Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp HN nói về định hướng thành ĐH Công nghiệp HN

29/08/2023 06:33
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Định hướng trở thành ĐH Công nghiệp Hà Nội sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, người học sẽ được dạy bởi thầy giỏi nhất, được thực hành trên những thiết bị tốt nhất.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) mới thành lập Trường Cơ khí - Ô tô, đây là trường thứ 2 trong hệ thống các trường được thành lập; là một dấu mốc quan trọng trong quá trình thực hiện mô hình quản trị mới, phát triển Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, lắng nghe những chia sẻ về định hướng sắp tới của nhà trường.

Phóng viên: Tiền thân của Trường Cơ khí - Ô tô là 2 khoa Cơ khí và Công nghệ Ô tô, xin ông cho biết những thế mạnh của nhà trường đối với nhóm ngành này? Những thông tin về tuyển sinh, đào tạo đối với các ngành này trong các năm qua?

Tiến sĩ Kiều Xuân Thực: Trường Cơ khí - Ô tô là trường thứ 2 trong hệ thống các trường được thành lập đã đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình thực hiện mô hình quản trị mới, hướng tới chuyển Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành Đại học Công nghiệp Hà Nội vào năm 2025.

Tiến sĩ Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Mộc Trà.
Tiến sĩ Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Mộc Trà.

Trường Cơ khí - Ô tô được thành lập trên cơ sở sáp nhập và phát triển Khoa Cơ khí và Khoa Công nghệ Ô tô của nhà trường. Đây là 2 khoa có bề dày truyền thống gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của HaUI; là đơn vị mũi nhọn của nhà trường về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ lĩnh vực Cơ khí.

Trường Cơ khí - Ô tô có đội ngũ cán bộ, nhà giáo giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, là đơn vị có số cán bộ, giảng viên trình độ cao đứng đầu trong nhà trường với trên 50 cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.

Trong đó, nhiều thầy giáo, cô giáo là những nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí động lực, được đào tạo bài bản từ các cơ sở giáo dục đại học uy tín trong nước và nước ngoài.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong một giờ thực hành. Ảnh: Mộc Trà.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong một giờ thực hành. Ảnh: Mộc Trà.

Cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu tại trường này được đánh giá là một trong những cơ sở có hệ thống trang thiết bị đồng bộ và hiện đại nhất, được thiết kế liên hoàn và tạo thành không gian mở cho học viên, sinh viên học tập, nghiên cứu và thỏa sức sáng tạo.

Đặc biệt, trường được nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI quan tâm trong tuyển dụng và hỗ trợ học bổng, tài trợ cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu...

Hằng năm, Trường Cơ khí - Ô tô cung cấp hàng nghìn kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực cơ khí - ô tô.

Kết quả khảo sát những năm gần đây cho thấy tại thời điểm tốt nghiệp, trên 80% các em sinh viên có việc làm và sau 6 tháng tốt nghiệp, trên 96% các em sinh viên có việc làm đúng ngành nghề đào tạo.

Với chất lượng đào tạo tốt, tỉ lệ có việc làm cao, các chương trình đào tạo thuộc Trường Cơ khí - Ô tô hằng năm thu hút 12.000-15.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường này chỉ khoảng 1.300.

Cán bộ viên chức Trường Cơ khí - Ô tô, thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội quyết tâm gìn giữ truyền thống, đổi mới, sáng tạo, trở thành địa chỉ uy tín, chất lượng cao trong đào tạo lĩnh vực cơ khí, ô tô. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Cán bộ viên chức Trường Cơ khí - Ô tô, thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội quyết tâm gìn giữ truyền thống, đổi mới, sáng tạo, trở thành địa chỉ uy tín, chất lượng cao trong đào tạo lĩnh vực cơ khí, ô tô. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Phóng viên: Để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động mang tính hội nhập quốc tế cao, đâu là yếu tố then chốt mà nhà trường chú trọng?

Tiến sĩ Kiều Xuân Thực: Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng thị trường lao động và hội nhập quốc tế là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Hàng loạt hoạt động như phát triển, bồi dưỡng đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp và tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong dạy - học,… được nhà trường triển khai thường xuyên và đồng bộ để hiện thực hóa mục tiêu này.

Ngoài ra, để khẳng định và giải trình chất lượng giáo dục với người học, doanh nghiệp và các bên quan tâm, nhà trường cũng tích cực triển khai kiểm định chất lượng tất cả các chương trình đào tạo bởi các tổ chức kiểm định trong và ngoài nước.

Thời điểm hiện nay, gần 40% số chương trình đào tạo trình độ đại học của nhà trường đã đạt kiểm định trong nước, dự kiến đến cuối năm 2023, khoảng 60% số chương trình đào tạo đạt kiểm định trong nước, 10% số chương trình đào tạo đạt kiểm định ngoài nước và đến cuối năm 2025 sẽ có 100% số chương trình đào tạo đạt kiểm định trong nước, 15% số chương trình đào tạo đạt kiểm định ngoài nước.

Đối với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, sự ra đời của Trường Cơ khí - Ô tô sẽ tiếp tục thúc đẩy đổi mới quản trị, nâng cao năng lực tự chủ, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ giáo dục, khoa học công nghệ và phục vụ cộng đồng để thực hiện thành công sứ mạng “Đào tạo nhân lực chất lượng cao; sáng tạo và chuyển giao tri thức, công nghệ tới xã hội và cộng đồng đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp, phục vụ xã hội và đất nước”.

Doanh nghiệp trao tặng Trường Cơ khí - Ô tô thiết bị phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Doanh nghiệp trao tặng Trường Cơ khí - Ô tô thiết bị phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Phóng viên: Chiến lược phát triển trong thời gian tới của nhà trường ra sao để đến gần hơn với mục tiêu? Thực tế, một số cơ sở giáo dục đại học hiện vẫn đang gặp khó trong việc thu hút và giữ chân giảng viên có trình độ tiến sĩ, vấn đề này đối với nhà trường có phải “bài toán khó” trong các năm qua?

Tiến sĩ Kiều Xuân Thực:cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực (51 ngành thuộc 07 lĩnh vực), Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang tái cấu trúc và thực hiện mô hình quản trị mới theo hướng thành lập các trường trên cơ sở sáp nhập từ các khoa có cùng lĩnh vực đào tạo và tăng cường phân cấp, phân quyền cho các trường này.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2020-2025, nhà trường đặt ra mục tiêu thành lập từ 4-5 trường thuộc HaUI và chúng tôi đang thực hiện đúng lộ trình để hoàn thành mục tiêu này vào cuối năm 2025.

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, ngoài tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường cũng tích cực chuẩn bị điều kiện về con người.

Ngoài việc cần có đủ đội ngũ giảng viên để duy trì và phát triển các chương trình đào tạo, nhà trường còn phải chuẩn bị đủ đội ngũ cán bộ quản lý các cấp để có thể tăng cường phân cấp, phân quyền, thúc đẩy tự chủ ở các trường thuộc HaUI theo mô hình quản lý mới.

Nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ kinh phí cho nhân lực trình độ cao chuyển công tác về Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang là những giải pháp được chú trọng triển khai để thu hút, giữ chân giảng viên, chuyên gia giỏi.

Dự án BUILD-IT của USAID hỗ trợ HaUI nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, sẵn sàng cho kiểm định theo chuẩn ABET của Hoa Kỳ. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Dự án BUILD-IT của USAID hỗ trợ HaUI nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, sẵn sàng cho kiểm định theo chuẩn ABET của Hoa Kỳ. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Phóng viên: Việc thành lập các trường thuộc Trường Đại học công nghiệp Hà Nội và việc chuyển Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành Đại học Công nghiệp Hà Nội sau này có lợi ích gì với sinh viên, thưa ông?

Tiến sĩ Kiều Xuân Thực: Nhà trường luôn nhất quán quan điểm “Một Đại học Công nghiệp Hà Nội”, theo đó việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp và đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo đều do Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức thực hiện theo chính sách, chế độ và mục tiêu phát triển chung, các trường được thành lập chỉ khác các khoa trước đây ở chỗ được phân cấp, phân quyền nhiều hơn để phát triển các dịch vụ khoa học công nghệ, hợp tác doanh nghiệp, phục vụ cộng đồng, thông qua đó huy động được nhiều nguồn lực hơn cho nâng cao chất lượng đào tạo.

Đặc biệt, do các trường được thành lập từ các khoa trong cùng lĩnh vực, nên sẽ loại trừ sự dàn trải về đội ngũ, cơ sở vật chất từ đó có thể phát triển được các chương trình đào tạo liên ngành đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội và nâng cao chất lượng đào tạo vì với mỗi môn học, người học sẽ được dạy bởi thầy giỏi nhất và được thực hành, thí nghiệm trên những thiết bị tốt nhất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Mộc Trà