Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được lần đầu triển khai ở cấp trung học phổ thông vào năm học 2022-2023, tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương chưa chuẩn bị xong cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên vì chương trình mới xuất hiện một số môn học mới cũng như nhiều tổ hợp môn theo lựa chọn của học sinh.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Bính - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết:
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên được triển khai đối với cấp trung học phổ thông do đó còn khá nhiều bỡ ngỡ.
Đến nay, nhà trường đã triển khai tới tất cả đội ngũ giáo viên, cán bộ công nhân viên nắm bắt tình hình của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, giáo viên được tập huấn để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới. Đối với kế hoạch tuyển sinh, nhà trường dựa trên hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến năm học 2022-2023 sẽ tuyển 215 học sinh cho 5 lớp khối 10.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mường Tè cho biết, nhà trường đã tiến hành xây dựng kế hoạch tuyển sinh dựa trên nhân lực thực tế có hiện nay. Theo khảo sát học sinh lớp 9 và các khóa trước ở huyện Mường Tè cho thấy, xu hướng của học sinh chủ yếu là lựa chọn tổ hợp các môn Khoa học xã hội.
“Đó cũng là một lợi thế đối với trường chúng tôi khi tổ hợp Khoa học xã hội hiện tại có 13 lớp của 3 khối lớp (10, 11, 12) thì nhà trường đang có 2 giáo viên môn Lịch sử và 2 giáo viên môn Địa lý.
Đối với các môn Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học mặc dù chưa có đủ giáo viên nhưng vẫn đảm bảo duy trì được một số lớp do đó trong kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 tới đây, chúng tôi sẽ định hướng để các em quan tâm tới tổ hợp Khoa học tự nhiên nhiều hơn”, thầy Bính cho biết.
Tuy nhiên, thầy Bính thông tin, dự kiến nhà trường vẫn xây dựng 5 lớp học cho tất cả các môn tự chọn để khi nộp hồ sơ tuyển sinh các em lựa chọn môn học trước, sau đó sẽ tổng hợp lại và xem xét sự chênh lệch.
Nếu số lượng học sinh đăng ký một môn quá nhiều, mà các môn còn lại quá ít học sinh đăng ký thì nhà trường sẽ làm công tác tư vấn có thể thay đổi lớp làm sao đảm bảo điều kiện mở lớp cho các em.
“Theo kế hoạch sau khi bước vào năm học khoảng 2 tuần ổn định, nhà trường sẽ gặp trực tiếp phụ huynh để tư vấn học sinh sau đó mới chốt lớp cho các em. Quá trình tư vấn nhà trường sẽ định hướng các em tập trung nhiều vào các môn có đủ giáo viên”, thầy Bính cho hay.
Học sinh trường trung học phổ thông Mường Tè (ảnh: NTCC) |
Cũng về vấn đề này, ghi nhận tại trường trung học phổ thông Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, thầy Đỗ Thành Công - Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
“Đối với học sinh miền núi thế mạnh của các em chủ yếu ở các môn trong tổ hợp Khoa học xã hội do đó một số tổ hợp môn Khoa học tự nhiên không thể mở lớp chắc chắn sẽ xảy ra”.
Theo thầy Công, huyện Trạm Tấu chỉ có một trường trung học phổ thông, do đó nhiều phương án trong các dự kiến có sẵn không thể áp dụng giải quyết những bất cập.
Ví như hiện nay nhà trường chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật nên dự kiến chưa triển khai học tập đối với 2 môn này trong năm học 2022 - 2023.
Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, nhà trường đang trong quá trình bồi dưỡng giáo viên các môn học ở 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Dự kiến đến hết tháng 5 sẽ hoàn thành mô đun 9.
May mắn hơn các địa phương khác, thầy Vũ Việt Hùng - Trưởng Phòng Giáo dục trung học của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay tỉnh Sơn La mỗi huyện có khoảng 3 trường trung học phổ thông, môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp trung học cơ sở được triển khai trước cũng đã có một số giáo viên đáp ứng được điều kiện giảng dạy cấp trung học phổ thông.
“Trước mắt chúng tôi định hướng các trường trung học phổ thông có thể triển khai môn học này. Tuy nhiên sẽ không triển khai hết được trên tất cả các địa bàn bởi nếu muốn dạy trung học phổ thông phải có bằng cử nhân, một số giáo viên cũng chưa đáp ứng được”, thầy Hùng thông tin.
Cũng theo Trưởng Phòng Giáo dục trung học của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, cơ bản tỉnh cũng gặp những khó khăn ban đầu như một số địa phương tuy nhiên Sở đã có dự toán sớm, chỉ đạo các nhà trường khảo sát năng lực hoc sinh khóa trước khi các em lựa chọn tổ hợp trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Kết quả năm 2021 cho thấy có khoảng 70% học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội, 30% chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên. Dựa trên cơ sở đó nhà trường sẽ dự kiến trước một số tổ hợp.
Theo thầy Hùng giải pháp về lâu dài sẽ phải có cơ chế giáo viên ở một trường có thể được giảng dạy ở các trường trên địa bàn.
“Ở Sơn La mỗi huyện có khoảng 3 trường trung học phổ thông cũng có huyện có 5 trường trung học phổ thông nên về lâu dài, Sở sẽ có định hướng mời các thầy cô thỉnh giảng, mỗi một huyện chỉ cần một số thầy cô nhất định để có thể dạy cho tất cả các trường trên cùng địa bàn”, thầy Hùng cho biết.
Tuy nhiên đối với những huyện địa hình ở vùng cao đặc thù đồi núi khó khăn cho việc di chuyển, mặc dù có nhiều trường trung học phổ thông trong một huyện nhưng khoảng cách giữa các trường khá xa, gần nhất cũng khoảng 10 cây số trở lên. Do đó, đối với phương án các trường trên địa bàn phối hợp mở lớp cho các môn ít học sinh đăng ký còn phải xem xét khi đi vào thực tế nhưng rõ ràng dựa trên cơ sở về khoảng cách địa lý là rất khó thực hiện.