Cứ vào mỗi mùa thi cử thì câu chuyện học bạ và điểm thi luôn là đề tài bàn tán sôi nổi của nhiều người ở mọi lúc, mọi nơi.
Danh sách đủ điều kiện dự tuyển vào lớp 6 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam với điểm "toàn 10". (Ảnh: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam). |
Thiên hạ bàn tán vì những điều vô lý nhưng lại cứ tổn tại hiển nhiên năm này qua năm khác. Nhiều người thắc mắc, học sinh giỏi xuất sắc bao năm mà thi tuyển sinh / chuyển cấp lại chỉ đạt điểm 1, điểm 2.
Thậm chí có không ít người cho rằng, điểm thi là điểm thật còn điểm học bạ là điểm của cha, mẹ, thầy cô…
Bảng điểm công khai trên trang Web của Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, Hà Nội, công bố kết quả điểm tuyển sinh lớp 6 hệ chất lượng cao năm học 2020-2021. |
Chuyện điểm học bạ và điểm thi chênh nhau cũng là điều bình thường. Thế nhưng chênh nhau ở mức độ nào thì trở nên bất thường?
Từ thực tiễn giảng dạy của bản thân người viết, chúng tôi cho rằng điểm học bạ và điểm thi chỉ lệch nhau vài ba điểm, học bạ đạt điểm giỏi (9,10) mà điểm thi chỉ ở mức khá (7,8 điểm) thì không có gì đáng bàn.
Hay như điểm học bạ đạt khá mà điểm thi chỉ đạt trung bình cũng chẳng có gì lạ.
Đằng này, có những em, điểm học bạ đạt 9, 10 mà điểm thi chỉ đạt điểm 1, điểm 2 thậm chí là 0.5 hay 0.75 điểm thì đây không thể là điều bình thường được nữa.
Trở lại câu chuyện điểm thi vào lớp 6 trên địa bàn Hà Nội vừa qua, mức chênh lệch điểm học bạ và điểm thi của một số học sinh đã làm dư luận đặc biệt quan tâm. Một số phụ huynh cho rằng điểm học bạ là điểm chạy, người khẳng định là do căn bệnh thành tích mà ra…
Nhưng lý giải cho chuyện lệch điểm quá nhiều nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội lại có cái nhìn hoàn toàn khác.
“Có thể đánh giá đây là thi tuyển đầu vào của hệ chất lượng cao nên sẽ có khác về chất lượng, còn học bạ là điểm đánh giá ở cấp Tiểu học theo chuẩn đánh giá kỹ năng phổ cập. Cũng có thể hiểu là các em học sinh chưa làm những dạng bài cao như vậy bao giờ thì cũng sẽ khó mà đạt được điểm cao, thậm chí có thể còn không làm được.
Vậy nên có em điểm thi chỉ đạt dưới trung bình là điều dễ hiểu, nó khác chuẩn trình độ thì cũng khó có thể so sánh được, còn nếu ra đề đó với mục đích kiểm tra kiến thức học sinh Tiểu học thì vấn đề lại khác.
Còn đương nhiên câu chuyện ở đây là những em học sinh đạt 1 điểm và 0,75 thì cũng có thể tùy theo từng đề thi để mà đánh giá, có thể là đề thi đó khó đều, các em chưa bao giờ làm dạng đề như vậy nên sẽ bị điểm thấp”.
Thầy Cường nêu quan điểm: “Tôi cho rằng không thể dùng một vài điểm thấp đó để đánh giá cho cả mặt bằng chung được, một khi đã khác về chuẩn đánh giá thì chúng ta cũng khó có thể kết luận được điều gì trong khi những em đạt điểm thấp chỉ là thiểu số.
Đối với những em học sinh trong học bạ toàn 9,5 điểm nhưng điểm bài thi tuyển đầu vào thấp như vậy thì cũng chỉ là cá biệt. Còn nếu tất cả các em đều như vậy thì mới là câu chuyện đáng phải suy nghĩ.
Không thể dùng việc cá biệt để đánh giá cho số đông, việc này chỉ phản ánh một thực trạng là kỳ thi này rất khó, và với việc đề thi khó như vậy thì điểm thi thấp cũng là một điều dễ hiểu”.
Là một giáo viên đang trực tiếp đứng lớp, người viết không đồng tình với quan điểm của Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh.
Thứ nhất, nếu xem hết bảng điểm ngoài những em điểm học bạ quá cao mà điểm thi lẹt đẹt thì còn khá nhiều em điểm học bạ thấp nhưng điểm thi lại khá cao. Như vậy, không thể nói là đề thi quá khó.
Thứ hai, thầy Cường nói: “Có thể đánh giá đây là thi tuyển đầu vào của hệ chất lượng cao nên sẽ có khác về chất lượng, còn học bạ là điểm đánh giá ở cấp Tiểu học theo chuẩn đánh giá kỹ năng phổ cập. Cũng có thể hiểu là các em học sinh chưa làm những dạng bài cao như vậy bao giờ thì cũng sẽ khó mà đạt được điểm cao, thậm chí có thể còn không làm được.
Theo tinh thần chỉ đạo của Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT về cách dạy và ra đề kiểm tra định kì phù hợp chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực cho học sinh.
Đề kiểm tra sẽ được thiết kế gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức như sau:
- Mức 1: nhận biết, nhắc lại được kiến thức, kĩ năng đã học;
- Mức 2: hiểu kiến thức, kĩ năng đã học, trình bày, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân;
- Mức 3: biết vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống;
- Mức 4: vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt;
Nói một cách dễ hiểu, theo Thông tư 22 thì đề kiểm tra của học sinh tiểu học sẽ ra theo 4 mức, các bài ở mức 4 đã vượt chuẩn 20% rồi và chỉ rất ít học sinh (phải thật sự giỏi, thông minh) mới làm được bài ở mức 4. Vì vậy, nếu nhà trường đánh giá học sinh đúng thì làm sao có nhiều điểm 9, 10?
Khi học sinh đã được đánh giá đúng là thật sự giỏi thì khi thi gặp đề thi khó (vào trường chất lượng cao như thầy nói) chí ít các em cũng phải đạt từ điểm 5 trở lên đến điểm 7 chứ không thể chỉ là 0.5, 0.75, điểm 1 hoặc điểm 2, điểm 3.
Nguyên nhân nào khiến điểm học bạ và điểm thi lệch nhau bất thường?
Thứ nhất, theo tìm hiểu của người viết qua trao đổi với các đồng nghiệp ở bậc tiểu học đặc biệt ở thành phố, nhiều phụ huynh bận việc suốt ngày mà trường lại không có bán trú nên nhiều gia đình có nhu cầu gửi con cho thầy cô chủ nhiệm cả ngày (gọi là dịch vụ lo trọn gói từ việc ăn uống, tắm rửa đến dạy học).
Một số giáo viên muốn giữ chân học sinh đã mớm đề và khá dễ dãi trong việc cho điểm các em.
Học sinh lên lớp nào, phụ huynh gửi con cho thầy cô chủ nhiệm lớp đó. Thế là điểm cao, học bạ đẹp, những lời phê cứ như chuông đi theo các em hết lớp này đến lớp khác và ai cũng ngộ nhận con mình học giỏi.
Năng lực thật sự của các em chỉ bộc lộ khi tham dự kỳ thi mà các em chưa được mớm trước đề. Vì thế, điểm thi mới lệch so với điểm học bạ đến 10 lần.
Lớp tôi dạy năm học 2019-2020 có một học sinh từ thành phố Phan Thiết chuyển về. Trước khi vào năm học mới, bà ngoại cháu bé (chính là hiệu phó một trường tiểu học về hưu) đến xin nhà trường cho em ấy ở lại lớp 1.
Bà cô bé cho biết: “Vì ở xa nên không thể dạy cháu. Bố mẹ cháu bận suốt ngày nên gửi nhà cô chủ nhiệm nguyên ngày cùng cả buổi tối. Cuối năm cháu đạt học sinh xuất sắc nhưng về nhà tôi dạy cháu học mới phát hiện ra cháu tiếp thu rất chậm và hổng nhiều kiến thức. Vì thế, gia đình muốn xin cho cháu ở lại lớp 1 cho chắc”.
Dù lý do gia đình đưa ra là chính đáng, nhưng nhìn học bạ của em cứ đẹp như mơ nên không thể ghi là “Lưu ban” được nên nhà trường từ chối.
Thứ hai, không loại trừ việc chạy học bạ. Chúng tôi thi thoảng vẫn gặp, vẫn nghe, vẫn thấy đồng nghiệp của mình rất nhiệt tình đi xin điểm cho một vài học sinh.
Ngay như việc hiệu trưởng, hiệu phó một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh sửa điểm bài thi cho một học sinh và bị giáo viên phanh phui vừa qua cũng cho thấy việc làm học bạ đẹp đang còn hiện hữu.
Thứ ba, những học sinh có điểm số đẹp (10 điểm) nhưng thi chỉ được 4 hoặc 5 hay 6 phần nhiều là học không vào đúng lò luyện.
Lò luyện ở đâu? Ai dạy để biết đã vào đúng hay chưa?
Xin thưa, học sinh thi trường nào thì vào trường đó hoặc tìm đúng giáo viên bộ môn mình dự thi để học (lưu ý thầy cô giáo trưởng bộ môn hoặc trực tiếp là phó hiệu trưởng chuyên môn) đảm bảo sẽ đúng lò luyện.
Đơn cử, một người bạn của chúng tôi là phóng viên một tờ báo tỉnh gọi điện chia sẻ: “Con em 9 năm liền là học sinh giỏi xuất sắc (giỏi thật sự vì cháu không đi học thêm nhưng vẫn đạt học sinh xuất sắc, ngoài ra còn đạt mấy giải tỉnh ở kỳ thi học sinh giỏi tỉnh) nhưng thi vào trường chuyên chỉ đạt khoảng 4 điểm toán.
Bạn tôi buồn bã vì nghĩ, vậy những cháu đạt điểm cao trong đợt thi với con mình chắc phải "giỏi khủng khiếp".
Tôi chia sẻ thật với bạn mình rằng, các em ấy phần đông thì cũng giống con bạn ấy thôi. Có em nhỉnh hơn nhưng cũng có em sẽ không bằng. Quan trọng là nhiều em đã đi luyện đúng lò sẽ có điểm cao.
Cô bạn mới ngớ người ra cho biết: “Em có nghe nói trường và một số giáo viên cũng mở lớp ôn luyện nhưng vì tin lực học của con nên em không đăng ký. Giờ thì nghe nói có học sinh về khoe trúng tủ nhiều dạng nên làm bài rất tốt”.
Đây cũng là lý do vì sao một số trường học tuyển sinh ra đề thi khó đến bất thường để thu hút học sinh vào ôn tập. Một số hiệu trưởng, hiệu phó còn chạy điểm để làm học bạ đẹp thì ai dám chắc giáo viên sẽ không?
Thế nên cách tốt nhất hạn chế việc điểm học bạ đẹp như mơ nhưng điểm thi lại quá chênh lệch chỉ còn cách buộc trách nhiệm này cho chính giáo viên và ngôi trường ấy.
Đã buộc trách nhiệm thì phải có xử phạt nghiêm minh. Có thế mới khống chế được phần nào việc cho điểm vô tội vạ dẫn đến việc điểm thì cao mà hổng hết kiến thức.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-ba-toan-diem-10-thi-tuyen-sinh-chi-duoc-0-5-ly-do-khong-nhu-du-luan-nghi-post211322.gd
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-22-2016-TT-BGDDT-sua-doi-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-thong-tu-30-2014-TT-BGDDT-323463.aspx