Học phí ngành Luật gần 700 triệu/khóa có gì khác với nơi khoảng 100 triệu/năm?

26/08/2022 06:32
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với mức học phí ngành Luật tăng mạnh, cá biệt có trường học phí gần 700 triệu đồng/khóa. Vậy điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo có gì khác nhau?

Trước đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết tổng hợp về mức học phí khác nhau giữa các trường đào tạo Luật trong khối 23 trường đại học tự chủ hoàn toàn theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Với mức học phí tăng mạnh, cá biệt, có trường học phí gần 700 triệu đồng/khóa, vậy những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo thực tế của các trường hiện nay như thế nào?

Dưới đây là bảng so sánh các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và tỷ lệ sinh viên có việc làm của một số trường có đào tạo nhóm ngành Luật:

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của một số trường đào tạo nhóm ngành Luật. (Số liệu được tổng hợp từ đề án tuyển sinh năm 2022 và website của các trường đại học. Thực hiện: Doãn Nhàn)

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của một số trường đào tạo nhóm ngành Luật. (Số liệu được tổng hợp từ đề án tuyển sinh năm 2022 và website của các trường đại học. Thực hiện: Doãn Nhàn)

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có mức học phí cao nhất trong số các trường đào tạo nhóm ngành Luật. Mức học phí cao nhất hiện nay là 165 triệu đồng/năm học. Đây là chương trình chất lượng cao ngành luật với nội dung giảng dạy hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Để tham dự chương trình này, thí sinh phải đạt tối thiểu IELTS 5,5 điểm.

Năm nay, trường chỉ tuyển sinh một lớp duy nhất với số lượng người học khoảng 40-60 người/lớp. Sinh viên sẽ được học tập và thực hành 100% chương trình bằng tiếng Anh và tiếng Anh pháp lý. Ngoài ra, sinh viên theo học sẽ được ưu tiên tham gia các chương trình đào liên kết và xét tuyển học bổng tại nước ngoài.

Đội ngũ giảng viên bao gồm giảng viên nước ngoài và giảng viên của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cùng giảng viên của các trường đại học trong nước có quan hệ hợp tác với trường, tốt nghiệp từ các chương trình đào tạo ở nước ngoài giảng dạy.

Ngoài ra, sinh viên sẽ được tiếp cận, sử dụng và nghiên cứu kho tài liệu, nghiên cứu khoa học ngoại văn về pháp luật khổng lồ tại thư viện pháp luật lớn nhất miền Nam. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc học của sinh viên chất lượng cao được cam kết thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại, tiện nghi.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng với danh hiệu “Bằng cử nhân chất lượng cao ngành Luật”. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá đây sẽ là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối khi sinh viên tham gia tuyển dụng.

Về điều kiện cơ sở vật chất, theo đề án tuyển sinh năm 2022 của trường, hiện nay trường có 3 cơ sở đào tạo, 2 cơ sở có diện tích khá nhỏ là cơ sở Nguyễn Tất Thành (quận 4): diện tích 3569 m2 và cơ sở Bình Triệu (thành phố Thủ Đức): diện tích 3627 m2. Riêng cơ sở phường Long Phước có diện tích rộng nhất, khoảng 12,8ha.

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

Số lượng các phòng học, phòng chức năng,... phục vụ cho việc đào tạo và nghiên cứu là 161 phòng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 27.879 m2. Trong đó, có 5 phòng máy tính với khoảng 290 máy tính. Trường không có khu vực kí túc xá cho sinh viên.

Đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường gồm 278 giảng viên, trong đó có 18 giáo sư, 55 phó giáo sư; 201 thạc sĩ và 4 giảng viên trình độ đại học.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành Luật có việc làm của trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh là 92,45% (sinh viên khóa K41).

Năm học 2022-2023, mức học phí ngành Luật của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tăng khoảng 2,5 triệu đồng so với năm trước đối với hệ đại trà và tăng khoảng 3 triệu đối với hệ chất lượng cao. Học phí chương trình đại trà trung bình là 23 triệu đồng/năm, học phí chương trình chất lượng cao trung bình là 39 triệu đồng/năm.

Năm nay, dự kiến ngành Luật kinh tế hệ chất lượng cao sẽ tuyển khoảng 90 chỉ tiêu. Nhà trường cam kết sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế có thể làm việc tại các tổ chức trong nước và quốc tế ở các vị trí như chuyên viên pháp lý tại doanh nghiệp, làm việc tại các cơ quan nhà nước: toà án các cấp, các cơ quan của Quốc hội, viện kiểm sát, các bộ ngành của chính phủ…, làm việc tại các tổ chức nghiên cứu và tư vấn về luật pháp kinh tế.

Xét về điều kiện cơ sở vật chất, trong số các trường đào tạo nhóm ngành Luật được khảo sát, đây là trường có diện tích rộng nhất - khoảng 553.629 ha với 6 cơ sở đào tạo. Cũng giống với Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cũng không có khu vực kí túc xá cho sinh viên.

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

Trường có tổng 305 phòng học, phòng chức năng,... phục vụ cho hoạt động học tập và nghiên cứu với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 55.246m2. Số phòng thư viện, trung tâm học liệu được trang bị lên tới 19 phòng.

Với 6 cơ sở đào tạo, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng lên đến gần 1000 giảng viên. Trong đó, có 512 giảng viên cơ hữu và 342 giảng viên tham gia thỉnh giảng.

Theo công bố tại đề án tuyển sinh của trường năm nay, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Luật có việc làm của trường đạt mức 82,52% - thấp nhất trong số 5 trường khảo sát.

Có mức học phí đào tạo ngành Luật (hệ đại trà) tương đương với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh là Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Đây cũng là trường có tới 6 cơ sở đào tạo (gồm 5 cơ sở đào tạo và 1 phân hiệu tại Nha Trang).

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh chụp màn hình

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh chụp màn hình

Trường có khoảng 5881 chỗ ở ký túc xá cho sinh viên, trong đó ở Thành phố Hồ Chí Minh là 4772 chỗ, Bảo Lộc (Lâm Đồng) 429 chỗ, Nha Trang (Khánh Hòa) 680 chỗ. Ngoài ra, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có khoảng 753 phòng học và các phòng chức năng phục vụ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

Trong số 5 trường khảo sát, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường có đội ngũ giảng viên cơ hữu lớn nhất. Tổng số giảng viên cơ hữu theo báo cáo công khai của trường là 979 giảng viên, giảng viên thỉnh giảng là 575 giảng viên.

Khoa Luật của trường được thành lập từ sự phát triển của bộ môn Luật vào ngày 14/07/2015. Hiện nay, toàn khoa gồm 20 giảng viên, trong đó: 4 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh, 13 thạc sĩ và 3 tiến sĩ là chuyên gia đầu ngành về luật học.

Theo báo cáo của trường, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành Luật có việc làm là 100%.

Ngoài đào tạo ngành Luật theo hệ đại trà, Trường Đại học Ngoại Thương đào tạo thêm ngành Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp - đây là một mô hình đào tạo khá mới so với các trường khác. Theo đó, mức học phí ngành này theo công bố của trường dự kiến là 60 triệu đồng/năm, tăng hơn 20 triệu đồng so với năm ngoái.

Theo giới thiệu về ngành Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp của trường, chương trình sẽ có các học phần thực hành lần đầu tiên được triển khai trong chương trình đào tạo cử nhân Luật tại Việt Nam. Trường Đại học Ngoại thương kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức nền tảng về pháp luật, kiến thức chuyên môn sâu về pháp luật kinh doanh quốc tế, có kỹ năng cơ bản trong thực hành nghề nghiệp và có trình độ tiếng Anh pháp lý tốt.

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất của Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh chụp màn hình

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất của Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh chụp màn hình

Trường Đại học Ngoại thương gồm 3 cơ sở đào tạo, trong đó trụ sở chính ở thành phố Hà Nội, cơ sở 2 ở thành phố Hồ Chí Minh và một cơ sở đào tạo tại Quảng Ninh. Trường trang bị 319 phòng học và các loại phòng chức năng khác phục vụ cho việc đào tạo và nghiên cứu. Khu vực ký túc xá cho sinh viên với sức chứa khoảng 1000 chỗ.

Ngoài ra, trường còn trang bị phòng thực hành pháp luật cho sinh viên, với đầy đủ bàn ghế, loa đài, tivi được thiết kế theo đúng mẫu mô hình xét xử.

Tổng số giảng viên cơ hữu của trường là 552 giảng viên, trong đó có 43 phó giáo sư, 182 tiến sĩ và 370 thạc sĩ, không có giáo sư nào.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Luật có việc làm theo báo cáo của trường Đại học Ngoại thương là 91,04%.

Đối với Trường Đại học Thương mại, năm nay trường tăng học phí cao hơn năm ngoái khoảng 6-7 triệu đồng/năm.

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất của Trường Đại học Thương mại. Ảnh chụp màn hình

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất của Trường Đại học Thương mại. Ảnh chụp màn hình

Trường Đại học Thương mại gồm 2 cơ sở đào tạo, cơ sở chính đặt tại Hà Nội và một cơ sở tại Hà Nam. Trường có khoảng 272 phòng học, các loại phòng chức năng khác,.... phục vụ cho việc đào tạo và nghiên cứu. Khu vực ký túc xá dành cho sinh viên theo số liệu của trường công bố có khoảng 226 phòng.

Tổng số giảng viên cơ hữu của trường là 499 giảng viên, trong đó 2 giáo sư, 42 phó giáo sư, 135 tiến sĩ và 320 thạc sĩ.Theo giới thiệu của trường, Khoa Kinh tế - Luật có đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị cao, có năng lực chuyên môn tốt. Trong đó hầu hết là các nhà giáo có học hàm, học vị: Phó giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên cao cấp, giảng viên chính.

Tuy nhiên, cơ cấu đội ngũ theo trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, độ tuổi phân theo ngành đào tạo chưa đảm bảo cân bằng.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Luật có việc làm theo công bố của trường Đại học Thương mại là 100%.

Doãn Nhàn