu trưởng Trường Mầm non Thượng Phùng. Ảnh: NVCC

Cô giáo Phan Thị Lệ Quyên có 14 năm công tác trong ngành giáo dục và hiện đang là Hiệu trưởng Trường Mầm non Thượng Phùng. Ảnh: NVCC

Về công tác quản lý chuyên môn, với cương vị là Hiệu trưởng nhà trường, cô Quyên chia sẻ, nhà trường nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cấp chính quyền địa phương trong công tác giáo dục.

Cơ sở vật chất được ngành giáo dục và các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng tương đối đảm bảo nhu cầu dạy và học.

Con đường từ huyện vào Trường Mầm non Thượng Phùng đang làm nên đi lại rất khó khăn. Ảnh: NVCC

Con đường từ huyện vào Trường Mầm non Thượng Phùng đang làm nên đi lại rất khó khăn. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, giáo dục mầm non ở vùng biên giới vẫn còn nhiều vất vả. Đối với trường, hiện nay vẫn còn thiếu biên chế giáo viên nên phải thực hiện hợp đồng; một số điểm trường mầm non hiện còn lớp ghép; có những điểm trường xây dựng từ lâu nên biểu hiện xuống cấp.

“Giáo dục mầm non vùng biên giới có khó khăn đặc thù. Do địa hình tại xã chia cắt và dân cư sống không tập trung, số lượng trẻ ở các thôn không nhiều nên hầu hết các điểm trường học sinh đều phải học lớp ghép 2, 3 độ tuổi dẫn đến việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non khó khăn, chất lượng chưa cao. Địa phương hiện đã và đang thực hiện công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, chưa thực hiện với trẻ 3-4 tuổi”, cô Quyên nói.

Chia sẻ chi tiết hơn về chương trình giáo dục mầm non, cô Quyên cho biết, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn như: học sinh ban đầu chưa biết tiếng phổ thông, bất đồng ngôn ngữ với giáo viên giảng dạy; đời sống dân trí một số nơi chưa cao, chưa chủ động đưa trẻ ra lớp; trẻ học còn mang tính thụ động, chưa tích cực.

Liên quan đến công tác chăm lo đời sống giáo viên mầm non, cô Quyên chia sẻ:

“Giáo viên mầm non ở xã biên giới như chúng tôi, một ngày có thể phải làm việc từ 10-12 tiếng. Ngoài hưởng lương và 450.000 đồng/tháng đối với giáo viên dạy lớp ghép theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP, thì không có bất kỳ khoản thu nhập nào khác.

Mặc dù lương giáo viên mầm non ở vùng biên giới có cao hơn so với giáo viên mầm non ở các vùng khác, nhưng đời sống sinh hoạt vất vả, đi lại khó khăn, thực phẩm khan hiếm nên giá đắt đỏ. Trong khi đó, tất cả đều trông chờ vào lương.

Chưa kể, hầu hết giáo viên công tác tại đây đều xa nhà. Ngoài chi tiêu cho cuộc sống cá nhân thì đa số giáo viên còn phải gửi tiền về quê nuôi con, chăm lo cho gia đình. Cả năm chắt chiu từng đồng cũng không dư được bao nhiêu, chi phí đi lại về quê dịp hè, dịp Tết cũng hết tiền tiết kiệm được”, cô Quyên chia sẻ.

Cô và trò Trường Mầm non Thượng Phùng trong giờ học. Ảnh: NVCC

Cô và trò Trường Mầm non Thượng Phùng trong giờ học. Ảnh: NVCC

Với tâm huyết của một nhà giáo, trách nhiệm của nhà quản lý giáo dục, cô Quyên luôn mong muốn ngành giáo dục tiếp tục quan tâm hơn và có những chính sách đặc thù dành riêng cho giáo viên vùng cao, đặc biệt là đội ngũ giáo viên mầm non vùng biên giới để ngày càng cải thiện đời sống, vơi bớt khó khăn, giúp thầy cô gắn bó hơn với điểm trường.

Ngọc Mai