Học ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử tại Trường ĐH Thái Bình có gì đặc biệt?

24/07/2025 09:38
LÃ TIẾN
Theo dõi trên Google News

GDVN - Năm 2025, Trường ĐH Thái Bình tuyển 254 chỉ tiêu ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử với các tổ hợp xét tuyển: A00, A01, B00, D01, X01, C14.

Trong kỷ nguyên số và xu thế chuyển đổi năng lượng toàn cầu, ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử đóng vai trò then chốt trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống – từ sản xuất công nghiệp, năng lượng tái tạo, giao thông thông minh đến tự động hóa và công nghệ cao. Đây là ngành nền tảng tạo ra các giải pháp kỹ thuật hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành, tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu về nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực điện, điện tử ngày càng tăng, khẳng định vị thế quan trọng và lâu dài của ngành trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Học ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử tại Trường Đại học Thái Bình

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hà Văn Đổng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình cho biết: Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử là một trong những ngành mũi nhọn của khối Công nghệ - kỹ thuật, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển công nghiệp và hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên chuyển đổi số hiện nay. Đây là ngành học tích hợp kiến thức nền tảng và chuyên sâu về hệ thống điện, hệ thống điều khiển tự động, điện tử và viễn thông, cung cấp điện trong công nghiệp và dân dụng.

Tại Trường Đại học Thái Bình, ngành học này gồm 4 hướng chuyên ngành đào tạo chính, tạo điều kiện cho sinh viên theo đuổi định hướng phù hợp năng lực và nhu cầu xã hội, bao gồm:

Điện công nghiệp: Trang bị kiến thức và kỹ năng thiết kế, lắp đặt, bảo trì các hệ thống điện trong nhà máy, xí nghiệp, tòa nhà, khu dân cư.

Điện tử công nghiệp: Tập trung vào các thiết bị điện tử điều khiển tự động, hệ thống PLC, vi điều khiển, các mạch điện tử ứng dụng trong sản xuất và đời sống.

Điện tử viễn thông: Đào tạo kỹ sư có khả năng thiết kế, vận hành và khai thác các hệ thống thông tin, mạng truyền thông và thiết bị điện tử phục vụ cho lĩnh vực viễn thông.

Cung cấp điện: Hướng đến các hệ thống phân phối, truyền tải và quản lý năng lượng điện một cách hiệu quả và an toàn ở quy mô vừa và lớn.

Theo thầy Đổng, mỗi chuyên ngành đều có định hướng thực hành rõ ràng, được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường lao động, chú trọng kỹ năng ứng dụng thực tiễn và cập nhật công nghệ mới.

s7-20250712083843-e.jpg
Thông tin tuyển sinh năm 2025 ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử của Trường Đại học Thái Bình. Ảnh: NTCC

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử của Trường Đại học Thái Bình áp dụng nhiều phương thức xét tuyển linh hoạt như: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025; Xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông.

Đáng chú ý, nhà trường còn có nhiều ưu đãi cho sinh viên khi học ngành này. Theo đó, Trường Đại học Thái Bình triển khai nhiều suất học bổng dành cho sinh viên giỏi, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc đạt kết quả cao trong kỳ tuyển sinh; sinh viên có điểm chứng chỉ IELTS cao, điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội cao.

Nhà trường cũng trang bị đầy đủ phòng thực hành – thí nghiệm với máy móc, thiết bị tiên tiến, đa dạng, mô phỏng môi trường công nghiệp. Đồng thời, người học có cơ hội du học và trao đổi sinh viên quốc tế với các chương trình hợp tác của nhà trường và các trường đại học nước ngoài giúp sinh viên mở rộng kiến thức và trải nghiệm học tập đa văn hóa.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng được hỗ trợ thực tập, kiến tập tại doanh nghiệp. Trường có liên kết với nhiều doanh nghiệp lớn như EVN, Tập đoàn KHKT Hồng Hải, LG Display, Samsung, LuxShare, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh... tạo điều kiện cho người học có thể tiếp cận thực tế ngay từ năm 2, năm 3.

Nhà trường có các kết nối với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp sinh viên nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề sau khi tốt nghiệp.

7-20250718110530-e.jpg
Hoạt động thực hành của sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử của Trường Đại học Thái Bình. Ảnh: NTCC

Ngành học của tương lai, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình nhận định: Trong bối cảnh đất nước chuyển mình, toàn dân chuyển đổi số và quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa được thúc đẩy mạnh, ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử đóng vai trò sống còn trong mọi lĩnh vực từ sản xuất công nghiệp, năng lượng, viễn thông cho đến hạ tầng đô thị thông minh.

Hầu hết các thiết bị hiện đại ngày nay đều có sự can thiệp hoặc điều khiển bởi hệ thống điện – điện tử. Vì thế, đội ngũ kỹ sư trong lĩnh vực này là lực lượng nòng cốt để vận hành, bảo trì và phát triển các hệ thống công nghệ phục vụ cho xã hội hiện đại.

Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử được mệnh danh là "ngành học của tương lai" khi hội tủ đủ các yếu tố giúp người học đứng vững trên thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.

Trước hết, ngành học này có nhu cầu nhân lực rất lớn. Theo các báo cáo về thị trường lao động, kỹ sư ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử luôn nằm trong nhóm ngành có tỷ lệ việc làm cao sau khi tốt nghiệp.

4-20250718110526-e.jpg
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Ảnh: NTCC

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ sản xuất, thiết kế, bảo trì, kinh doanh thiết bị điện đến nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Các doanh nghiệp luôn có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có chất lượng đối với ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử.

Chương trình học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành với hệ thống phòng thí nghiệm, xưởng thực hành hiện đại, giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc thực tế ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên rà soát chương trình đào tạo định kỳ để điều chỉnh, bổ sung theo nhu cầu; tính đa dạng, tính liên thông và hội nhập quốc tế cao.

Đặc biệt, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục học lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước đối với chuyên ngành và trong các ngành liên quan.

8-20250718110531-e.jpg
Nhà trường trang bị hệ thống máy móc hiện đại phục vụ công tác đào tạo. Ảnh: NTCC

Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp và yêu cầu đối với người học

Chia sẻ về cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Tiến sĩ Hà Văn Đổng cho biết, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo có thể đảm nhiệm các vị trí:

Kỹ sư thiết kế, vận hành và bảo trì hệ thống điện – điện tử trong các nhà máy, khu công nghiệp.

Chuyên viên kỹ thuật tại các công ty sản xuất, cung cấp và phân phối thiết bị điện, điện tử, tự động hóa, viễn thông.

Kỹ sư giám sát thi công hệ thống điện công trình dân dụng và công nghiệp; Kỹ thuật viên trong các tập đoàn năng lượng, công ty điện lực, trung tâm điều độ hệ thống điện.

Kỹ thuật viên thiết kế và phát triển các hệ thống viễn thông, mạng truyền thông công nghiệp; Thiết kế, sản xuất và lắp ráp các mạch điện tử, mạch vi điều khiển, vi xử lý…

Chuyên viên nghiên cứu thiết kế và phát triển thiết bị và hệ thống điều khiển tự động; kỹ thuật viên lập trình các hệ thống điều khiển tự động; lắp đặt thiết bị, dây chuyền tự động hoá.

Chuyên viên kinh doanh, tư vấn, kiểm tra, đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của hệ thống kỹ thuật thiết bị điện - điện tử.

Giảng viên, cán bộ nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu.

5-20250718110527-e.jpg
Học ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tại Trường Đại học Thái Bình, sinh viên được chú trọng phát triển kỹ năng thực hành. Ảnh: NTCC

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình cũng chỉ ra những tố chất và yêu cầu cần có đối với người học mong muốn theo đuổi ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử.

Trước hết, các em cần có tư duy logic và khả năng phân tích tốt. Cụ thể, sinh viên cần có tư duy hệ thống, biết phân tích – đánh giá vấn đề một cách logic để thiết kế, vận hành và xử lý các hệ thống điện, điện tử phức tạp.

Thứ hai, người học cần yêu thích kỹ thuật, công nghệ, đam mê khám phá nguyên lý hoạt động của các thiết bị điện, mạch điện, công nghệ tự động hóa là yếu tố nền tảng giúp sinh viên theo đuổi ngành học lâu dài.

Thứ ba, khả năng làm việc với công cụ, thiết bị kỹ thuật: Ngành học yêu cầu sinh viên thường xuyên thực hành với các phần mềm mô phỏng, thiết bị đo lường, hệ thống điện tử – tự động, vì vậy kỹ năng thao tác kỹ thuật là rất quan trọng.

Thứ tư, kiên nhẫn, tỉ mỉ và chính xác: Các công việc liên quan đến điện và điện tử đòi hỏi sự cẩn trọng cao, bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể gây ra sự cố kỹ thuật nghiêm trọng.

Thứ năm, kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp: Nhiều dự án kỹ thuật cần sự phối hợp giữa các kỹ sư ở nhiều mảng khác nhau. Sinh viên cần rèn luyện khả năng trao đổi chuyên môn, phối hợp và làm việc theo nhóm hiệu quả.

Thứ sáu, khả năng ngoại ngữ và tin học: Tiếng Anh và kỹ năng sử dụng các phần mềm kỹ thuật như AutoCAD, Matlab, Proteus… là lợi thế lớn giúp sinh viên tiếp cận tài liệu quốc tế và ứng dụng công nghệ mới.

Thứ bảy, tinh thần học hỏi, cập nhật kiến thức liên tục: Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử thay đổi không ngừng, đòi hỏi người học phải chủ động cập nhật xu hướng mới như điện năng lượng tái tạo, IoT, AI trong tự động hóa…

1-20250718110522-e.jpg
Trường Đại học Thái Bình tổ chức nhiều hội thảo chuyên ngành để sinh viên có cơ hội cọ xát. Ảnh: NTCC
LÃ TIẾN