Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được các thông tin cung cấp từ người dân cho biết, tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn rất nhiều địa chỉ dạy ngoại ngữ, luyện thi Toeic và Ielts mà theo họ không có giấy phép hoạt động.
Bằng kỹ sư đi luyện thi Toeic
Tại địa chỉ 122a đường số 13, phường Tân Kiểng quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh theo thông tin cung cấp là địa chỉ luyện thi Toeic do thầy Công tổ chức.
Tối ngày 12/9/2019, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại địa chỉ nói trên. Tại đây, có dán một tờ giấy Toeic thầy Công và số điện thoại liên hệ. Bên trong căn phòng không quá rộng là nơi học tập của hàng chục học viên và thầy Công.
Lớp luyện Toeic thầy Công trên đường số 13, phường Tân Kiểng, quận 7 (ảnh: P.L) |
Bên ngoài lớp học, đối diện là nơi để xe gắn máy của hàng chục học viên lớp học. Xe xếp thành hai hàng dài, ngang nhiên sử dụng lòng lề đường làm nơi giữ xe cho lớp học này.
Nhiều cơ sở ngoại ngữ tại Thành phố Hồ Chí Minh dạy không phép |
Việc giữ xe này do một người phụ nữ tên Thảo, xưng là vợ thầy Công đứng ra giữ, không có phiếu giữ xe cho học viên.
Chị Thảo chia sẻ: Đây là lớp học do chồng của chị mở, cũng là giáo viên duy nhất đứng lớp giảng dạy.
Cả hai vợ chồng chị đều tốt nghiệp kỹ sư của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, và đều đã học, lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Học phí là 1,9 triệu đồng, học trong vòng 10 tuần, mỗi tuần học 3 buổi.
Điều đáng nói, dù lớp học rất đông học viên như vậy, nhưng hoàn toàn không có bất cứ tờ giấy phép hoạt động nào do cơ quan chức năng cấp.
Xe của học viên trong lớp xếp thành hai hàng dài dựng hẳn trên lòng lề đường (ảnh: P.L) |
Chị Thảo tâm sự: Chị và chồng vẫn đang cố gắng hoàn thiện những giấy tờ pháp lý liên quan đến lớp học này, nhưng vấn đề gì cũng vẫn cần có thời gian để thực hiện.
Hàng loạt cơ sở dạy ngoại ngữ không phép, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
Cho tới nay, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải hàng loạt các cơ sở dạy ngoại ngữ (qui mô nhỏ) hoạt động không có giấy phép trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ của những cơ sở này trải rộng tại rất nhiều quận trên địa bàn thành phố, từ quận 1 đến quận 10, Bình Thạnh, Gò Vấp và nay là quận 7.
Danh sách các cơ sở dạy ngoại ngữ bị cho là không có giấy phép hoạt động vẫn còn rất nhiều. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục xác minh những nơi này, chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để có hướng xử lý.
Theo đúng luật quy định, thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động những cơ sở dạy ngoại ngữ, tin học thuộc về Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, một nhân viên của Sở này lại nói Sở cấp phép, nhưng quản lý địa bàn thì thuộc về địa phương. Còn một số địa phương thì lại nói trách nhiệm quản lý thuộc về cơ quan cấp phép, còn phường xã thì không cấp, nên không nắm.
Như vậy, không rõ là việc để tồn tại hàng loạt các cơ sở dạy ngoại ngữ không phép trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như vậy, trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng nào?