Hiệu trưởng tại vị mấy chục năm làm sao tạo sự đột phá cho ngành giáo dục?

26/03/2017 07:34
Nguyễn Cao
(GDVN) - Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cũng cần phải xem lại qui trình bổ nhiệm, cách đánh giá, xếp loại của Hiệu trưởng để hướng tới một môi trường giáo dục lành mạnh.

LTS: Gần đây, nhiều “tấm gương Hiệu trưởng" để xảy ra sai phạm bị phát hiện đã gây ra những bất bình trong dư luận xã hội.

Là một giáo viên, thầy Nguyễn Cao cho rằng cần xem lại qui trình bổ nhiệm, đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng.

Bởi thực tế, một Hiệu trưởng tại vị mấy chục năm sẽ khó tạo ra được sự đột phá cho ngành giáo dục trong khi xã hội luôn vận động không ngừng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Trước thực trạng hàng loạt Hiệu trưởng sai phạm trong thu, chi tài chính, vi phạm qui chế dân chủ, trù dập giáo viên khi không cùng chính kiến đã đặt ra câu hỏi về chất lượng, năng lực của đội ngũ Ban giám hiệu hiện nay. 

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cũng cần phải xem lại qui trình bổ nhiệm, cách đánh giá, xếp loại của Hiệu trưởng để hướng tới một môi trường giáo dục lành mạnh và chất lượng.
   
Với qui trình bổ nhiệm Hiệu trưởng ở các trường phổ thông hiện nay thì rất khó tạo được sự đổi mới mạnh mẽ trong ngành giáo dục. 

Bởi cái qui trình bổ nhiệm cán bộ của chúng ta là khi đã lên là rất khó xuống. Đã làm Hiệu trưởng thì phần lớn là làm Hiệu trưởng đến lúc về hưu, có thay đổi chỉ là thay đổi từ đơn vị công tác này sang đơn vị công tác khác mà thôi. 

Cho nên, khi hết 1 nhiệm kì thì được bổ nhiệm lại và hết 2 nhiệm kì thì đi trường khác nhưng cũng cùng một địa bàn (trong huyện hoặc thành phố).

Vì thế, mới có những người làm lãnh đạo nhà trường đến 30 năm! 

Hiệu trưởng tại vị mấy chục năm thì làm sao tạo được đột phá trong giáo dục? (Ảnh minh họa: DAD/ Thanhnien.vn)
Hiệu trưởng tại vị mấy chục năm thì làm sao tạo được đột phá trong giáo dục? (Ảnh minh họa: DAD/ Thanhnien.vn)

Khi một con người nằm mãi ở một vị trí rất khó có những đột phá. Bởi họ không chỉ bằng lòng với thực tại về công tác quản lí của mình mà còn tạo nên những “điểm tựa” vững chắc, những lợi ích cho cá nhân và người thân của mình. 

Vì thế, chuyện lấy phiếu tín nhiệm hay đánh giá hàng năm luôn được kết quả là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoặc được tín nhiệm cao.
   
Chuyện lấy phiếu tín nhiệm, hay đánh giá chuẩn Hiệu trưởng hiện nay rất đơn giản. Bởi chỉ khi nào có một sự cố đặc biệt thì cấp trên mới về lấy phiếu tín nhiệm, còn thường thì lấy phiếu tín nhiệm và đánh giá chuẩn Hiệu trưởng, Hiệu phó là do Ban giám hiệu tự đứng ra đảm nhận. 

Có nghĩa là con dấu họ giữ, phiếu họ in, người kiểm phiếu họ chỉ định. Cho dù họ có không được lòng giáo viên đến mức nào đi nữa thì họ vẫn đứng ở thế thượng phong. 

Bởi việc kiểm phiếu thường làm ở phòng riêng, mà những người kiểm phiếu lại là người thân của họ thì việc loại trừ vài lá phiếu “xấu” để “dúi” vào vài lá phiếu đã làm sẵn có khó khăn gì đâu.
    
Ngoài chuyện dùng lá phiếu thì chuyện tự đánh giá cũng nhiều khi rơi vào cảnh “nói làm sao được”. 

Nơi tôi công tác, trong một lần đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm, Hiệu trưởng đọc bản tự đánh giá của mình ở phần ưu điểm với rất nhiều điều tốt đẹp, rồi chỉ ra hàng loạt những việc làm cụ thể, thiết thực. 

Nhưng, đến phần hạn chế thì Hiệu trưởng nêu: “chưa tìm thấy hạn chế” và đề nghị các anh em trong đơn vị đóng góp những hạn chế của mình. 

Hiệu trưởng tại vị mấy chục năm làm sao tạo sự đột phá cho ngành giáo dục? ảnh 2

Đây là hình mẫu Hiệu trưởng mà không giáo viên nào muốn hơn thua, so bì?

Một khi mà Hiệu trưởng chưa tìm thấy “hạn chế” của mình thì ai trong đơn vị dám đóng góp cho Hiệu trưởng! 

Hơn nữa, đóng góp cho Hiệu trưởng từ lâu đã trở thành điều tối kị của giáo viên.

Vậy nên, phần lớn Hiệu trưởng đánh giá như thế nào là giáo viên ở dưới đều thống nhất mà đồng ý, thỉnh thoảng có một vài ý kiến nhưng chủ yếu là những thành phần thân tín của Hiệu trưởng “nịnh” lấy lòng và tô thêm cho đẹp phần ưu điểm mà thôi. 

Vì thế, phần lớn xếp loại cuối năm của Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng đều đạt mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Rất khó tìm thấy những lãnh đạo nhà trường bị xếp loại Tốt, loại Khá…
   
Khi đã được xếp các mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hay nhận được tín nhiệm cao thì các lãnh đạo nhà trường thường thể hiện oai phong của mình trước mọi người. 

Trường học hiện nay không ít những vị Hiệu trưởng độc đoán, cầu toàn và luôn muốn giữ sự cố định trong công tác quản lí. 

Từ quản lí nhân sự (không cho giáo viên chuyển trường) đến công tác chuyên môn, sổ sách vẫn cứ cứng nhắc dập khuôn. Thu chi tài chính không được công khai trước đoàn thể. 

Nhưng, chỉ cần một ý kiến làm phật lòng lãnh đạo thì coi như sự nghiệp của giáo viên sẽ gặp muôn vàn khó khăn.
   
Mặc dù, công tác qui hoạch cán bộ cũng được ngành và các trường làm hàng năm, thường thì các trường học thường tổ chức lấy phiếu tín nhiệm để qui hoạch cán bộ nguồn cho mỗi chức danh. 

Hiệu trưởng tại vị mấy chục năm làm sao tạo sự đột phá cho ngành giáo dục? ảnh 3

6 mức kỷ luật Hiệu trưởng, không có mức nào là về Phòng làm lãnh đạo

Nhưng, phần lớn các trường chỉ làm lấy lệ và hình thức thôi. Bởi thỉnh thoảng Sở Giáo dục và Đào tạo mới mở một lớp Bồi dưỡng cán bộ quản lí, mà mỗi một cấp học chỉ chọn một số ít người. Nên, phần lớn các trường lớn mới có cơ hội cử giáo viên đi học lớp học này. 

Khi học xong rồi thì bắt đầu chờ đợi bổ nhiệm. Nhưng, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lí trường học bây giờ phần lớn là thực hiện chế độ luân chuyển. 

Vì thế, những giáo viên trẻ dù đã được nằm trong qui hoạch, được đi học bồi dưỡng lớp cán bộ quản lí cũng chẳng mấy người có cơ hội được bổ nhiệm. Bởi nhìn đi nhìn lại thì mỗi Hiệu trưởng tại vị hàng mấy chục năm nên đâu có cơ hội cho lớp trẻ. 

Nhiều người được qui hoạch nhưng chờ đợi mãi nên không còn động lực phấn đấu để được qui hoạch lại vì sự mỏi mòn chờ đợi hoặc không thì cũng quá tuổi qui hoạch thì cấp trên cũng tự động gạt ra. 

Hơn nữa, với cơ chế bổ nhiệm hiện nay của chúng ta còn nhiều bất cập nên nhiều khi những người bổ nhiệm chưa hẳn đã hội tụ đủ phẩm chất của người lãnh đạo!
   
Đổi mới giáo dục là việc làm cấp bách và cần thiết đối với ngành nhưng một khi lãnh đạo của chúng ta cứ “ngồi” ở ghế Hiệu trưởng hàng mấy chục năm thì rõ ràng rất khó tạo được bước đột phá của nhiều trường học hiện nay.

Nguyễn Cao