Chủ trương mời giáo viên người nước ngoài dạy được các sở giáo dục ra văn bản, các trường có đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện, chỉ cần phụ huynh đồng ý đóng tiền là tiến hành.
Thường, các trường tăng cường 02 tiết/tuần, học sinh đóng 200.000 đồng/tháng, trung bình 25.000 đồng/tiết.
Trong khi giáo viên của trường dạy thêm do nhà trường tổ chức, học sinh đóng 5.000 đồng/tiết. So với các trường “quốc tế”, học phí này chẳng bõ bèn gì. So với giáo viên trong trường, số tiền học sinh phải “mua” quả là quá đắt!
Hình ảnh một buổi học với giáo viên nước ngoài. (Ảnh minh họa: Baoquangninh.com.vn) |
Đắt có xắt ra miếng?
Có phải cứ là người nước ngoài, “mắt xanh, mũi lõ” là dạy tiếng Anh được không? Xin thưa, hoàn toàn không phải. Không phải người nước ngoài cứ đứng trên bục giảng là làm được giáo viên.
Con gái người viết, học lớp 11 đã có Ielts 7.0, nhận xét “Nhiều thầy cô Việt Nam nói chẳng thua kém gì giáo viên bản ngữ. Có người nước ngoài vào dạy, còn nói sai những câu cơ bản, họ nói theo kiểu địa phương họ sống.
Con góp ý, họ xin lỗi, xin đừng nói cho nhà trường, té ra họ thất nghiệp, đi du lịch, được mai mối dạy học.
Một tiết học, với lớp 35 học sinh, giáo viên chỉ tương tác được hơn chục bạn, chỉ vài câu giao tiếp đơn giản, mà trả 25.000 đồng, đúng là quá đắt”.
Người Việt ta có câu “đắt xắt ra miếng”, thế nhưng ở đây chúng ta là “người tiêu dùng không thông thái”.
Sính ngoại, bệnh của người Việt?
Học tiếng Anh kiểu Mỹ: Áp dụng Common Core và kỹ năng thế kỷ 21 trong dạy con |
Thực tế, không ít “giáo viên nước ngoài” không hề có một chút nghiệp vụ sư phạm. Học trò, phụ huynh cứ thấy ngoại hình “thầy tây” là đồng ý.
Việc mời người nước ngoài giảng dạy, họ cần phải có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề sư phạm; thế nhưng vì lý do nào đó, hiệu trưởng bỏ qua những yêu cầu này!
Thầy P., một giáo viên tiếng Anh, đã từng tu nghiệp tại Úc, dạy tự do, nổi tiếng đào tạo Ielts, tâm sự:
“Mình cũng được mời, mình yêu cầu học sinh 10.000 đồng/tiết, lớp ít nhất là 30 em, không chi “hoa hồng”, sau không thấy hiệu trưởng trao đổi lại”.
Sính ngoại, hay sính “hoa hồng” chắc bạn đọc tự lý giải, nhưng thiệt hại học sinh, phụ huynh gánh chịu.
Có giải pháp nào học sinh được giao tiếp với người bản địa trong dạy, học ngoại ngữ rẻ hơn không?
Theo các thầy cô có kinh nghiệm, việc giáo viên nước ngoài không biết tiếng Việt, dạy tiếng Anh cho học sinh còn yếu, khó mà đạt yêu cầu.
Một số giáo viên dạy tiếng Anh trong trường đề nghị, dành tiết tăng cường dạy nghe, nói, cứ để họ dạy, nhưng không được hiệu trưởng chấp nhận; cái này chắc chắn đúng bệnh “sính ngoại”.
Không ít giáo viên áp dụng phương pháp đưa lớp học ra thế giới, bằng cách kết nối Skype với các lớp học khác ở nước ngoài. Hay mời các thầy giáo bản địa, nói chuyện với học sinh lớp mình đang học qua Skype.
Cô giáo Trần Thị Thúy hiện là giáo viên dạy môn tiếng Anh, Trường trung học phổ thông Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Cô là người nổi tiếng trong việc ứng dụng Skype vào giảng dạy, để học sinh của mình được giao lưu với học sinh, giáo viên và người dân các quốc gia khác nhằm nâng cao khả năng giao tiếp cũng như hiểu hơn về văn hóa giữa các quốc gia trên thế giới.
Phần lớn các trường phổ thông đều có máy tính nối mạng, đèn chiếu, bảng thông minh; chỉ cần giáo viên có nhiệt huyết, đam mê, việc áp dụng Skype vào giảng dạy là không khó.
Vì học sinh thân yêu, vì vị thế của chính giáo viên ngôn ngữ; hiệu trưởng hãy động viên, khuyến khích đồng nghiệp đổi mới phương pháp dạy học, tin tưởng họ, trao cho họ cơ hội được cống hiến; tin rằng học trò sẽ được hưởng lợi từ sự phát huy nội lực của chính người thầy Việt.