Hoa hậu-đại gia đã quá ồn ào, không thể cho cả trẻ em đi thi hoa hậu được!

22/07/2022 06:38
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, với tư cách một cán bộ nhiều năm làm công tác bảo vệ trẻ em, ông phản đối việc cho trẻ em đi thi hoa hậu

Thời gian qua, đặc biệt là sau khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được phổ biến các cuộc thi hoa hậu, người đẹp đã nở rộ bất thường.

Một trong những điểm mới của Nghị định 144/2020/NĐ-CP là việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chấp thuận mà không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Việc cấp phép cho các thí sinh người đẹp Việt Nam tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế cũng được xóa bỏ. Thay vào đó chỉ cần đáp ứng các yêu cầu: Có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi, không vi phạm pháp luật, không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn. Bên cạnh đó, Nghị định cũng không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu và bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ…(1)

Theo thống kê, đã có hàng loạt các cuộc thi hoa hậu, người đẹp đã được tổ chức thời gian qua như: Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên Hợp Quốc Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Miss Fitness Vietnam, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam...

Đó là còn nhiều cuộc thi dự kiến diễn ra như: Hoa hậu Thế giới Việt Nam (12/8), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam (22/10), Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15/12), Miss Peace Vietnam (11/9), Miss Grand Vietnam (25/9), Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam (22/10), Hoa hậu Trái đất Việt Nam (30/12)...

Không chỉ có các cuộc thi hoa hậu, người đẹp cho người lớn, vừa qua một số phương tiện thông tin đăng tải thông tin công bố về cuộc thi “Hoa hậu thiếu niên Việt Nam năm 2022”.

Đáng nói, lứa tuổi tham gia cuộc thi này có cả các các em học sinh đang trong độ tuổi áo trắng đến trường, từ 13 – 19 tuổi.

Theo thông tin mới nhất, tại họp báo thường kỳ chiều 21/7, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cuộc thi không được Sở cấp phép, trái với thông tin bà Nguyễn Như Quỳnh - Giám đốc Q Talent, đơn vị tổ chức - công bố trong một cuộc gặp gỡ báo chí.

Đại diện Sở cho biết ở buổi làm việc sáng nay (21/7), người đại diện cuộc thi thừa nhận sai sót khi chưa làm thủ tục hành chính về việc tổ chức họp báo giới thiệu cuộc thi, cũng như xin giấy phép cho chương trình này.

Cơ quan chức năng đề nghị đơn vị rút kinh nghiệm, làm báo cáo giải trình. Sau khi hoàn thành hồ sơ liên quan, Sở sẽ đưa ra biện pháp xử lý. Bà Thanh Thúy kêu gọi các đơn vị khi tổ chức cuộc thi cần tuân thủ quy định pháp luật, tạo môi trường hoạt động lành mạnh.

Ông Từ Lương, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết đang phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao để rà soát hồ sơ, củng cố thông tin xử lý vi phạm. (1)

Dù vậy, thông tin về cuộc thi Hoa hậu thiếu niên Việt Nam đã gây bức xúc với các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải xem lại khi có quá nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp diễn ra như vậy. Ảnh: VOV

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải xem lại khi có quá nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp diễn ra như vậy. Ảnh: VOV

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết:

“Văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay bao đời nay vẫn luôn hướng về cái đẹp, nhất là ca ngợi sắc đẹp của người phụ nữ. Bên cạnh đó, dân gian luôn so sánh giữa sắc, tài, nết. Ông bà ta nói, “cái nết đánh chết cái đẹp”.

Ngày xưa, nói đến thi hoa hậu là tìm ra những người phụ nữ đẹp đại diện cho hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam. Những người đẹp này sẽ đại diện cho phụ nữ Việt để lan tỏa những giá trị nhân văn, tốt đẹp trong cuộc sống, khuyến khích phụ nữ thể hiện mình để sống tốt hơn, đóng góp nhiều hơn trong cuộc sống. Lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Người Việt Nam bao giờ cũng xem trọng văn hóa, tính nhân văn. Nhưng các cuộc thi hoa hậu gần đây, cái nết - cái đẹp của các thí sinh vẫn còn quá nhiều chuyện để bàn, những ồn ào, thị phi liên quan đến văn hóa ứng xử của các thí sinh vẫn diễn ra.

Thi hoa hậu không phải để lấy chồng đại gia, đeo mác để lấy chồng nước ngoài… hay đi thi hoa hậu để đổi đời?

Theo tôi, các nhà quản lý cần phải xem xét lại việc có quá nhiều cuộc thi người đẹp như vậy diễn ra. Nếu nhiều cuộc thi hoa hậu như vậy thì hoa hậu sẽ đóng góp gì cho cộng đồng? Lan tỏa giá trị gì?

Thời gian qua công chúng cũng không ít lần chứng kiến cảnh không hay về các cô hoa hậu nọ, á hậu kia…

Nên nhớ, hoa hậu không phải đẹp là đủ, mà còn phải có tri thức, văn hóa”.

Nói về cuộc thi Hoa hậu thiếu niên 2022, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Đức cho rằng việc này các cơ quan quản lý về bảo vệ trẻ em cần có tiếng nói để đảm bảo tuân thủ theo Luật trẻ em.

“Nếu thông tin các thí sinh có thể tham gia từ 13 tuổi đến 19 tuổi là có thật, tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần phải cân nhắc kỹ việc này bởi vì trẻ em ở Việt Nam được quy định là dưới 16 tuổi.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An, những cuộc thi mang tính thương mại lợi dụng hình ảnh của trẻ em phải cấm tuyệt đối. Trong ảnh: một cuộc thi hoa hậu nhí đã được tổ chức. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam

Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An, những cuộc thi mang tính thương mại lợi dụng hình ảnh của trẻ em phải cấm tuyệt đối. Trong ảnh: một cuộc thi hoa hậu nhí đã được tổ chức. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam

Nếu các em đi thi như vậy, liệu có đảm bảo về mặt pháp luật hay không? Đặc biệt ở tuổi như vậy các em đang hình thành nhân cách và nhận thức, việc hướng các em tham gia cuộc thi hoa hậu để hướng đến điều gì?

Ở tuổi này, khoác lên vai các em ánh sáng của sự nổi tiếng, rồi sau này có những va vấp xã hội, áp lực dư luận dành cho người nổi tiếng… các em có chịu nổi không”.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Đức cho rằng ở tuổi này, các em nên được trau dồi những kỹ năng về văn hóa, tri thức, cách ứng xử hơn là tham gia những câu chuyện hào nhoáng của sân khấu dành cho người lớn.

Là người gắn bó với công tác chăm sóc trẻ em, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, không thể để một cuộc thi hoa hậu cho cả trẻ em tham dự bởi có những dấu hiệu vi phạm quyền trẻ em.

“Như tôi đã phát biểu nhiều lần trên các diễn đàn về bảo vệ quyền trẻ em. Trẻ em phải được bảo vệ bởi người lớn và các cơ quan tổ chức, trẻ em không phải là “công cụ kiếm tiền” của người lớn.

Tôi nói như vậy bởi cuộc thi có giới hạn độ tuổi từ 13 tuổi đến 19 tuổi tham gia cuộc thi. Trong khi đó độ tuổi là trẻ em của Việt Nam quy định là dưới 16 tuổi. Vậy các em dưới 16 tuổi tham gia cuộc thi này các em được cái gì?

Các em có cần đến giải thưởng này, kia hay không? Các em cần là được vui chơi, được hưởng cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc chứ không phải áp lực từ các cuộc thi, sự nổi tiếng... để rồi có những hậu quả chúng ta không thể lường hết được.

Đặc biệt, là gần đây nhiều vụ xâm hại trẻ em, nhất là các em học sinh nữ, nên cái chúng ta cần làm là bảo vệ trẻ em để các em yên tâm học hành, phát triển cá nhân”, bác sĩ Nguyễn Trọng An gay gắt.

Nguyên Phó cục trưởng cục bảo vệ Trẻ em cho rằng: “Các cơ quan chức năng cần kiểm soát hết sức chặt chẽ những hoạt động có liên quan đến trẻ em. Các cuộc thi, hoạt động giải trí gắn mác “nhí” có yếu tố sử dụng hình ảnh trẻ em, thậm chí lợi dụng trẻ em để kiếm tiền cần phải được kiểm soát, thậm chí cấm không được diễn ra. Có như vậy, chúng ta mới có thể bảo vệ trẻ em một cách an toàn”.

* Tài liệu tham khảo:

(1) https://luatvietnam.vn/van-hoa/nghi-dinh-144-2020-hoat-dong-nghe-thuat-bieu-dien-195588-d1.html

Trần Phương