Gặp cô giáo vùng cao dạy song song 2 lớp, không giao bài tập về nhà cho học sinh

14/02/2023 06:40
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vượt giá rét nơi miền sơn cước để tận mắt chứng kiến, lắng nghe tâm sự mới thấy con đường gieo chữ của giáo viên vùng cao còn nhiều gập ghềnh, vất vả.

Băng qua đường đèo núi dốc quanh co, đến điểm trường Hấu Chua (điểm trường lẻ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), chúng tôi được vào thăm quan lớp học của cô giáo Hoàng Thị Bút. Khi ấy là 8 rưỡi sáng, cô Bút đang say sưa giảng trong tiết học về luyện viết đoạn văn.

Sau giờ học, trò chuyện nhiều hơn, chúng tôi được biết: cô Bút sinh năm 1972, người dân tộc Tày, quê ở huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang). Năm 1993, cô Bút lên công tác ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn. Đến nay, cô Bút có gần 30 năm làm việc trong ngành giáo dục.

Cô giáo Hoàng Thị Bút tập trung giảng bài trong tiết học của lớp 2 ở điểm trường Hấu Chua. (Ảnh: Ngọc Mai).

Cô giáo Hoàng Thị Bút tập trung giảng bài trong tiết học của lớp 2 ở điểm trường Hấu Chua. (Ảnh: Ngọc Mai).

"Thời gian đầu nhận công tác ở điểm trường Hấu Chua, tôi gặp nhiều vất vả và khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, đường đi lại còn xa xôi", cô Bút chia sẻ.

Cô Bút trước là giáo viên dạy lớp 4, 5 ở điểm trường chính Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn. Khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô tham gia học bồi dưỡng dạy lớp 1, sau đó đến lớp 2, rồi cô được chuyển hẳn về điểm trường Hấu Chua. Điểm trường này có 2 phòng học, một phòng cho học sinh lớp 1, một phòng cho học sinh lớp 2, cô Bút dạy song song cả hai lớp.

“Chuyển từ dạy lớp 4, 5 xuống dạy lớp 1, 2 cũng là một thử thách đối với tôi. Do chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn dạy các em lớp đầu cấp nên tôi phải tham gia tập huấn trong những tháng nghỉ hè và tự học rất nhiều. Rồi khó khăn qua đi, tôi có thể tự tin đứng lớp dạy cho học trò. Song, điểm trường Hấu Chua chỉ có một mình tôi nên việc dạy song song 2 lớp rất vất vả.

Học cả ngày nên học sinh ở đây thường được bố mẹ chuẩn bị đồ ăn (xào ít rau, gói cơm nắm) đựng trong cặp lồng mang đến lớp từ sáng để ăn trưa. Tôi cũng mang đồ ăn thức uống theo để ăn cùng các em ở trường. Ăn xong, cô trò nghỉ ngơi để buổi chiều học tiếp. Mãi đến chiều muộn, khi học sinh tan trường, dọn dẹp lớp xong tôi mới trở về nhà”, cô Bút chia sẻ.

Lớp học không giao bài tập về nhà

Chia sẻ về thực tế dạy và học chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh ở điểm trường, cô Bút nói: “Học sinh ở điểm trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc, vì còn bất đồng ngôn ngữ nên khó khăn hơn trong quá trình học.

Trong quá trình dạy và học, những em nào thông thạo tiếng phổ thông hơn thì sẽ dễ tiếp cận với kiến thức hơn. Còn những học sinh mà vốn tiếng Việt ít sẽ chậm hơn, đây cũng là thử thách của cả cô và trò”.

Cô giáo Hoàng Thị Bút miệt mài gieo chữ. (Ảnh: Ngọc Mai).

Cô giáo Hoàng Thị Bút miệt mài gieo chữ. (Ảnh: Ngọc Mai).

Chia sẻ về lịch trình một ngày lên lớp thông thường, cô Bút kể, buổi sáng, cô dạy các tiết học chính theo khung chương trình, buổi chiều sẽ cho học sinh làm bài tại lớp chứ không giao bài tập về nhà.

“Với học sinh vùng cao, gia đình các em còn nhiều khó khăn, có những em nhà ở chỗ chưa có điện lưới. Hơn nữa, bố mẹ các em cũng rất bận việc, tiếng Việt của chính các bậc phụ huynh cũng còn hạn chế nên không thể hướng dẫn các con làm bài ở nhà. Chuyện học tập của học sinh ở điểm trường phụ thuộc hết vào cô giáo, vì vậy, giao bài tập về nhà với các em sẽ không khả thi”, cô Bút nói.

Khó khăn về ngôn ngữ thử thách cả cô và trò

“Học sinh ở điểm trường là người dân tộc, nói tiếng Việt chưa sõi nên giao tiếp, đọc và viết rất khó. Nhiều khi các em hiểu nhưng không biết diễn đạt bằng tiếng phổ thông như thế nào.

Nhìn vào một bức tranh, nếu mô tả bằng tiếng dân tộc địa phương thì các em làm rất tốt, còn khi nói bằng tiếng phổ thông thì các em còn gặp nhiều khó khăn”, cô Bút chia sẻ.

Cô Bút cũng phải dạy song ngữ (cả tiếng dân tộc và tiếng phổ thông) để giải thích cho các em những nội dung mà các em nghe tiếng phổ thông chưa hiểu. Vì khó khăn về ngôn ngữ nên điểm số các em chưa được tốt.

Thêm vào đó, khi ở lớp, các em học tiếng Việt, đến lúc về thì nhà bố mẹ lại giao tiếp với các con bằng tiếng địa phương. Việc không sử dụng tiếng phổ thông để giao tiếp, nói chuyện thường xuyên cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập của các em.

Miệt mài gieo chữ cho giáo dục vùng khó

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, điểm trường còn thiếu nhiều dụng cụ dạy học. Có những tiết học buộc phải sử dụng đến tranh, ảnh cỡ lớn, cô Bút lại lặn lội đường sá xa xôi đi in ấn, chủ động phô tô từ hôm trước để kịp hôm sau mang lên lớp dạy học.

“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm hay và cũng có điểm khó đối với học sinh của trường vì cả cô và trò phải thực hành nhiều hơn. Để hoạt động hiệu quả, tôi phải tự sáng tạo, tìm kiếm và in ấn các loại tranh, ảnh phù hợp với từng bài học.

Vì nhiều lý do khách quan, phải dạy 2 lớp song song nên có những buổi tôi không chuẩn bị được đầy đủ đồ dùng, dụng cụ. Khi đó, cả cô và trò lại tận dụng ngữ liệu, tranh ảnh minh họa có trong sách giáo khoa để học tạm”, cô Bút tâm sự.

Cô Bút chia sẻ, thực tế số học sinh của điểm trường ít, 1 giáo viên dạy 2 lớp sẽ giải quyết được việc thiếu giáo viên. Nhưng giáo viên sẽ khó khăn gấp bội, cũng có những điểm bất cập phát sinh.

Trong quá trình dạy, cô Bút phải phân chia thời gian, lúc thì cô dạy cho lớp 1, lúc khác lại dạy lớp 2. Dạy song song nên “kiến thức trong đầu phải được sắp xếp, đảo qua đảo lại linh hoạt, liên tục” – cô Bút nói.

Có khi đang dạy cho lớp 2, nghe thấy học sinh lớp 1 phòng bên cạnh nói chuyện, không tập trung làm bài, cô Bút phải dừng lại để sang lớp 1 nhắc nhở. Cứ đi qua đi lại giữa hai phòng học như vậy, tốn nhiều thời gian, hiệu quả giờ học khó đạt. Khó khăn vất vả nhưng cô Bút vẫn lạc quan bảo: “ở trên này là thế”.

Học trò của cô Bút cũng có những em học sinh có kết quả học tập tốt. Như em Vừ Thị Chúc Mỉ và Vàng Mí Bình (đều là học sinh lớp 2) học tốt, nhanh nhẹn, có kết quả điểm đánh giá tốt.

Em Vàng Mí Bình nói: "Em thích đi học để biết chữ. Em rất quý cô giáo, sau này em sẽ làm thầy giáo để dạy học giống như cô Bút". Nghe học sinh chia sẻ, cô Bút không giấu được xúc động.

Em Vàng Mí Bình, học sinh lớp 2, điểm trường Hấu Chua thích được đi học để biết chữ, sau này đi dạy học giống như cô Bút. (Ảnh: Ngọc Mai).

Em Vàng Mí Bình, học sinh lớp 2, điểm trường Hấu Chua thích được đi học để biết chữ, sau này đi dạy học giống như cô Bút. (Ảnh: Ngọc Mai).

“Với những học sinh học tốt hơn, tôi có mở rộng yêu cầu bài tập hơn để các em tiếp tục phát huy. Đồng thời, những học sinh học yếu hơn cũng sẽ được kèm cặp thêm, tập trung vào củng cố kiến thức để các em theo kịp chương trình và các bạn trong lớp. Việc bồi dưỡng đối với từng đối tượng học sinh sẽ tiến hành ngay trên lớp vào buổi chiều”, cô Bút cho biết.

Vượt giá rét nơi miền sơn cước, đến điểm trường để tận mắt chứng kiến và lắng nghe tâm sự mới thấy con đường gieo chữ của giáo viên vùng cao còn thật nhiều những gập ghềnh, vất vả. Hiện, điểm trường Hấu Chua có tổng sĩ số là 24 em, trong đó có 10 học sinh lớp 2 và 14 học sinh lớp 1. Cả 2 lớp đều đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Điều kiện dạy học ở điểm trường còn nhiều khó khăn, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Nhìn học trò đang nô đùa trong giờ ra chơi, cô Bút cho rằng đó cũng là một trong những niềm hạnh phúc của nghề dạy học. Cô Bút luôn cố gắng vượt khó khăn để tiếp tục hành trình gieo chữ ở vùng khó, vì tương lai của các em học sinh thân yêu!

Ngọc Mai