Xã đạt chuẩn nông thôn mới, thầy trò bị cắt ưu đãi: Hiệu trưởng có kiến nghị

28/02/2023 06:41
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Trong lớp học nhỏ, ngẩng mặt lên thì nhìn thấy trời qua mái lá, dưới chân thì ướt do mưa dột, thật sự thương cô giáo và các cháu vô cùng”, cô Hạnh nhớ lại.

Trường Mầm non Pả Vi (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) giờ đây khang trang, đổi mới hơn. Để có ngôi trường với diện mạo như hiện tại là cả sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường trên hành trình xây dựng trường chuẩn quốc gia ở vùng cao này.

Đón chúng tôi đến thăm trường là cô Nguyễn Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Pả Vi. Ở vai trò quản lý, cô Hạnh luôn thường trực nỗi niềm phải làm sao xây dựng nhà trường, chăm lo đời sống giáo viên được tốt hơn.

Ban đầu gia đình không đồng ý cho học đại học vì hoàn cảnh khó khăn

Cô Hạnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông có 4 chị em gái (cô Hạnh là con thứ 3) tại xã Đức Ninh (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang). Do hoàn cảnh khó khăn nên trước đây, bố mẹ cô chỉ biết động viên con học hết trung học phổ thông rồi ở nhà phụ giúp việc đồng áng.

Tuy nhiên, ý thức được vai trò của việc học, cô Hạnh quyết tâm phải có một cái nghề, giúp bản thân, bố mẹ bớt khổ. Chính vì thế, học xong lớp 12, cô Hạnh theo chị gái lên Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và cơ duyên trở thành cô giáo mầm non cũng bắt nguồn từ đây.

Nhà giáo Nguyễn Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Pả Vi cùng các em học sinh trong ngày hội của trường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhà giáo Nguyễn Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Pả Vi cùng các em học sinh trong ngày hội của trường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Lúc đó, cô Hạnh tự nguyện tham gia hỗ trợ các công việc dạy học tại lớp xoá mù chữ ở Trường Mầm non Tả Lủng (huyện Mèo Vạc). Trong quá trình đó, cô khao khát đi học để có tấm bằng sư phạm, giúp ổn định công việc sau này. Với ý nghĩ đó, cô Hạnh giấu bố mẹ đăng ký thi vào chuyên ngành giáo dục mầm non của Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ).

“Khi nhận giấy báo trúng tuyển, vì hoàn cảnh khó khăn, ban đầu, mẹ không đồng ý cho tôi đi học. Song, tôi cố gắng thuyết phục mẹ rằng nhất định con phải đi học, cố gắng vừa học, vừa đi làm để trang trải cuộc sống”, cô Hạnh kể.

Để có thêm thu nhập, ngoài giờ học, cô Hạnh đạp xe khoảng 6km đến chỗ lấy len về đan khăn thuê.

Đến tháng 7/2006, cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, cô Hạnh mong muốn trở lại công tác ở mảnh đất Mèo Vạc vì nơi đây còn nhiều khó khăn, không ít em nhỏ chưa được đến trường. Trong thời gian chờ tuyển dụng, tháng 9/2006, cô Hạnh nộp đơn xin dạy hợp đồng tại Trường Mầm non Tả Lủng.

Tháng 10/2007, cô Hạnh được tuyển dụng chính thức và bắt đầu làm việc tại Trường Mầm non Liên Cơ thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Bằng nỗ lực, cố gắng của bản thân cùng sự tin tưởng của cán bộ quản lý, bạn bè đồng nghiệp, qua nhiều lần bổ nhiệm, công tác ở nhiều trường mầm non khác nhau trong huyện, từ 1/6/2013 đến nay, cô Hạnh là Hiệu trưởng Trường Mầm non Pả Vi.

Chưa bao giờ muốn chuyển công tác về thành phố

Chưa bao giờ cô Hạnh có ý định chuyển công tác về thành phố để cải thiện chất lượng cuộc sống. “Khi tôi nói không muốn về công tác ở thành phố, nhiều người khó tin. Nhưng thực sự, từ lâu, tôi đã coi Mèo Vạc như quê hương thứ hai của mình.

Những năm tháng sống và làm việc tại đây, tôi nhận được sự yêu mến của bà con nhân dân, sự tín nhiệm của đồng nghiệp và bản thân thấy được những khó khăn, vất vả của học trò, của các cô giáo mầm non dạy ở điểm trường còn thiếu thốn trăm bề. Vì thế, tôi luôn muốn phải cố gắng thật nhiều để có thể giúp một phần cho học trò, giáo viên, bà con nhân dân ở đây”, cô Hạnh tâm sự.

Nhìn lại quãng thời gian công tác trong ngành giáo dục, cô Hạnh vẫn nhớ những kỷ niệm sâu sắc theo cô cho đến mãi sau này.

“Hồi mới làm giáo viên dạy hợp đồng, mặc dù đồng lương ít ỏi nhưng tôi luôn được bà con nhân dân yêu mến. Mỗi sáng, bà con lại mang bánh ngô đến điểm trường biếu cô, sợ cô đói".

Một kỷ niệm nữa, năm 2012, khi cùng đoàn công tác của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đến kiểm tra việc dạy và học ở Trường Mầm non Pả Vi, cô được đoàn phân công đi thăm lớp và dự giờ giáo viên tại điểm trường lẻ Kho Tấu.

“Hôm đó trời mưa phùn, mặc dù đi trước đi sau có một đoạn, nghe tiếng người nói chuyện nhưng chúng tôi không thể nhìn thấy mặt nhau do sương mù che dày đặc.

Đường đến điểm trường Kho Tấu phải men theo lối mòn do người dân mở. Mặc dù có người dẫn đường nhưng tôi phải mất 2 tiếng rưỡi mới lên tới điểm trường. Vượt qua quãng đường dài, gập ghềnh khó đi, nhìn thấy giáo viên và học trò trong lớp, nước mắt tôi cứ tự nhiên rơi xuống.

Điểm trường Kho Tấu chỉ có một lớp học nhỏ. Đứng trong lớp ngẩng mặt lên thì nhìn thấy bầu trời do mái lớp bị thủng, dưới chân thì ướt do nước mưa dột qua chỗ mái thủng ấy. Lúc đó, tôi thương giáo viên và các cháu nhỏ vô cùng”, cô Hạnh xúc động.

Mang theo sự thương cảm, băn khoăn, trăn trở trong lần đầu tiên đến điểm trường Kho Tấu ấy, nên khi về công tác ở Trường Mầm non Pả Vi, điều đầu tiên cô Hạnh nghĩ đến là quyết tâm tìm nguồn hỗ trợ để xây dựng bằng được lớp học vững chắc, khang trang hơn cho điểm trường Kho Tấu nói riêng, cả Trường Mầm non Pả vi nói chung.

“Tôi không còn nhớ chính xác có bao nhiêu đoàn đến khảo sát điểm trường nhưng do nằm trong địa hình quá hiểm trở, khó vận chuyển nguyên vật liệu nên nhiều nhà thầu lăn tăn vấn đề đầu tư xây dựng. Khó khăn, nhưng tôi không từ bỏ ý định và tiếp tục tìm các nhà đầu tư khác. Bằng sự nỗ lực không ngừng, năm 2020, điểm trường Kho Tấu đã được xây mới với phòng học rộng, sạch đẹp và có thêm các khoản tài trợ một phần trang thiết bị vật chất”, cô Hạnh chia sẻ.

Buổi lễ khánh thành điểm trường Kho Tấu sau khi được xây dựng mới. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Buổi lễ khánh thành điểm trường Kho Tấu sau khi được xây dựng mới. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Không chỉ tập trung xây dựng điểm trường lẻ, cán bộ quản lý nhà trường luôn quan tâm, tập trung xây dựng, nâng cấp điểm trường chính để đạt chuẩn quốc gia.

Nhìn khuôn viên nhà trường, cô Hạnh tâm sự: “Từ khi về Trường Mầm non Pả Vi công tác đến nay, ngôi trường đã thay đổi rất nhiều!”

Theo cô Hạnh, trước khi Trường Mầm non Pả Vi đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất, lớp học còn nhiều hạn chế. Diện tích trường chật hẹp, không có các phòng chức năng, phòng làm việc giáo viên, khu vui chơi cho trẻ tổ chức hoạt động…

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, cấp uỷ chính quyền địa phương, tháng 9/2014, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang hơn, có đủ các phòng chức năng, sân chơi cho cô và trẻ, các thiết bị được dạy học trang cấp tương đối đảm bảo cho hoạt động giáo dục và đào tạo.

Giáo viên Trường Mầm non Pả Vi tự tay trang trí, xây dựng các công trình tiểu cảnh trường học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Giáo viên Trường Mầm non Pả Vi tự tay trang trí, xây dựng các công trình tiểu cảnh trường học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Toàn cảnh Trường Mầm non Pả Vi hôm nay nhìn từ trên cao xuống. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Toàn cảnh Trường Mầm non Pả Vi hôm nay nhìn từ trên cao xuống. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, nhà trường cũng tồn tại những khó khăn nhất định. Theo lời cô Hạnh, mặc dù trường đã được đầu tư cơ bản nhưng để xây dựng cảnh quan sư phạm đầy đủ, khang trang với một đơn vị trường mầm non lúc đó thì chưa hoàn toàn đảm bảo.

Tiếp tục thực hiện vai trò người đứng đầu đơn vị trường học, cô Hạnh trăn trở tìm mọi cách từ nhiều kênh thông tin để kêu gọi các nguồn hỗ trợ xã hội hoá xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường, đặc biệt là xây dựng nhà vệ sinh khép kín, xin hỗ trợ các trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động dạy học.

"Tháng 12/2019, trường được nâng lên đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Kết quả có được là nhờ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên năng động, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, luôn ủng hộ, có sáng kiến và tham gia nhiệt tình các hoạt động xây dựng trường học.

Từ các nguồn hỗ trợ, cùng với công sức và bàn tay khéo léo của các cô giáo đã tạo nên một cảnh quan ngôi trường thực sự đổi khác, thân thiện, thu hút trẻ đến trường, đến lớp hơn", cô Hạnh cho biết thêm.

Lớp học tại điểm Trường Mầm non Pả Vi được huy động nguồn xã hội hóa đồ dùng, trang trí. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Lớp học tại điểm Trường Mầm non Pả Vi được huy động nguồn xã hội hóa đồ dùng, trang trí. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thiếu giáo viên đứng lớp theo đúng định mức

Chia sẻ về những khó khăn đối với trường mầm non ở vùng cao, cô Hạnh cho rằng, thiếu giáo viên đứng lớp theo đúng định mức là vấn đề khó nhất đối với nhà trường hiện nay.

Thêm nữa, mặc dù Trường Mầm non Pả Vi đóng trên địa bàn xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng 100% trẻ học tại trường đều là con em dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình khó khăn. Khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chính sách của giáo viên, học sinh ở đây đều bị cắt giảm. Trong khi mức lương hiện tại của giáo viên còn thấp, chưa đảm bảo trang trải đời sống sinh hoạt.

"Với cương vị là Hiệu trưởng nhà trường, tôi mong muốn các bộ, ngành sẽ có những quy định riêng về đạt chuẩn nông thôn mới ở vùng khó khăn, để giáo viên tại đây tiếp tục được hưởng các chính sách ưu đãi về chế độ tiền lương, ổn định cuộc sống.

Hiện, điều kiện dạy và học ở các điểm trường lẻ vẫn chưa đảm bảo. Do đó, nhà trường mong muốn được đầu tư các trang thiết bị tối thiểu theo quy định, trang cấp đồ dùng, đồ chơi ngoài trời cho các điểm trường lẻ để cải thiện chất lượng dạy học, công tác phổ cập giáo dục đạt hiệu quả hơn”, cô Hạnh mong muốn.

Ngọc Mai