Học Khoa Du lịch, SV được rèn nghề sớm, trường gắn đào tạo với doanh nghiệp

13/04/2024 06:42
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Khoa Du lịch – Trường Đại học Hải Phòng đang liên kết với hơn 30 doanh nghiệp du lịch lữ hành và khách sạn trên địa bàn Hải Phòng và các tỉnh thành lân cận.

Ngành du lịch, dịch vụ có vai trò vô cùng quan trọng, đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nước ta có tiềm năng du lịch biển, du lịch truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng,.... cùng với xu hướng dịch chuyển dần về các ngành dịch vụ đang diễn ra mạnh mẽ, đó cũng là lý do mà ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành luôn nằm trong tốp ngành học “hot” nhất hiện nay, được xếp vị trí hàng đầu trong nhóm ngành dịch vụ.

Tại Hải Phòng, hiện nay có nhiều trường đào tạo về ngành này, trong đó, Khoa Du lịch - Trường Đại học Hải Phòng là đơn vị đào tạo chính quy có uy tín về du lịch tại Hải Phòng.

Chương trình đào tạo gắn với thực tiễn

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tâm – Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Hải Phòng) cho biết, hiện tại khoa đào tạo 2 ngành và chuyên ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Việt Nam học (Văn hóa du lịch; Quản trị du lịch).

Để đáp ứng yêu cầu sinh viên chuyên ngành du lịch, ngay từ năm học đầu tiên sinh viên đã được tham gia các học phần thực tế địa danh lịch sử nhằm nâng cao kiến thức nghề du lịch.

GDVN_khoa-du-lich-1.jpg
Sinh viên Khoa Du lịch - Trường Đại học Hải Phòng được học tập, thực tập tại các doanh nghiệp lớn, uy tín (Ảnh: NTCC)

Năm thứ hai, sinh viên được tham gia học phần thực tập chuyên môn 1 với chuyến hành trình “Con đường di sản miền Trung” với lịch trình 7 ngày, nhằm nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cho sinh viên.

Đến năm thứ 3 và năm thứ 4, sinh viên bắt đầu chính thức thực tập tại doanh nghiệp với thời gian từ 8-12 tuần tại các doanh nghiệp lữ hành có uy tín và các khách sạn 4-5 sao cao cấp tại Hải Phòng và các tỉnh thành lân cận như: Công ty lữ hành Viettravel; Saigon tourist; Khách sạn tập đoàn quốc tế Sheraton; các khách sạn tập đoàn Vinpearl toàn quốc, Pearl River, Harbour View…

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tâm cũng chia sẻ về ưu điểm của chương trình đào tạo du lịch tại Khoa Du lịch Trường Đại học Hải Phòng.

Cụ thể, chương trình được xây dựng có sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia và các doanh nghiệp du lịch. Chương trình kết hợp phù hợp giữa lý thuyết và thực hành tại trường và tại doanh nghiệp.

Sinh viên học tập tại trường có cơ hội tham gia thực tập, thực hành tại các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, khách sạn tại Hải Phòng và các tỉnh thành lân cận; được trải nghiệm các chương trình ngoại khoá phong phú, bổ ích ngay từ năm thứ nhất.

Bên cạnh đó, sinh viên có cơ hội được nâng cao kỹ năng mềm tại câu lạc bộ du lịch, sử dụng công nghệ trong quá trình giảng dạy và học tập, từ việc sử dụng các nền tảng trực tuyến cho đến việc sử dụng các ứng dụng và phần mềm giảng dạy tiên tiến.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tâm cũng cho biết, đổi mới phương thức đào tạo theo hướng gắn với doanh nghiệp là điều cần thiết trong giáo dục đại học ở tất cả các ngành, trong đó có ngành du lịch.

Bởi lẽ, nếu sinh viên không có cơ hội học tập, rèn luyện trong môi trường doanh nghiệp thì khi ra trường, các em sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đội ngũ nhân lực chất lượng cao không chỉ thể hiện ở tấm bằng đại học, quan trọng là kỹ năng nghề, kỹ năng xử lý vấn đề, kỹ năng ứng xử, giao tiếp của các em.

Để sinh viên được đào tạo, rèn luyện, thực hành kỹ năng nghề và đáp ứng được yêu cầu ngày cao của thị trường lao động, những năm qua, Trường Đại học Hải Phòng đã tăng cường và chú trọng mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp.

“Thế mạnh của Khoa du lịch là khoa liên kết đào tạo một số nghiệp vụ tại khách sạn cho sinh viên: Khoa đã hợp tác với một số khách sạn như khách sạn Sheraton, khách sạn Vinpearl trong việc tổ chức được một số buổi đào tạo các nghiệp vụ bàn, buồng, lễ tân cho sinh viên.

Thông qua đào tạo, sinh viên được trực tiếp thực hành các nghiệp vụ, xử lý các tình huống, ứng dụng các kiến thức đã được học vào trong công việc mà điều kiện trang thiết bị học tập tại trường chưa đáp ứng được.

Hiện tại, Khoa Du lịch đang liên kết với trên 30 doanh nghiệp du lịch lữ hành và khách sạn trên địa bàn thành phố Hải Phòng và các tỉnh thành lân cận.

Các đối tác tiêu biểu thường xuyên có sự kết nối của Khoa Du lịch như: Khách sạn Sheraton; Vinpearl; Vinpearl Golf; Khách sạn Pearl River; Khách sạn HarbourView; The Shine; Draco Thăng Long, Mường Thanh; Công ty du lịch Viettravel; Công ty du lịch Sài Gòn tourist; Công ty du lịch Sun tour; Công ty du lịch S9; Công ty du lịch Trải nghiệm Việt; Công ty tổ chức sự kiện Sugo; Công ty Five tour…”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tâm nói.

Thu hút nhiều nguồn lực từ cựu sinh viên

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Tâm, Khoa Du lịch tự hào là khoa luôn được sự kết nối hỗ trợ thường xuyên với các cựu sinh viên.

Các hoạt động liên quan đến hoạt động chuyên môn, phong trào của khoa đều có sự đóng góp của các cựu sinh viên thông qua các hoạt động như: báo cáo các chuyên đề về thực tế ngành nghề liên quan đến các học phần chuyên ngành, học phần nghiệp vụ du lịch; nhận hướng dẫn sinh thực tập tại doanh nghiệp của cựu sinh viên;

Nhiều cựu sinh viên đã hỗ trợ về công tác tổ chức, nghiệp vụ, tài chính… để khoa tổ chức các hoạt động liên quan đến phong trào, kỹ năng nghiệp vụ của sinh viên; góp ý chỉnh sửa và xây dựng các chương trình đào tạo; tham gia các hội nghị, hội thảo do khoa và nhà trường tổ chức;…

GDVN_khoa-du-lich-3.jpg
Nhiều cựu sinh viên sau khi ra trường đã quay lại hỗ trợ Khoa Du lịch bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa (Ảnh: NTCC)

Ông Nguyễn Bùi Năm – Giám đốc công ty Fivetour (Hải Phòng) là một trong những cựu sinh viên thành đạt của Khoa Du lịch. Ông năm cho biết, công ty thường xuyên tài trợ kinh phí cho khoa để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục cho sinh viên.

Công ty Fivetour cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành là cựu sinh viên của Khoa đã ủng hộ kinh phí để khoa trao học bổng cho những sinh viên đạt thành tích xuất sắc.

Đặc biệt, mỗi năm công ty đã nhận hàng chục sinh viên của Khoa Du lịch về thực tập, học hỏi kinh nghiệm, bổ sung nghiệp vụ.

“Với bản thân tôi, hàng năm tôi được mời tham gia các hội thảo của Khoa Du lịch; làm uỷ viên hội đồng bảo vệ khoá luận tốt nghiệp của sinh viên.

Tôi cũng tham gia những chuyên đề để chia sẻ kinh nghiệm về nghiệp vụ làm du lịch, các kỹ năng trong nghề, các lưu ý khi tiếp xúc khách hàng…”, ông Năm chia sẻ.

Chia sẻ về cơ hội việc làm của sinh viên Khoa du lịch sau khi tốt nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tâm cho rằng, hiện tại sinh viên ra trường đều có việc làm theo các lĩnh vực ngành nghề đã được đào tạo, rất nhiều sinh viên được các doanh nghiệp du lịch mời làm cộng tác viên ngay từ năm thứ hai.

Về mức lương của ngành du lịch so với các ngành khác có phần cao hơn nếu tính theo ngày lương và thu nhập của người lao động sau khi ra trường. Cụ thể, lương hướng dẫn viên du lịch trung bình khoảng 500.000 đồng/ ngày, thậm chí cao hơn. Lương nhân viên điều hành du lịch có thể dao động từ 15 - 20 triệu đồng/ tháng.

Ngoài ra, khoa cũng liên tục nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ sở vật chất và cập nhật công nghệ mới nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong ngành Du lịch.

Với môi trường học tập và nghiên cứu tiên tiến, cùng với cơ hội thực tập và làm việc trong các doanh nghiệp hàng đầu, Khoa Du lịch Trường Đại học Hải Phòng đang là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực Du lịch.

LÃ TIẾN