Ngôn ngữ Đức là ngành học cung cấp những kiến thức chuyên sâu về tiếng Đức và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ này trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), sinh viên ngành Ngôn ngữ Đức còn được trang bị kiến thức chuyên sâu về văn hóa các nước nói tiếng Đức, có kiến thức và các kỹ năng cần thiết để công tác trong các lĩnh vực như biên phiên dịch, kinh tế và du lịch.
Chương trình đào tạo chuyên sâu
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Thị Bích Thuỷ, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Đức, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Ngành Ngôn ngữ Đức của khoa được phân chia rõ ràng thành 3 định hướng: Biên/Phiên dịch, tiếng Đức Kinh tế, tiếng Đức du lịch.
Với định hướng biên/phiên dịch, sinh viên được giảng dạy các kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học tiếng Đức cùng phương pháp, kỹ thuật biên, phiên dịch.
Với định hướng kinh tế, người học có thể đưa ra giải pháp cho một số vấn đề kinh tế, các chiến lược kinh doanh cũng như có năng lực thực hiện các hoạt động đàm phán, giao dịch, ký kết hợp đồng kinh doanh hay các hoạt động liên quan đến kinh tế đối ngoại.
Còn định hướng du lịch được thiết kế với mục đích bồi đắp khả năng thuyết trình về các vấn đề lịch sử, văn hoá và con người. Ngoài ra, các bạn sinh viên có thể xây dựng, điều hành hiệu quả các hoạt động/chương trình du lịch.
“Cả ba định hướng này đều có rất nhiều môn học tự chọn. Khi lựa chọn một trong ba định hướng, sinh viên có thể học nhiều môn chuyên sâu hơn về các định hướng đó”, Tiến sĩ Thuỷ cho biết.
Cũng theo cô Thuỷ, năm 2024, ngành Ngôn ngữ Đức của khoa sẽ có thêm 1 môn học tự chọn về phương pháp giảng dạy tiếng Đức. Sự bổ sung này tạo điều kiện để những sinh viên có nguyện vọng đi dạy có thể lựa chọn để trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản nhất về phương pháp giáo dục tiếng Đức.
Nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp để tăng thêm khả năng thực hành cũng như giúp sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Hiện Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Đức, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế EduGo; Trung tâm đào tạo tiếng Đức VND; Trung tâm tiếng Đức GEZ; Công ty trách nhiệm hữu hạn WBS Training Vietnam trong lĩnh vực dạy tiếng và du học Đức hay Công ty VIVU JOURNEYS ở lĩnh vực du lịch.
Trong khi đó, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hiền, Trưởng khoa tiếng Đức, Trường Đại học Hà Nội, cho biết: “Sau khi học hết năm thứ hai, sinh viên ngành Ngôn ngữ Đức của trường có thể lựa chọn một trong hai định hướng chuyên ngành: Biên - Phiên dịch hoặc Phương pháp giảng dạy tiếng Đức. Các học phần của hai định hướng được thiết kế nhằm giúp sinh viên được trang bị tốt nhất về kiến thức cũng như kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho việc thực hành nghề sau này”.
Cô Hiền cũng cho biết thêm, năm 2024, khung chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Đức sẽ có sự bổ sung của hai học phần mới, bao gồm Khởi nghiệp và Thiết kế bài tập sáng tạo trong giảng dạy tiếng Đức.
“Việc bổ sung học phần Khởi nghiệp nhằm đáp ứng xu hướng của thị trường lao động hiện nay. Theo đó, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể khởi nghiệp với các mô hình kinh doanh cá nhân, gia đình hoặc cùng một nhóm bạn bè”, cô Hiền chia sẻ.
Cơ hội việc làm rộng mở cả trong nước và quốc tế
Chia sẻ về cơ hội việc làm của ngành Ngôn ngữ Đức, Tiến sĩ Lê Thị Bích Thuỷ cho biết: “Hiện nay tiếng Đức đang rất "hot" nên các bạn sinh viên hoàn toàn có thể có việc làm ngay trong quá trình học. Các doanh nghiệp lữ hành và đặc biệt là các trung tâm dạy tiếng Đức thường xuyên liên lạc với khoa để tìm sinh viên tốt nghiệp”.
Còn theo Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hiền, chưa bao giờ cơ hội nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Đức lại tốt như hiện tại.
“Nhu cầu của thị trường lao động đối với cử nhân ngành Ngôn ngữ Đức rất cao, đặc biệt đối với vị trí giáo viên tiếng Đức, vì ngày càng có nhiều trường trung học phổ thông dạy tiếng Đức cùng rất nhiều trung tâm giảng dạy tiếng Đức cho người đi du học hoặc lao động”, cô Hiền nhấn mạnh.
Cô Hiền cũng cho biết thêm ngay từ năm thứ hai, các bạn sinh viên đã có thể đi làm thêm. Và phần lớn sinh viên năm 4 ngành Ngôn ngữ Đức của Trường Đại học Hà Nội đã có doanh nghiệp sẵn sàng nhận vào làm việc.
Ông Nguyễn Tuấn Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục BLA cho biết: "Nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Đức của BLA khá lớn. Năm 2024, chúng tôi tuyển khoảng 40 vị trí để cung cấp đủ giáo viên và chuyên viên chất lượng cho các hệ thống đào tạo và tư vấn trên toàn quốc của BLA. Trong đó, 3 vị trí cần nhất là giáo viên tiếng Đức, chuyên viên quan hệ quốc tế (đối ngoại) và chuyên viên xử lý hồ sơ.
Các sinh viên khoa tiếng Đức mới ra trường sẽ được đào tạo thêm về kỹ năng thỉnh giảng cũng như nhiều kỹ năng mềm khác bổ trợ cho quá trình làm việc. Đồng thời, không chỉ khi tới làm việc tại BLA mới được đào tạo mà BLA luôn chào mừng các bạn sinh viên tới thực tập để tăng kinh nghiệm thực tế”.
Cũng đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Thị Tâm, Phó Tổng Giám đốc phụ trách đào tạo và khảo thí của Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế EduGo, hiện đang hợp tác với Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Đức, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ này. Với sinh viên, các bạn có thể tham gia vào vị trí trợ giảng. Với các bạn đã ra trường, vị trí giáo viên hoàn toàn phù hợp”.
Cũng theo bà Tâm để có thể tham gia giảng dạy ở doanh nghiệp, cử nhân phải sở hữu năng lực tiếng Đức và năng lực giảng dạy.
Với năng lực tiếng Đức, các bạn phải đạt trình độ tối thiểu cuối B2 hoặc đầu C1, đồng thời thành thạo trong giao tiếp hằng ngày. Ngoài ra, kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy cũng là điều cần thiết. Bên cạnh đó, công ty cũng tuyển dụng các vị trí dịch thuật cho các phòng, ban liên quan đến đối ngoại và công tác hồ sơ.
Không chỉ các doanh nghiệp, các bạn cựu sinh viên cũng đánh giá cao về khả năng có được việc làm sau khi tốt nghiệp của cử nhân ngành Ngôn ngữ Đức.
Đinh Phương Loan, cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Đức, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tốt nghiệp được 3 năm và hiện đang theo học chương trình thạc sĩ ngành DAF/Z (tiếng Đức như một ngoại ngữ/ ngôn ngữ thứ hai) của trường University Kassel, Đức.
Khi được hỏi về cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, chị Loan bày tỏ: “Thật sự rất may mắn khi tôi đã tìm được việc làm ngay từ những tháng cuối còn học đại học. Nhiều người quen xung quanh tôi có suy nghĩ học tiếng Đức ra trường sẽ khó xin việc nhưng thực tế hiện nay không hề như vậy.
Nhu cầu học tiếng Đức ở Việt Nam ngày càng cao nên rất cần nguồn nhân lực giảng dạy tiếng Đức. Thêm vào đó, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã xây dựng được uy tín và thương hiệu vững chắc trong lĩnh vực đào tạo ngôn ngữ, những kiến thức và kỹ năng được trang bị trong quá trình học tập giúp chúng tôi có lợi thế khi tìm kiếm việc làm”.
Trong khi đó, Trần Thu Linh, thủ khoa đầu ra năm 2024 ngành Ngôn ngữ Đức, Khoa Tiếng Đức, Trường Đại học Hà Nội đã ở lại tham gia công tác giảng dạy tại khoa. Dự định gắn bó với công việc này, sắp tới, Linh cho biết sẽ học tiếp cao học.
“Ngay sau khi tốt nghiệp, tôi đã nhanh chóng có việc làm. Hiện tại, tôi rất hài lòng với vị trí của mình. Theo tôi, khả năng tìm kiếm được công việc phù hợp của sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Đức khá cao. Ngoài lĩnh vực giáo dục thì du lịch, ngoại thương hay xuất nhập khẩu cũng có thể là lựa chọn tốt”, Linh nhận định.
Để học tốt ngôn ngữ Đức rất cần sự kiên trì
Là một ngành học với những cơ hội vô cùng rộng mở song để chinh phục ngôn ngữ Đức cũng cần sự nỗ lực rất lớn thì từ phía người học. Phần đông sinh viên chỉ học tiếng Anh ở cấp trung học phổ thông mà chưa tiếp xúc với ngôn ngữ khác.
Theo quan sát và nhận xét từ Tiến sĩ Lê Thị Bích Thuỷ, một số bạn lúc đầu thấy hào hứng vì học còn tiếp thu được và theo kịp tiến độ. Tuy nhiên, sau đó, khi học tiếng ở trình độ cao hơn, lượng từ vựng nhiều nên rất “oải”. Đặc biệt, khi học các môn chuyên ngành bằng tiếng Đức, nếu không thực sự cố gắng thì sẽ khó theo kịp tiến độ của chương trình, thậm chí không thi được chuẩn đầu ra để tốt nghiệp đúng hạn.
Thực tế đó cho thấy, phải thực sự đủ quyết tâm, kiên trì thì mới có thể theo đuổi được ngành học này. Còn về phía các trường, ban lãnh đạo khoa cũng như các thầy cô luôn tạo điều kiện và nỗ lực hết sức để giúp các bạn sinh viên có thể bắt nhịp, làm quen và chinh phục ngôn ngữ Đức.
“Khoa áp dụng khung chương trình dành riêng cho đối tượng đầu vào tiếng Đức là zero. Đối với sinh viên năm nhất, mỗi lớp đều có giáo viên chủ nhiệm theo sát các em trong quá trình học tập, trong các hoạt động của trường, của khoa. Những em học lực đuối có thể tham gia chương trình Tutor (gia sư) của trường để được hỗ trợ học tập”, cô Thuỷ thông tin.
Tương tự, Khoa tiếng Đức, Trường Đại học Hà Nội cũng định hướng đào tạo sinh viên từ đầu với hai giai đoạn: Thực hành tiếng và học theo định hướng chuyên ngành.
“Giai đoạn thực hành tiếng kéo dài 2 năm đầu. Trong giai đoạn này, sinh viên được học tiếng Đức từ chưa biết gì đến khi thành thạo (từ A1 đến trình độ C1) theo khung tham chiếu châu Âu về ngôn ngữ”, cô Hiền chia sẻ.
Trước thực tế thị trường làm việc rộng mở, hoạt động đào tạo chất lượng cùng những hỗ trợ từ các doanh nghiệp, Ngôn ngữ Đức được dự đoán sẽ là lựa chọn mang đến cho sinh viên nhiều trải nghiệm mới mẻ và cơ hội quý giá để phát triển bản thân, nhìn ra thế giới.