Điểm chuẩn một số ngành, lĩnh vực sẽ giảm 0,25-0,5 điểm
Năm 2023, Trường Đại học Thương mại tuyển sinh 4.900 chỉ tiêu, với 5 phương thức xét tuyển.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông (Trường Đại học Thương mại) thông tin, các nhóm ngành tuyển sinh hot năm nay của nhà trường gồm Marketing (3 chuyên ngành Marketing số, Marketing thương mại, Quản trị thương hiệu); ngành Thương mại điện tử (Quản trị thương mại điện tử); ngành Kinh doanh quốc tế (Thương mại quốc tế).
“Theo dự báo, những ngành này năm nay vẫn sẽ giữ được phong độ như những năm trước, với mức điểm chuẩn khoảng 27 điểm. Ngay trong các phương thức xét tuyển khác, những ngành này cũng được rất nhiều thí sinh đăng ký” - ông Thái cho biết.
Tuy nhiên, Trường Đại học Thương mại cũng đang gặp khó trong việc tuyển sinh một số ngành chất lượng cao.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông (Trường Đại học Thương mại). Ảnh: NVCC. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thái lý giải: “Do năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BGDĐT bãi bỏ Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, cùng với một số kênh báo chí đã thông tin về “Xóa sổ chương trình chất lượng cao ở đại học”... do không hiểu rõ về nội hàm của thông tư, đã khiến nhiều thí sinh hoang mang.
Điều này dẫn đến tình trạng như qua theo dõi lượng thí sinh đăng ký bằng các phương thức xét tuyển sớm, cho thấy, tỉ lệ đăng ký ở cá chương trình chất lượng cao hiện nay giảm đáng kể so với năm 2022.
Chính vì vậy, dự báo năm nay, điểm chuẩn của nhóm ngành này sẽ có xu hướng giảm khoảng 0,5 điểm so với năm trước.
Ngoài ra, điểm chuẩn các ngành như Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn cũng có xu hướng giảm 0,5 điểm, do nhóm ngành này bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, chưa thực sự phục hồi sau dịch”.
Hội nghị và triển lãm kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Thương mại năm học 2022-2023. Ảnh: website trường. |
Năm 2023, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh 51 ngành/chương trình đào tạo đại học chính quy với 7.500 chỉ tiêu, qua 6 phương thức xét tuyển, trong đó, phân bổ khoảng 65% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo Tiến sĩ Thân Thanh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội), hiện tại, các ngành/chương trình đào tạo lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, lĩnh vực kinh doanh và quản lý... vẫn đang thu hút nhiều thí sinh.
“Thực tế hiện nay, nhà trường không gặp khó trong việc tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu tối ưu hóa phương thức tuyển sinh để nâng cao chất lượng nguồn tuyển” - vị Trưởng phòng Đào tạo chia sẻ.
Tiến sĩ Thân Thanh Sơn cũng cho biết: “Qua phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, điểm bình quân tổ hợp D01 năm 2023 tăng so với 2022, phổ điểm từ 21 đến dưới 26 năm 2023 tăng trên 100.000 thí sinh, từ 26 trở lên tăng trên 2.000 thí sinh.
Thông thường, các ngành sử dụng tổ hợp D01 để xét tuyển đồng thời cũng sử dụng các tổ hợp khác như các tổ hợp khối D đối với các ngành lĩnh vực Kinh doanh quản lý, Nhân văn... hay tổ hợp A00, A01 để xét tuyển các ngành lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật...
Năm 2023, hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh chỉ cần đăng ký trường và ngành, hệ thống sẽ tự động chọn tổ hợp tốt nhất cho các em.
Do đó, năm 2023, những ngành, lĩnh vực xét kết hợp D01 với các tổ hợp khối D khác, nếu năm 2022 điểm chuẩn trong phổ 21 đến 26 điểm sẽ tăng khoảng 0,25-0,5 điểm, nếu xét kết hợp với tổ hợp A00 có thể ổn định hoặc giảm bình quân khoảng 0,25 điểm, bởi vì điểm trung bình tổ hợp A00 năm 2023 giảm so với 2022”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Thân Thanh Sơn cũng nhấn mạnh đây là dự đoán mang tính chất tham khảo. Điểm chuẩn còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như chỉ tiêu phân bổ cho phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông,…
Theo dự kiến, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ công bố điểm chuẩn đại học chính quy năm 2023 theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước 17 giờ ngày 22/8.
Cần đa dạng hóa hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng tuyển sinh và đào tạo, Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho rằng: “Thứ nhất, về đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn tuyển/tuyển sinh: Cần đa dạng hóa các hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp để thí sinh nắm được đầy đủ triết lý giáo dục, mục tiêu đào tạo của nhà trường, hiểu rõ về lĩnh vực, ngành/chương trình đào tạo mà mình mong muốn theo học.
Tối ưu hóa phương thức tuyển sinh nhằm chọn được đối tượng phù hợp với triết lý giáo dục, mục tiêu đào tạo của nhà trường và nâng cao chất lượng nguồn tuyển.
Minh bạch hóa các hoạt động của nhà trường đối với người học như: học phí, lộ trình học tập, năng lực đào tạo, cơ hội việc làm phù hợp với ngành học…
Tiến sĩ Thân Thanh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Thứ hai, để nâng cao chất lượng đào tạo: Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng tốt các yêu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp và được người học và xã hội công nhận cũng là chìa khóa quan trọng để nâng cao hiệu quả, chất lượng tuyển sinh.
Để nâng cao chất lượng đào tạo cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng theo tôi, cần tập trung vào 2 nhóm giải pháp lớn:
Đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo: Định kỳ và thường xuyên các chương trình đào tạo được rà soát, cập nhật về nội dung giảng dạy đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định trong và ngoài nước. Mặt khác, các hoạt động dạy - học cũng được đổi mới, chuyển từ đào tạo truyền thống sang đào tạo trực tuyến/kết hợp nhằm đáp ứng cá thể hóa người học. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để đảm bảo đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.
Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: website trường. |
Nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất: Tiếp tục đầu tư từ các nguồn thu của nhà trường kết hợp với nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng hạ tầng, trang thiết bị của phòng thực hành, thí nghiệm... đảm bảo tính kết nối, liên thông, đồng bộ, hiện đại, tạo không gian, môi trường học tập mở, sáng tạo, phát huy tính tích cực và chủ động của sinh viên. Xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng đội ngũ giảng viên trình độ cao, tâm huyết với nghề, đồng thời với việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, phát triển chương trình đào tạo. Tiến tới, các ngành đều có đội ngũ chuyên gia đầu ngành để chủ trì và duy trì các chương trình đào tạo”.
Về phía Trường Đại học Thương mại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thái cũng bày tỏ: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có công tác truyền thông chủ động hơn về tuyển sinh, các cơ quan báo chí - truyền thông phải đi trước đón đầu, thông tin kịp thời, chính xác.
Theo tôi, quan trọng nhất là giữ được sự ổn định trong quy chế tuyển sinh trong một khoảng thời gian, không nên mỗi năm có một thay đổi, nếu thay đổi quá nhiều sẽ dễ dẫn đến những xáo trộn, gây hoang mang cho thí sinh và xã hội, cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục.
Nếu có sự thay đổi, điều chỉnh về các quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thông báo sớm, cần có thông tin đầy đủ, chính xác để truyền thông chính xác, tránh những hiểu lầm đối với các thí sinh”.