Học ngành Quản lý công nghiệp ĐH Điện lực có nhiều lợi thế kỹ năng 'thực chiến'

13/07/2024 06:45
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chương trình đào tạo ngành Quản lý công nghiệp ở Trường ĐH Điện lực được thiết kế theo định hướng trang bị năng lực "thực chiến" ứng dụng cho người học.

Quản lý công nghiệp (tên tiếng Anh là Industrial Management) là một ngành mang đặc trưng của kinh tế - kỹ thuật, giữ vai trò quan trọng cho thành công của các công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ về lĩnh vực công nghiệp.

Sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức toàn diện của ngành, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực vừa có năng lực chuyên môn sâu về quản lý công nghiệp, vừa có đạo đức và sức khỏe để làm việc trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Sau khi tốt nghiệp ra trường, người học có thể làm việc tại các vị trí như quản lý sản xuất, quản lý kế hoạch, điều độ sản xuất, quản lý dự án, thiết kế và phát triển sản phẩm, quản lý vật tư và tồn kho,… hay các cơ quan, đơn vị công lập thuộc lĩnh vực công thương.

Lĩnh vực là “xương sống” của nền công nghiệp, là bàn đạp thúc đẩy các “tế bào” doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đạt Minh - Phó trưởng Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng, Trường Đại học Điện lực cho biết: Thúc đẩy phát triển công nghiệp là định hướng xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia hiện nay.

Có thể thấy, những quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc,... đều là những đất nước có nhiều thành tựu phát triển mạnh mẽ về nền sản xuất công nghiệp. Từ những năm 1900, họ đã rất quan tâm và coi trọng đến nền tảng căn bản là lĩnh vực quản lý công nghiệp.

Screenshot 2024-06-28 142938.png
Tiến sĩ Nguyễn Đạt Minh - Phó trưởng Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng, Trường Đại học Điện lực. Ảnh: NTCC.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia bắt kịp với xu thế thời cuộc khi ngành Quản lý công nghiệp đã du nhập vào nước ta khá sớm so với các quốc gia khác ở trong khu vực. Hiện nay, vai trò của ngành nghề này ngày càng khẳng định tốt vị thế của mình, minh chứng là công tác quản lý công nghiệp đã và đang đóng góp nhiều cho sự phát triển của lĩnh vực sản xuất hàng hóa vật chất.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 10 năm từ năm 2021-2030, có mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao... Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Để đạt được các mục tiêu này trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đặc biệt thừa nhận tầm quan trọng của nâng cao năng suất chất lượng ngành công nghiệp trong nền kinh tế nước nhà.

Theo đó, lĩnh vực quản lý công nghiệp tập trung chủ yếu vào nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành công nghiệp. Xét ở góc độ vi mô, ngành Quản lý công nghiệp giúp cho các tổ chức công ty, doanh nghiệp tăng năng suất sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Những thành viên tham gia, đóng góp vào chuỗi giá trị của thị trường đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, đạt đến một trình độ quản lý nhất định, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, ngành Quản lý công nghiệp ngày càng thể hiện vai trò trong việc đồng hành với sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp; nói cách khác, doanh nghiệp cần phải dựa vào năng lực quản lý, điều phối, vận hành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh cạnh tranh, từ đó tạo “bàn đạp” cho sự phát triển của quốc gia.

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thời kỳ 4.0 hiện nay, chúng ta có thể hình dung Quản lý công nghiệp được coi là “xương sống” của nền sản xuất công nghiệp, giúp thúc đẩy và phát triển bền vững về năng suất, nâng cao về chất lượng, tăng tính cạnh tranh cũng như hội nhập với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ đó, chúng ta vừa phải đẩy mạnh, chú trọng phát triển về trình độ kỹ thuật, nhưng cũng cần đáp ứng cả về năng lực quản lý. Nếu một doanh nghiệp thực hiện hài hòa được giữa công nghệ và quản lý thì sẽ nâng cao tổng thể được hiệu quả hoạt động sản xuất của mình.

Theo Phó trưởng Khoa Quản lý công nghiệp và năng lượng của Trường Đại học Điện lực, về mặt thuận lợi, ngành học Quản lý công nghiệp ở nước ta hiện nay đang ngày càng được nhiều cơ sở giáo dục quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng của chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Dần khẳng định được sức hút riêng trong xu hướng phát triển chung của xã hội, ngành Quản lý công nghiệp luôn là một “sân chơi” hấp dẫn, thú vị cho những ai quan tâm tìm hiểu và đam mê đến sản xuất công nghiệp.

285518314_719900412592925_2749987708205393861_n.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đạt Minh cùng các sinh viên Trường Đại học Điện lực tham gia học tập trong tiết thực hành. Ảnh: NTCC.

Luôn đồng hành cùng những sinh viên yêu thích tìm tòi về ngành Quản lý công nghiệp là đội ngũ giảng viên tâm huyết của Trường Đại học Điện lực được đào tạo chuyên môn bài bản và tốt nghiệp từ những trường đại học có uy tín ở trong và ngoài nước. Người học ngành Quản lý công nghiệp của Trường Đại học Điện lực theo định hướng ứng dụng được trang bị toàn diện các kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc.

Đặc biệt, ngoài các đợt thực tập, thực hành trong suốt chương trình đào tạo thì người học còn được tham gia “Học kỳ doanh nghiệp” với sự đồng hành và hỗ trợ của hệ thống mạng lưới doanh nghiệp đa dạng của nhà trường. Điều này mở ra tiềm năng phát triển rất lớn cho nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số thách thức còn tồn tại là ngành Quản lý công nghiệp hay Kỹ thuật hệ thống công nghiệp chưa thực sự được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Nhiều em học sinh, sinh viên chưa thực sự hiểu đúng bản chất về ngành học này. Bởi đây là lĩnh vực có sự giao thoa giữa kỹ thuật, công nghệ và kinh tế, quản lý.

Có thể nói, chương trình đào tạo ngành học này định hướng khá toàn diện, nội dung kiến thức rộng mở và bao trùm nhiều mảng nghiên cứu. Song, sau khi bước vào tìm hiểu và học hỏi về chuyên môn này, nhiều người học sẽ cảm thấy rất đam mê và yêu thích.

Cơ hội việc làm ra sao?

Tiến sĩ Nguyễn Đạt Minh cho hay, Việt Nam chúng ta trải dài suốt 63 tỉnh thành, có hơn khoảng 400 khu công nghiệp và gần 1 triệu doanh nghiệp. Có thể nói, đây là một thị trường tiềm năng về lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhiều vị trí việc làm đa dạng, cơ hội nghề nghiệp rộng mở và phù hợp để nhân lực có thể ứng tuyển.

Chương trình đào tạo ngành Quản lý công nghiệp tại Trường Đại học Điện lực giúp người học làm việc được ở những vị trí công việc như: quản lý sản xuất tại nhà máy, hoạch định sản xuất, quản lý mua hàng và tồn kho, tư vấn thiết kế, cải tiến công nghiệp, thiết kế và triển khai kế hoạch tinh gọn, hệ thống hướng tới khách hàng; quản lý chất lượng, phân tích chi tiết cơ sở dữ liệu, kiểm định quá trình để xác định khu vực cần cải tiến, thay đổi; lập kế hoạch quản lý chuỗi cung ứng, thương lượng hợp đồng, thiết lập mối quan hệ với nhà cung cấp, duy trì sự chính xác của hệ thống mua hàng; hoạch định nhân sự, khảo sát nhu cầu đào tạo, định biên, kế hoạch động viên quan hệ lao động; quản lý kinh doanh, nghiên cứu thị trường, hoạch định chiến lược; cán bộ, chuyên viên nghiên cứu, giảng dạy các môn học thuộc chuyên ngành quản lý công nghiệp;..

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành Quản lý công nghiệp, người học có khả năng làm việc tại các vị trí ở những tổ chức doanh nghiệp về sản xuất và tư vấn dịch vụ công nghiệp như: sản xuất cơ khí, điện - điện tử, hóa chất, dệt may, luyện kim, bảo dưỡng công nghiệp, tư vấn chất lượng,...; các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp như: tập đoàn than, hoá chất, điện lực, dầu khí,... và các tập đoàn đa quốc gia.

Ngoài ra, người học có thể tham gia vào cơ quan nghiên cứu, quản lý nhà nước như Viện, Trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Công thương, Sở Công thương các tỉnh thành,...; cơ sở giáo dục đào tạo, trường đại học, cao đẳng, trường nghề, học viện,...

Ký kết thoả thuận hợp tác với Công ty TNHH NL Bền vững Việt Nga.jpg
Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năng lượng Bền vững Việt - Nga. Ảnh: NTCC.

Chương trình đào tạo ngành Quản lý công nghiệp của Trường Đại học Điện lực là một trong những chương trình đào tạo Quản lý công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận kiểm chất lượng giáo dục, góp phần khẳng định chất lượng đào tạo và vị thế trong bản đồ giáo dục Việt Nam.

Theo thống kê hằng năm của nhà trường về tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm và mức thu nhập trung bình, Quản lý công nghiệp cũng nằm ở một trong những ngành học có mức thu nhập trung bình tương đối cao. Qua dữ liệu khảo sát, mức lương của người học sau 1 năm tốt nghiệp tại Trường Đại học Điện lực trung bình khoảng 9.200.000 đồng/tháng.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, anh Dương Thành Nam - cựu sinh viên tốt nghiệp khóa D13, lớp Quản lý công nghiệp, Trường Đại học Điện lực cho biết:

“Hiện tại, tôi đang công tác tại một tổ chức doanh nghiệp làm về lĩnh vực cải tiến và tư vấn hệ thống sản xuất công nghiệp. Theo đánh giá của bản thân qua quá trình công tác trong nghề, Quản lý công nghiệp ở nước ta hiện nay có nhiều mặt thuận lợi tiềm năng để phát triển.

Nếu như trước đây, nhu cầu thúc đẩy nền công nghiệp ở Việt Nam chưa đủ, các tổ chức nhỏ lẻ hoạt động manh mún, rời rạc và mới có dấu hiệu manh nha khởi sắc thì trong những năm gần đây, dòng chảy đầu tư trực tiếp vốn FDI của nước ngoài vào Việt Nam đã tăng lên. Điều này làm cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để phát triển, rục rịch vận hành dự án, đòi hỏi sự quản lý hệ thống phải bài bản, chuyên môn hơn, đáp ứng tiêu chuẩn của thế giới, đảm bảo được độ cạnh tranh trên thị trường”.

Ngoài ra, theo anh Thành Nam, mức thu nhập của người học sau một năm tốt nghiệp ra trường dao động khoảng 10.000.000 đồng/tháng. Lĩnh vực về ngành kỹ thuật này có tiềm năng thăng tiến cao, dựa vào sự cống hiến và động lực phát triển của mỗi cá nhân. Với kinh nghiệm và năng lực được trau dồi, mức lương cho nhân viên có thể lên đến hàng chục triệu đồng/tháng, thậm chí còn cao hơn ở những vị trí quản lý.

ff1fa98f36c3949dcdd2.jpg
Anh Dương Thành Nam - cựu sinh viên tốt nghiệp khóa D13, lớp Quản lý công nghiệp, Trường Đại học Điện lực. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Văn Toàn - sinh viên năm cuối lớp D15, chuyên ngành Quản lý sản xuất và tác nghiệp, ngành Quản lý công nghiệp, Trường Đại học Điện lực chia sẻ:

“Bản thân lựa chọn ngành học vì nhận thấy nước ta đang đẩy mạnh về ngành công nghiệp hóa. Rất nhiều các khu công nghiệp được xây dựng và lĩnh vực logistics cũng đồng thời phát triển rất mạnh. Quản lý công nghiệp là ngành học luôn có nhu cầu cao về nhân lực do sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế và xã hội.

Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu lao động kỹ thuật cao trong lĩnh vực công nghiệp. Do vậy, đây là một ngành học có nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, từ đó bản thân nhận thấy cần phải tìm kiếm một ngôi trường đào tạo tốt về lĩnh vực này”.

Từng tham gia làm việc tại phòng kỹ thuật của Công Ty Trách nhiệm hữu hạn Tiên Phong, Toàn đánh giá nhu cầu nhân lực về quản lý công nghiệp đang rất thiếu hụt về nhân lực. Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài khiến nhu cầu nhân lực cho ngành Quản lý công nghiệp ngày càng tăng cao.

Người học ngành Quản lý công nghiệp có nhiều cơ hội phát triển bản thân, yêu cầu người lao động phải có các kỹ năng và kiến thức khác nhau, do vậy đây là một ngành học giúp chúng ta phát triển mỗi cá nhân một cách toàn diện.

Chương trình đào tạo ngành Quản lý công nghiệp bao gồm nhiều môn học chuyên ngành về kỹ thuật, kinh tế và quản trị, đòi hỏi sinh viên phải có khả năng học tập tốt và có tinh thần ham học hỏi. Công việc có thể thường có áp lực do phải đảm bảo tiến độ sản xuất và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, ngành học đòi hỏi nhân lực cần có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi và phát triển không ngừng của xã hội.

Ở trường, Toàn còn tham gia Câu lạc bộ Tuổi trẻ năng suất và chất lượng của Khoa Quản lý công nghiệp và Năng lượng để có thêm nhiều trải nghiệm, tăng cường giao lưu.

Picture1.jpg
Nguyễn Văn Toàn - sinh viên năm cuối lớp D15, chuyên ngành Quản lý sản xuất và tác nghiệp, ngành Quản lý công nghiệp, Trường Đại học Điện lực. Ảnh: NVCC.

Học ngành Quản lý công nghiệp tại Trường Đại học Điện lực có gì khác biệt?

Tiến sĩ Nguyễn Đạt Minh chia sẻ, Trường Đại học Điện lực là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên ở Việt Nam tham gia đào tạo nhân lực về lĩnh vực quản lý công nghiệp. Chiến lược của nhà trường đã xác định rất rõ ngay từ đầu là chương trình đào tạo ngành Quản lý công nghiệp theo định hướng ứng dụng.

Sự khác biệt của Trường Đại học Điện lực so với phần lớn cơ sở giáo dục khác đào tạo ngành học này là người học được cấp bằng Kỹ sư với thời gian đào tạo là 4,5 năm với nhiều kiến thức, kỹ năng cốt lõi của ngành.

Được cung cấp kiến thức và kỹ năng chuyên sâu, người học ngành Quản lý công nghiệp ở Trường Đại học Điện lực nghiên cứu nhiều kiến thức về kỹ thuật và quản lý để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia vào những nhóm phát triển dự án của doanh nghiệp, giúp tối ưu hệ thống sản xuất, đánh giá hoạt động phù hợp, hiệu quả chi phí sản xuất.

Đặc biệt, nhà trường xây dựng chương trình đào tạo tích hợp nhiều học phần thực hành. Sinh viên được trải qua bốn đợt thực tập tại các doanh nghiệp trước khi bước vào thời điểm làm đồ án tốt nghiệp. Các bạn được trải nghiệm làm việc ở doanh nghiệp trong chương trình “Học kỳ doanh nghiệp” ở những vị trí như: cải tiến sản xuất, quản lý kho, nhân viên kế hoạch, logistics, quản lý dự án,…

Đó chính là khoảng thời gian quý báu giúp người học có đủ kinh nghiệm tìm hiểu hoạt động thực tế tại doanh nghiệp, từ đó trải nghiệm và đề xuất những giải pháp cho doanh nghiệp dựa trên những kiến thức đã học ở nhà trường. Nhằm tăng tính “cọ xát” và “thực chiến” cho sinh viên, Trường Đại học Điện lực đảm bảo tiêu chuẩn đầu ra, nỗ lực điều chỉnh các phương án để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và người học.

Để học tốt ngành học này, thầy Nguyễn Đạt Minh gửi gắm lời khuyên tới các em sinh viên cần nuôi dưỡng đam mê quyết tâm, học hỏi kỹ năng quản lý dần dần từng bước trong quá trình trau dồi bản thân. Khối lượng kiến thức giữa các lĩnh vực giao thoa tương đối nhiều, vì vậy, người học nên có sự nỗ lực, quyết tâm và không ngừng phát triển.

Đáng lưu ý, trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, các em sinh viên nên trang bị vững các kiến thức về toán học, kỹ năng mềm và khả năng giao tiếp ngoại ngữ để thuận lợi phát triển hơn trong công việc.

Lễ phát động Nghiên cứu Khoa học sinh viên quản lý công nghiệp và năng lượng 2024.png
Lễ phát động Nghiên cứu Khoa học của sinh viên Khoa Quản lý công Nghiệp và Năng lượng, Trường Đại học Điện lực năm 2024. Ảnh: NTCC.

Anh Thành Nam chia sẻ rằng, đội ngũ giảng viên Trường Đại học Điện lực luôn sát cánh hỗ trợ, tận tình giảng dạy và tạo điều kiện cho các em sinh viên học tập, nghiên cứu bám sát thực tế, đi kịp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Song, phần nhiều thành công vẫn phụ thuộc vào chính bản thân người học cần không ngừng tìm hiểu, học hỏi, trau dồi và ứng dụng. Để hướng đến thành công, hai yếu tố cốt lõi quan trọng cần xoay quanh là “thông minh không bằng chịu khó” và “hãy dám sai, đừng ngại thử nghiệm”.

Người đi ứng tuyển việc làm nên đứng ở tâm thế và góc nhìn của người đi giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp. Có như thế, người học mới có sự tự chủ động trong việc học hỏi, nghiên cứu, định hình vấn đề và nỗ lực làm việc. Bởi lẽ, ngành học này có thách thức đối với sinh viên mới làm quen là hệ thống khái niệm, kiến thức trừu tượng, cảm giác hơi mơ hồ, khó hình dung, đòi hỏi sự kiên trì tìm hiểu.

Còn theo Nguyễn Văn Toàn, để học tốt ngành này, sinh viên cần xác định rõ mục tiêu của bản thân, học tập chăm chỉ, có tinh thần ham học hỏi; rèn luyện các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm,...; tham gia các hoạt động ngoại khóa để gia tăng cơ hội tạo dựng mối quan hệ; ứng tuyển thực tập tại các doanh nghiệp nhằm cọ xát thực tế với môi trường làm việc; không ngừng cập nhật kiến thức mới;...

“Quản lý công nghiệp là một ngành học tiềm năng với nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, để thành công trong ngành này, chúng ta cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ năng và tinh thần học hỏi để đảm bảo chất lượng đầu ra và tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế", Nguyễn Văn Toàn cho biết.

Lưu Diễm