PGS.TS. Lại Quốc Khánh - Phó Chủ nhiệm Khoa Khoa học Chính trị (Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) nhận định, Di chúc là một tác phẩm “đặc biệt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tài sản vô cùng quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, giá trị thực tiễn sâu sắc, không chỉ trong quá khứ mà cả trong thời kỳ đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh vấn đề đoàn kết trong Đảng.
3 vấn đề then cốt giữ gìn đoàn kết trong Đảng
Khi nói về Đảng, vấn đề đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đó là vấn đề “đoàn kết”. Trong những “điều mong muốn cuối cùng” ở Di chúc, Người tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của vấn đề này:
Thứ nhất, đoàn kết trong Đảng là một cơ sở của đoàn kết nhân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, là một cội nguồn làm nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ hai, đi qua sự nghiệp cách mạng trường kỳ, đoàn kết đã trở thành một truyền thống cực quý báu của Đảng và của dân ta. Chính vì thế, toàn thể đảng viên từ Trung ương đến các chi bộ đều có trách nhiệm phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Thứ ba, không chỉ cần được bảo vệ, gìn giữ, sự đoàn kết trong Đảng còn cần được không ngừng củng cố và phát triển. Cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng là thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng là thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". |
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật đã phân tích những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình hình khó khăn của đất nước, đồng thời cũng đã kiên quyết chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này: “Mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, đầu óc địa vị, tư lợi, chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa cục bộ và bệnh quan liêu trong công tác cán bộ đều gây ra những hậu quả xấu đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và sự đoàn kết trong Đảng”; “Tình trạng tập trung quan liêu, gia trưởng, độc đoán, không tôn trọng ý kiến cấp dưới, không phát huy trí tuệ tập thể dẫn tới những quyết định sai lầm, làm suy yếu sự đoàn kết trong Đảng”; “Có tình trạng thiếu nhất trí về một số quan điểm và sự thiếu ăn khớp trong phong cách và quan hệ làm việc giữa một số cán bộ lãnh đạo các cấp. Bệnh cục bộ, địa phương còn nặng. Do đặc điểm của quá trình cách mạng ở nước ta, đội ngũ cán bộ ở mỗi miền, mỗi địa phương có sự hình thành và phát triển khác nhau; sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau chưa đầy đủ. Kẻ thù và những phần tử xấu lợi dụng tình hình này để kích động, gây chia rẽ”.
Để khắc phục, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong xây dựng Đảng, trong lãnh đạo cách mạng, Đại hội đã nêu rõ quyết tâm thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện 5 yêu cầu:
Một là, đoàn kết nhất trí là “bản chất của Đảng”.
Hai là, Đảng có truyền thống đoàn kết nhất trí tốt đẹp, nhờ đó đã đoàn kết được đông đảo nhân dân, đưa sự nghiệp cách mạng đến những thắng lợi vẻ vang.
Ba là, tăng cường đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng và tổ chức trên cơ sở hệ tư tưởng Mác - Lênin, đường lối, quan điểm và nguyên tắc tổ chức của Đảng luôn luôn là vấn đề sống còn của cách mạng.
Bốn là, đoàn kết trong Đảng không phải là “bằng mặt mà không bằng lòng”; mà là sự đoàn kết được xây dựng trên cơ sở đấu tranh để bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng. Đoàn kết không có nghĩa là không có ý kiến khác nhau. Thông qua trao đổi, thảo luận sẽ đi đến nhất trí; nếu còn khác nhau, thì quá trình thực tiễn sẽ làm sáng tỏ và đạt đến sự nhất trí cao hơn. Nhưng trong sinh hoạt của Đảng, phải tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ và tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Trung ương.
Năm là, phải chăm lo giữ gìn sự đoàn kết trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở đó, tăng cường đoàn kết trong toàn Đảng.
Các đại hội sau này của cũng thẳng thắn chỉ ra: “Công tác xây dựng Đảng chuyển biến chậm”; “Bên cạnh những ưu điểm, đang nổi lên một số mặt yếu kém và khuyết điểm, nhất là khuyết điểm về công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, chưa ngăn chặn và đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống. Một số tổ chức đảng ở các cấp chưa được chỉnh đốn; dân chủ bị vi phạm, kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo, nội bộ không đoàn kết”.
Kiên quyết xử lý tham nhũng, bất kể chức vụ nào
Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam và của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một cuội nguồn làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc và của Đảng. Tuy vậy, đoàn kết không tự nhiên mà có mà lại rất dễ bị suy yếu, bị mất đi. Ý thức sâu sắc thực tế này, trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng, đặc biệt là trên phương diện người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết trong Đảng.
Người cảnh báo những nguy cơ có thể dẫn đến sự mất đoàn kết, chia rẽ trong Đảng. Người thẳng thắn phê phán những cấp ủy Đảng và đảng viên để xảy ra tình trạng mất đoàn kết trong Đảng. Người phân tích sâu sắc những nguyên nhân và chỉ ra những giải pháp cụ thể để gìn giữ, củng cố, tăng cường sự đoàn kết trong Đảng. Người yêu cầu tất cả mọi đảng viên, từ Trung ương đến các chi bộ phải hiểu rõ, trân quý và bảo vệ sự đoàn kết trong Đảng như một phần máu thịt quý báu nhất của cơ thể mình.
Sau Đại hội VI, VII, VIII và IX, báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam (2006) đề cập đến vấn đề đoàn kết trong Đảng với hai quan điểm rất mới:
Một là, “Xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; những người bao che cho tham nhũng, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Biểu dương và nhân rộng những gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
Hai là, “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, thực hiện luân chuyển cán bộ, khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ về cán bộ. Tăng cường trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là thủ trưởng cơ quan nhà nước. Cơ quan nào vi phạm chính sách, pháp luật, để xảy ra tình trạng tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”.
PGS.TS Lại Quốc Khánh - Phó Chủ nhiệm Khoa Khoa học Chính trị - Đại học KHXH&NV Hà Nội. |
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam (2011) trở lại quan tâm mạnh mẽ đến vấn đề đoàn kết trong Đảng. Báo cáo chỉ rõ: “Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp uỷ chưa tốt”, và “nguyên tắc tập trung dân chủ còn bị vi phạm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng”.
Đại hội XI là đại hội thể hiện quyết tâm rất cao trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ra Nghị quyết số 12-NQ/TW về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) tiếp tục nhấn mạnh, đoàn kết vừa là một tư tưởng chỉ đạo hoạt động tự phê bình và phê bình, vừa là một tiêu chí đánh giá ưu điểm và khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vừa là một sự cam kết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vừa là một điểm tựa quan trọng để “lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy những kết quả bước đầu quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế yếu kém, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực sự là Đảng cách mạng chân chính, gắn bó máu thịt với nhân dân”.
Trong bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tôi tin tưởng rằng, với thành công của Hội nghị lần này và sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự ủng hộ hưởng ứng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nhất định chúng ta sẽ tổ chức thực hiện thành công các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng”.