Đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - quần đảo này bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược năm 1974 |
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 12 tháng 8 đăng bài viết tuyên truyền nhan đề "Học giả: Trung Quốc thiếu căn cứ pháp lý đối với đường chữ U Biển Đông, hoàn cảnh rất khó xử" của phó chủ nhiệm Kỳ Hoài Cao, Trung tâm nghiên cứu quan hệ Trung Quốc và các nước láng giềng, Đại học Phục Đán, Trung Quốc.
Trong bài viết có những nội dung xuyên tạc, báo GDVN đăng lại toàn bộ nội dung bài viết để độc giả rộng đường tham khảo.
Theo bài viết, ngày 3 tháng 6 năm 2014, toà án trọng tài quốc tế ở La Hay, Hà Lan công bố lệnh yêu cầu Trung Quốc tiến hành biện hộ cho hồ sơ khởi kiện của Philippines về vấn đề Biển Đông.
Nếu trước ngày 15 tháng 12, phía Trung Quốc không đưa ra biện hộ thì tòa trọng tài quốc tế sẽ tiến hành phán quyết đối với Trung Quốc cho dù họ vắng mặt.
Lần này, Philippines đặt tiêu điểm vào tính hợp pháp của đường chữ U trên Biển Đông của Trung Quốc, hành động này có hiệu ứng "làm mẫu", Việt Nam đã cho biết cân nhắc áp dụng cách làm này.
Hiện nay, trong vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng tư pháp quốc tế, sự kiên trì của một số nước có yêu cầu chủ quyền ở Biển Đông và sự phản đối của Trung Quốc thể hiện trạng thái "giằng co".
Hình ảnh hoạt động lấn biển của Trung Quốc ở đá Gạc Ma. Đá ngầm này thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược năm 1988. |
Theo bài báo, Trung Quốc đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với đường chữ U trên Biển Đông với căn cứ chủ yếu là "quyền lợi mang tính lịch sử". Hiện nay, vấn đề của Trung Quốc là sự mơ hồ trong trình bày về "quyền lợi mang tính lịch sử" của đường chữ U. Thách thức lớn hơn là, luật pháp Trung Quốc cũng không không có quy định pháp lý rõ ràng đối với đường chữ U.
Chẳng hạn, "Luật vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" không tiến hành giải thích đối với vấn đề quy thuộc và tính chất vùng biển của Biển Đông.
Theo bài báo, trong 4 loại giải thích pháp lý gồm các quan điểm về "đường biên giới quốc gia", "đường quy thuộc đảo", "đường vùng biển lịch sử" và "đường quyền lợi mang tính lịch sử", thì căn cứ pháp lý và sự thực của "đường quy thuộc đảo" là đầy đủ nhất. Đường này từ lúc đầu ra đời đã trở thành một đường "quy thuộc đảo" để tuyên bố chủ quyền.
Trong tình hình quan điểm "đường quy thuộc đảo" chủ trương "chủ quyền các đảo ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc" (Trung Quốc đi xâm lược thì không có chủ quyền), dựa theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển để vạch ra lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, tác giả này vớt vát cho rằng, điều này "phù hợp với quá trình lịch sử xuất hiện, phát triển của đường chữ U, cũng có lợi hơn cho bảo vệ cho cái gọi là "quyền lợi" của Trung Quốc ở Biển Đông".
Trung Quốc gọi thầu thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - một hành động ngông cuồng, vô đạo, bất chấp luật pháp quốc tế(ảnh tư liệu) |
Mặc dù thừa nhận không có cơ sở pháp lý nhưng học giả này lại nói trong bài viết rằng, "nếu vùng đặc quyền kinh tế không đạt được cự ly của đường chữ U, có thể hỗ trợ thêm bằng "quyền lợi mang tính lịch sử" của đường chữ U. Trong đường tự tuyên bố là "quyền lợi mang tính lịch sử", Trung Quốc được hưởng quyền ưu tiên khai thác, sử dụng tài nguyên nghề cá hải dương, tài nguyên dầu khí đáy biển, tài nguyên khoáng sản".
Tác giả bài viết cho rằng, tính chất pháp lý của "đường quy thuộc đảo" cộng với giải thích "quyền lợi mang tính lịch sử", có thể làm cho các nước đòi hỏi chủ quyền khác ở Biển Đông "nhận thức sáng suốt" về yêu sách (vô lý và bất hợp pháp, không có nước nào chấp nhận được -PV) của Trung Quốc.
Hiện nay, do tính chất pháp luật của đường chữ U không rõ ràng, làm cho các nước đòi hỏi chủ quyền liên quan dựa vào tư pháp quốc tế nghi ngờ tính hợp pháp của đường chữ U, khiến cho hoàn cảnh của Trung Quốc rất khó xử/lúng túng.
Chuyên gia này khuyên Bắc Kinh rằng: "Nếu Trung Quốc kiên trì lập trường không tham gia vụ kiện của Philippines trong vấn đề Biển Đông, thì ít nhất cần bày tỏ trước lập trường, làm rõ "tính chất pháp lý" của đường chữ U, gây ảnh hưởng có hiệu quả hơn tới phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế La Hay".
Chính phủ Trung Quốc khủng bố Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: Đâm chìm tàu cá của Việt Nam, ngăn chặn không cho cứu ngư dân của tàu cá này. |
Theo tham mưu của học giả này - (đây cũng là nội dung các bên cần chú ý, bởi nó có tính chất dự báo về hành động tiếp theo của TQ - PV): "Khi Trung Quốc làm rõ "tính chất pháp lý" của đường chữ U, có 3 công việc phải thúc đẩy thực sự:
Một là phải huy động các lực lượng đo vẽ bản đồ trong nước khảo sát địa hình, địa mạo dưới nước ở Biển Đông, bao gồm bờ biển thuộc chủ quyền của tất cả các nước đòi hỏi chủ quyền, kinh độ và vĩ độ của các đảo, đá ngầm.
Hai là phải gia tăng mức độ xây dựng nguồn nhân lực luật biển quốc tế trình độ cao.
Ba là phải đề xướng xây dựng cơ chế nước đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, thành viên cơ chế này gồm 6 nước đòi hỏi ở Biển Đông (Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, Indonesia). Khi đó, với cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính khu vực này, Trung Quốc có thể chuyển hóa "quyền lợi mang tính lịch sử" thành yêu sách tài nguyên biển có thể thực hiện.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết đã thể hiện sự lo ngại thực sự của học giả Trung Quốc đối với tham vọng “đường chữ U” (đường lưỡi bò) do Trung Quốc vẽ bậy ra trên Biển Đông.
Rõ ràng, điểm yếu trong đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là thiếu các bằng chứng pháp lý. Họ chỉ có “lịch sử xâm lược, bành trướng” mà thôi.
Trung Quốc không có bằng chứng lịch sử, pháp lý cho yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Trong hình là tấm bản đồ lãnh địa Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa trong atlas “Trung Hoa bưu chính dư đồ” do Trung Hoa Dân Quốc xuất bản năm 1919 tại Nam Kinh. |
Trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, rõ ràng Việt Nam, các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cần phải đấu tranh với Trung Quốc trên mọi mặt trận, do đó, phải hết sức tận dụng đầy đủ các bằng chứng pháp lý, lịch sử, thực tiễn để khẳng định và bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình; đồng thời phải nghiên cứu, phán đoán được ý đồ, hành động của Trung Quốc để phục vụ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, thu hồi quần đảo Hoàng Sa cũng như một phần quần đảo Trường Sa đã bị Trung Quốc xâm lược.