Năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình năm 2018) tiếp tục triển khai với lớp 3, 7, 10. Đối với chương trình lớp 10 trung học phổ thông, thay vì học 13 môn học bắt buộc như chương trình hiện hành, học sinh sẽ học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Ba nhóm môn học để lựa chọn 5 môn, mỗi nhóm chọn ít nhất một môn gồm: nhóm Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm Khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật…
Như vậy, nếu tính hết các phương án chọn môn học thì có thể có đến 108 cách lựa chọn, sẽ có những môn/tổ hợp môn rất nhiều học sinh lựa chọn và ngược lại. Điều này dẫn tới tình trạng thừa/thiếu giáo viên tương ứng với số môn/tổ hợp môn mà học sinh đã lựa chọn.
Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội). (Ảnh: Đỗ Thơm) |
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trường Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng các tổ hợp môn học nhằm phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp, năng lực của học sinh là điều nên làm, nhưng do số lượng tổ hợp quá nhiều và dàn trải, các trường sẽ gặp khó khi triển khai chương trình lớp 10 mới.
Tuy nhiên, Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT đã quy định các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Theo thầy Bình, trong 108 tổ hợp sẽ có những tổ hợp không dùng đến. Những năm đầu thực hiện, các trường có thể xây dựng một số tổ hợp môn học cơ bản và công bố để học sinh lựa chọn, song vẫn đề cao tinh thần tôn trọng nguyện vọng của các em, nhà trường không áp đặt.
"Để làm được điều này, các trường cần tiến hành khảo sát ý kiến của phụ huynh, học sinh. Sau đó đưa ra một số tổ hợp phổ biến, cơ bản nhất và tư vấn giúp các em chọn nhóm môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân", vị Hiệu trưởng này chia sẻ.
Thầy Bình cho biết, đối với Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhà trường đã họp, thảo luận và tìm ra phương án hiệu quả nhất để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, thầy cô sẽ là người hướng dẫn cho các em cách lựa chọn tổ hợp các môn mình yêu thích.
"Trường tiến hành khảo sát cho các em đăng ký từ 1 đến 3 nguyện vọng, sau đó tổng hợp lại xem tổ hợp nào được các em lựa chọn nhiều nhất. Căn cứ số lượng học sinh đăng ký, chúng tôi sẽ chọn ra những tổ hợp phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường", vị Hiệu trưởng này cho hay.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), riêng nhóm môn Nghệ thuật gồm hai phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật, đây là những môn mới ở cấp trung học phổ thông nên nhà trường vẫn đang trong quá trình chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên giảng dạy.
Hiện, trường xây dựng hai phương án. Ở phương án thứ nhất, nhà trường sẽ tận dụng nguồn lực giáo viên từ cấp trung học cơ sở để dạy hai môn học này. Phương án thứ hai là tạm thời không nhận những học sinh có nguyện vọng học môn Âm nhạc và Mỹ thuật.
"Khác với quan điểm tích hợp ở bậc học dưới, ở bậc trung học phổ thông chương trình được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Do đó, yêu cầu về năng lực giảng dạy của giáo viên cũng cao hơn rất nhiều. Việc đưa giáo viên ở cấp trung học cơ sở để giảng dạy nhóm môn Nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông chỉ nên là giải pháp tình thế, tạm thời. Còn về lâu dài, chúng tôi cần có thời gian chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và sắp xếp lại nhân sự.
Tôi nghĩ rằng ở trong một quận hay một cụm trường, Sở Giáo dục và Đào tạo nên đầu tư tập trung vào một trường nào đó để các em học sinh có định hướng nghề nghiệp thiên về nghệ thuật có thể đăng ký học khi mà nhiều trường chưa kịp đáp ứng về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên giảng dạy hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật", thầy Nguyễn Quốc Bình nêu quan điểm.
Thầy Bình cho rằng, vì là năm đầu triển khai chương trình mới đối với cấp trung học phổ thông nên sẽ có những khó khăn nhưng sau này khi các trường đã định hình được mô hình phát triển mạnh về khoa học tự nhiên hay mạnh về khoa học xã hội hoặc nghệ thuật thì việc lựa chọn của học sinh cũng dễ dàng hơn.
"Hiện tại, Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã triển khai nội dung Chương trình giáo dục phổ thông mới đến toàn thể giáo viên, phụ huynh, học sinh. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã chọn xong sách giáo khoa để sử dụng cho năm học 2022 - 2023, đồng thời tập huấn bổ sung giáo viên theo chương trình mới...
Giai đoạn đầu triển khai ắt có nhiều lúng túng, bối rối nhưng vạn sự khởi đầu nan, không vì thấy khó mà chúng ta bàn lùi. Tôi hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể, cùng các trường tháo gỡ khó khăn", thầy Bình chia sẻ thêm.